Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 25/10/2018, 14:33 (GMT+7)
Hợp tác quản trị an ninh quốc tế vun đắp cho hòa bình và ổn định, là trách nhiệm của các quốc gia

Sáng 25-10, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 với chủ đề “Xây dựng đối tác an ninh kiểu mới, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng thắng” đã chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn và có bài phát biểu trong phiên thảo luận thứ nhất của diễn đàn. Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch:

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại diễn đàn

Thưa ngài Chủ tọa,

Thưa toàn thể quý vị,

Trước hết, tôi xin cám ơn Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ban Tổ chức Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2018 đã mời tôi tham dự và phát biểu tại diễn đàn rất có ý nghĩa này. Qua 7 lần tổ chức, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đã chứng tỏ trách nhiệm của nước chủ nhà Trung Quốc và các quốc gia tham gia đối với hòa bình, ổn định an ninh khu vực và trên toàn thế giới, mong muốn đóng góp vào thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.

Thưa toàn thể quý vị,

Quản trị an ninh quốc tế là sự tương tác, hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, các nhân tố nhà nước và phi nhà nước trong quá trình quản lý và giải quyết vấn đề an ninh quốc tế; thông qua các cơ chế hợp tác, dựa trên luật lệ, các quy tắc và chuẩn mực, trong đó Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là nguyên tắc cơ bản. Chỉ khi nào quản trị an ninh quốc tế được đảm bảo thì sự phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và toàn thế giới mới gặt hái được những thành quả cao nhất.

Những diễn biến an ninh trên thế giới gần đây có nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Không phải lúc nào Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cũng được tôn trọng. Khi lợi ích cục bộ, chủ nghĩa đơn phương bị đẩy cao thì những thách thức đối với hiệu quả quản trị an ninh quốc tế cũng như đối với vai trò của Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương càng trở nên khó khăn, phức tạp. Những chiến lược phát triển cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu mà các nước lớn đưa ra đang được quan tâm thảo luận, nếu thực sự đem lại sự ổn định, hòa bình, phát triển cho khu vực và toàn cầu sẽ góp phần tạo nên diện mạo bản đồ chiến lược mới của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, những khác biệt lớn về lợi ích, toan tính chính trị rất có thể sẽ tạo ra những cơn “sóng ngầm” và gây ra quan ngại cho các quốc gia còn lại. Khi lòng tin và sự thuận hòa giữa các nước lớn chưa được định hình sẽ là rào cản lớn để có thể tháo gỡ những nút thắt cho nền hòa bình bền vững của nhân loại… Điều đó càng cho thấy ý nghĩa quan trọng của sự hợp tác, đối thoại thẳng thắn giữa các quốc gia, của các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh ngày hôm nay. Đúng như câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Nước đục càng lắng càng trong, phải trái càng tranh luận càng rõ”. Không cần chiến tranh mà vẫn đi tới thắng lợi, đi đến hòa bình. Linh cảm và trí tuệ đó của binh pháp Tôn Tử từ hàng ngàn năm trước vẫn có sức ảnh hưởng tới các vấn đề hiện đại.

Thưa toàn thể quý vị

Để quản trị an ninh quốc tế tốt hơn, chúng ta cần củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế và cơ chế hợp tác. Các cơ chế hợp tác đa phương không chỉ giúp cho các quốc gia tìm kiếm cơ hội cùng phát triển, mà hơn nữa còn để giải quyết các bất đồng, tranh chấp và xung đột giữa các bên, coi đó như một nhân tố mới làm thay đổi nền chính trị thế giới hiện đại và thúc đẩy sự chuyển động định hình cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong số các tổ chức và cơ chế hợp tác an ninh khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và quản lý xung đột. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, đã có 37 quốc gia ngoài ASEAN, bao gồm tất cả các nước lớn và các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia, điều đó chứng tỏ hiệu quả và thành công của ASEAN trong quản trị an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, ASEAN tích cực, khởi xướng và đóng vai trò trung tâm trong cơ chế hợp tác an ninh nhằm tạo ra các diễn đàn, khuôn khổ để thúc đẩy đối thoại và hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh chung. Các cơ chế hợp tác, như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), đã và đang phát huy hiệu quả trong xây dựng lòng tin, quản lý và ngăn ngừa xung đột tại Châu Á - Thái Bình Dương. Thành lập năm 2010 tại Hà Nội, ADMM+ đã phát huy vai trò của quân đội và đối ngoại quốc phòng trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, phù hợp với lợi ích của tất cả các nước; là cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh quan trọng và hiệu quả nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.

Thưa toàn thể quý vị,

Ngày hôm nay, thế giới khâm phục những thành tựu to lớn của đất nước Trung Hoa đạt được sau hơn 40 năm cải cách, mở cửa. Trung Quốc đang vươn lên và vươn ra mạnh mẽ, dần khẳng định vị thế cường quốc khu vực và quốc tế. Việc thực thi sáng kiến “Vành đai, Con đường” thể hiện vai trò, vị thế tích cực của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới. Thế giới mong muốn Trung Quốc như một quốc gia đi đầu trong việc thể hiện trách nhiệm, đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị an ninh quốc tế, duy trì, thúc đẩy hòa bình, phát triển. Điều đó, được Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC - Việt Nam 2017: “Quản trị toàn cầu đang thay đổi, môi trường kinh tế chính trị toàn cầu đang thay đổi đòi hỏi hệ thống quản trị toàn cầu cũng phải thay đổi tương ứng. Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người”.

Là một trong trong những đối tác chiến lược của ASEAN, Trung Quốc đã tích cực ủng hộ và có nhiều đóng góp quan trọng trong các cơ chế hợp tác an ninh do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhất là ADMM+, thông qua các sáng kiến và biện pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, Diễn tập Hàng hải ASEAN - Trung Quốc, cuộc diễn tập Hải quân chung đầu tiên giữa ASEAN với một nước đối tác đang diễn ra tại Trạm Giang, Trung Quốc là một biểu hiện cụ thể và quyết tâm của hai bên nhằm tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc là lập trường chung của ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Một trong những thành công của ASEAN là cùng Trung Quốc thông qua Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tích cực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải tại một vùng biển có tầm quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu. Xây dựng COC không chỉ giải quyết vấn đề an ninh có nhiều nét đặc thù mà còn nhằm cụ thể hóa luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và cam kết của các bên liên quan thành một bộ quy tắc, chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm an ninh khu vực.

Thưa toàn thể quý vị,

Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng củng cố đoàn kết nội khối; tích cực, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực vào các cơ chế hợp tác an ninh do ASEAN giữ vai trò trung tâm. Việt Nam đang chuẩn bị để đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, trong đó mục tiêu tăng cường hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực giải quyết các thách thức an ninh chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2009 và sẵn sàng đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, để đóng góp nhiều hơn nữa vào sứ mệnh duy trì hòa bình, ổn định và an ninh của Liên hợp quốc. Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, theo từng bước đi phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Ngày 01-10-2018, Việt Nam đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Nam Xu Đăng và sẽ tiếp tục triển khai thêm các phân đội khác trong thời gian tới, thể hiện trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới.

Thưa toàn thể quý vị,

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ truyền thống lâu đời, như lời phát biểu của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “…Đây là tiền đề và động lực quan trọng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới…”. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình khẳng định, mối quan hệ truyền thống Trung - Việt là “tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước”. Mối quan hệ ấy đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới trong khuôn khổ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện.

Đối với vấn đề trên biển, Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đảm bảo lợi ích của hai nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia khác; thông qua đối thoại để kiểm soát tốt những vấn đề tồn tại, không để ảnh hưởng đến cục diện tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thưa toàn thể quý vị,

Chiến lược Quốc phòng của Việt Nam đầu thế kỷ XXI khẳng định mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa lợi ích, hòa bình của quốc gia mình với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Bên cạnh việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc thì cũng đồng thời tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.  Đó là lý do Việt Nam tích cực đóng góp cho sự phát triển các cấu trúc an ninh khu vực và quốc tế, và cũng là lý do tôi có mặt ở Diễn đàn ngày hôm nay.

Với nhận thức sâu sắc rằng thế giới hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề toàn cầu mà không một nước nào có thể tự đứng ra giải quyết được, Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương, hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực. Phương châm của Việt Nam trong tiến trình tham gia vào hợp tác quản trị toàn cầu, quản trị an ninh quốc tế là dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng, khu vực và thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và những luật chơi chung để mang lại công bằng và lợi ích cho tất cả các bên. Tham gia tích cực trong hợp tác quản trị an ninh Quốc tế là lợi ích và trách nhiệm của Việt Nam cũng như của mọi quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.