Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 25/04/2012, 01:15 (GMT+7)
Hội thảo “Mặt trận hướng Đông – Từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”

Theo Báo QĐND – Sáng 24-4, tại Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Đồng Nai đã phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Mặt trận hướng đông – từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012).

Dự hội thảo có Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; cùng các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử và hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu.


Đại tướng Lê Đức Anh cùng các tướng lĩnh, nhà khoa học tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nêu rõ: với tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Xuân Lộc và mặt trận hướng Đông trong Đại thắng mùa Xuân 1975, hội thảo nhằm khẳng định và tập trung làm rõ thêm một số vấn đề: Tinh thần tích cực, chủ động của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền; bước phát triển trong nghệ thuật chiến dịch, sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị, lực lượng; vị trí Mặt trận hướng Đông và Chiến dịch Xuân Lộc trong toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nhân tố thắng lợi; đúc rút những bài học kinh nghiệm, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

Trong phát biểu đề dẫn, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh: hội thảo đã kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học đạt được trong thời gian qua, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lịch sử. Những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn của chiến dịch Xuân Lộc được vận dụng vào công cuộc đổi mới, chắc chắn sẽ thiết thực góp phần xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng – an ninh, xây dựng địa bàn phòng thủ...

24 tham luận trong hơn 100 tham luận gửi tới được chọn trình bày tại hội thảo đã đề cập toàn diện, phân tích sâu sắc sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; vai trò lãnh đạo, tổ chức của Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền đối với các chiến dịch và khả năng cơ động, chiến đấu, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các đơn vị, lực lượng, tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng, quật cường của quân và dân ta. Trong diễn tiến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, những thắng lợi của quân và dân ta tại mặt trận phía Đông Sài Gòn và chiến thắng Xuân Lộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính chất then chốt, quyết định đối với tốc độ cũng như diễn biến của toàn bộ chiến dịch.

Mặt trận hướng Đông Sài Gòn và chiến thắng Xuân Lộc diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Sự hi sinh, mất mát của quân và dân ta trước ngưỡng cửa thắng lợi là không nhỏ. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở thông cánh cửa chính yếu, tạo bàn đạp và thế trận mới cho các đơn vị trên các hướng khác tổng tiến công giải phóng Sài Gòn. Tham luận của một số tướng lĩnh, nhà khoa học đã phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề lịch sử về xác định lực lượng địch phòng thủ, lựa chọn hướng tiến công của quân ta, sự linh hoạt, sáng tạo trọng vận dụng và thay đổi cách đánh trong các trận chiến đấu mang tính then chốt.

Trên cơ sở khẳng định tầm vóc, vai trò to lớn của Mặt trận hướng Đông – từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tham luận của các đại biểu đã rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Diễn biến và thắng lợi trên mặt trận hướng Đông, giải phóng Sài Gòn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Bộ. Những bài học lịch sử về khả năng tận dụng thời cơ, bố trí lực lượng, phối hợp hiệp đồng quân binh chủng, phát huy cao nhất lực lượng tại chỗ, sự linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong cách đánh... cần được nghiên cứu, vận dụng nhuần nhuyễn trong công tác xây dựng, huấn luyện LLVT hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Nải, Bí thư Đảng bộ thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cho biết: mảnh đất Long Khánh – Xuân Lộc nơi chiến trường xưa, sau 37 năm xây dựng, kiến thiết, nay đã trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh, mạnh và sôi động với nền kinh tế đa ngành ở khu vực phía Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên mảnh đất đã nhuốm máu cha ông, Đảng bộ, nhân dân Long Khánh luôn tự hào về truyền thống lịch sử. Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Xuân Lộc và những bài học kinh nghiệm rút ra từ hội thảo này giúp Đảng bộ, chính quyền, quân, dân thị xã Long Khánh có thêm những tư liệu quý báu để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện.

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.