Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 18/06/2014, 10:43 (GMT+7)
Hội thảo khoa học về Biển Đông tại Áo

Theo sáng kiến của Hội hữu nghị Áo - Việt, ngày 13-6, tại Học viện Ngoại giao Áo ở thủ đô Vienna đã diễn ra Hội thảo “Xung đột ở Biển Đông: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines” dưới sự chủ trì của Giáo sư Helmut Kramer (Hen-mút Cra-mơ) thuộc bộ môn Khoa học chính trị của Đại học Vienna. Tham dự Hội thảo có 80 nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội, sinh viên và một số kiều bào Việt Nam, Trung Quốc.

Hội thảo đã tập trung nghe báo cáo của Tiến sĩ Alfred Gerstl (An-phơ-rết Gét-xân) thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Vienna điểm lại lịch sử vấn đề Biển Đông, những yêu sách của các nước liên quan, các diễn biến căng thẳng gần đây và một số dự báo về tình hình trong thời gian tới. Theo Tiến sĩ Alfred Gerstl, những yêu sách chủ quyền và tranh chấp ở Biển Đông đã được đề cập từ nhiều thập kỷ nay nhưng tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng hơn một tháng qua sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tiến sĩ Alfred Gerstl cho rằng trong số tất cả các bên liên quan ở Biển Đông, yêu sách của Trung Quốc là mập mờ nhất và cái gọi là "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh chiếm tới 85% diện tích Biển Đông và đụng chạm tới tất cả các nước trong khu vực. Theo Tiến sĩ, yêu sách này của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là khối lượng dự trữ dầu, khí đốt và khoáng sản dồi dào ở Biển Đông, cũng như vị trí then chốt của vùng biển này trên tuyến đường hàng hải quan trọng vận chuyển tới 80% nhu cầu dầu khí của các nước trong khu vực. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn tìm kiếm các nguồn dự trữ dầu khí mới cho nhu cầu phát triển của mình, bất chấp đây là khu vực đánh cá truyền thống của các nước ven bờ.

Về những diễn biến gần đây, Tiến sĩ A. Gerstl nói rõ không có nước nào ủng hộ hành động của Trung Quốc. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… đều bày tỏ lo ngại về hành vi của Trung Quốc. Tiến sĩ đánh giá cao sự kiên nhẫn và cách xử sự khéo léo của Việt Nam trong việc tránh đụng độ với Trung Quốc và giữ gìn hòa bình khu vực. Theo ông, giải quyết tình hình ở Biển Đông đòi hỏi các nước phải kiềm chế, tìm kiếm giải pháp thông qua thương lượng và trên cơ sở luật pháp quốc tế, phải có nhân nhượng chính trị và có sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước ngoài khu vực. Tiến sĩ A.Gerst khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là văn bản pháp lý quan trọng nhất làm cơ sở để giải quyết các yêu sách chủ quyền. Bên cạnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này vì đây là tổ chức có đông thành viên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong thời gian qua, ASEAN đã có nhiều hoạt động đa dạng hóa quan hệ với các nước đối tác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn Độ, Australia và cũng đã thể hiện tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Năm 2002, ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ A.Gerstl đưa ra 03 kịch bản cho tình hình Biển Đông sắp tới. Thứ nhất là các nước sẽ tiếp tục duy trì yêu sách của mình nhưng cố gắng kiềm chế, tránh xung đột vũ trang và giảm dần căng thẳng trong 2 - 3 năm tới. Thứ hai là do “sơ suất”, một nước có thể sử dụng vũ lực làm căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột thực sự. Tuy nhiên kịch bản này rất ít khả năng xảy ra vì sẽ gây hậu quả khó lường đối với khu vực cũng như thế giới. Kịch bản thứ ba là ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước liên quan bằng các cơ chế mà tổ chức này đã có, kèm theo sự tham gia và hỗ trợ của các nước bên ngoài. Tuy khả năng thứ 03 còn rất xa vời nhưng có lẽ đây là mong muốn lớn hơn cả và cũng mang tính khả thi cao nhất vì trong ASEAN có nhiều nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, tổ chức này cũng đã có nhiều cơ chế hợp tác với các nước đối tác. Tiến sĩ A.Gerstl nhấn mạnh việc thống nhất thái độ với Trung Quốc trong ASEAN sẽ là một vấn đề quan trọng.

Phát biểu tại phần thảo luận, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời nêu rõ nguyên nhân căng thẳng là do Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Đại sứ, ngay từ đầu Việt Nam đã thực hiên chủ trương giải quyết căng thẳng một cách hoà bình trên cả thực địa và trong giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc. Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này với quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền thiêng liêng của đất nước như lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh. Đại sứ Nguyễn Thiệp cảm ơn sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội tại Hội thảo này, cho rằng đây là minh chứng thể hiện sự quan tâm, lo lắng của các học giả đối với Việt Nam. Đại sứ bày tỏ mong muốn dư luận Áo và các nước EU sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ việc giải quyết hoà bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Toàn bộ tài liệu nghiên cứu được Tiến sĩ A.Gerstl trình bày tại Hội thảo sau đó đã được đưa lên trang web của Hội hữu nghị Áo – Việt để phục vụ nhu cầu tra cứu và sử dụng.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.