Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:38 (GMT+7)
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”

Sáng 22/11, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học với Chủ đề: “60 năm Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 - 02/12/2024) - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Dự, chỉ đạo Hội thảo có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết phát biểu chỉ đạo

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

Cách đây 60 năm, trên địa bàn chiến lược miền Đông Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã tổ chức và thực hành thắng lợi Chiến dịch Bình Giã trong Đông Xuân 1964 - 1965. Đây là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, cũng là một trong những chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước phát triển về lực lượng, phương pháp tác chiến tập trung của lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội chủ lực nói riêng. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, “mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam”.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Với hơn 70 bài tham luận gửi về Ban Tổ chức; trong đó, có 09 tham luận trực tiếp tại Hội thảo đã khẳng định và làm sâu sắc thêm một số nội dung sau: (1). Phân tích, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; phản ứng của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn trước đòn tiến công Bình Giã của Quân Giải phóng miền Nam; dư luận nhân dân Mỹ và thế giới qua từng giai đoạn phát triển của Chiến dịch. (2). Khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền - nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Bình Giã; vai trò của các cấp ủy đảng miền Nam; quá trình chuẩn bị chiến dịch; sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam nói chung, chiến dịch Bình Giã nói riêng; (3). Tái hiện diễn biến Chiến dịch; vai trò của các lực lượng tham gia Chiến dịch, nòng cốt là chủ lực Quân Giải phóng miền Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương; mối quan hệ giữa quân sự, chính trị, binh vận; vai trò của công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, thông tin liên lạc; giá trị của nhân tố chính trị, tinh thần trong quá trình tiến hành Chiến dịch; (4). Phân tích, làm rõ nét đặc sắc của Chiến dịch, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức và điều hành, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng; nghệ thuật chọn hướng tiến công, chọn trận then chốt quyết định; nghệ thuật mở màn và kết thúc Chiến dịch; các hình thức chiến thuật, cách đánh trong Chiến dịch; (5). Phân tích, làm sáng tỏ tác động, ảnh hưởng của chiến dịch Bình Giã đến thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam, đưa ra những nhận định, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi cũng như những hạn chế trong tiến hành Chiến dịch; đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Các đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo là hoạt động lớn, trọng tâm, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang giá trị thực tiễn sâu sắc, thiết thực Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã. Thông qua Hội thảo đã góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa của Chiến thắng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã; tôn vinh và tri ân công lao của lực lượng vũ trang giải phóng cùng các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vững bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

Tin, ảnh: LÊ PHONG

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.