Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 26/06/2018, 08:15 (GMT+7)
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng
Toàn cảnhHội nghị

Ngày 25-6, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập (năm 2013), nhất là từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, phát biểu khai mạc, kết luận Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Ðại Quang, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Ủy viên Trung ương Ðảng; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí bí thư, phó bí thư, trưởng ban nội chính, chánh văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương,...

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các đồng chí: Phan Ðình Trạc, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành Hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ kiểm điểm công tác phòng, chống tham nhũng từ sau Ðại hội XII của Ðảng, bàn phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, mà còn nhìn lại 5 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chỉ ra những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế, bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp, nhằm không chỉ duy trì mà đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống "giặc nội xâm" đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt. Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, mà còn phải bàn các công việc thiết thực, cụ thể, nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng vốn khó khăn, gian khổ, lâu dài, cam go, đầy thử thách,...

Báo cáo do đồng chí Phan Ðình Trạc trình bày và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đánh giá: sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 và hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả nổi bật là vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, vừa cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện xử lý vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng; từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi hơn 260 nghìn tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ với 436 đối tượng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 971 vụ án với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ với 2.297 bị cáo về tội tham nhũng. Các phiên tòa xét xử ngày càng đổi mới theo hướng công khai dân chủ, minh bạch, coi trọng tranh tụng, nghiêm minh và nhân văn. Riêng các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ với 440 bị cáo với các mức án nghiêm khắc; trong đó có 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, bảy bị cáo với mức án tù 30 năm,… Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 26%, năm 2017 đạt 29,45%, sáu tháng đầu năm 2018 đạt 19%.

Công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng công khai minh bạch, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tích cực. Công tác cán bộ đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ, nhất quán, chặt chẽ; hàng loạt văn bản về công tác cán bộ được ban hành, giải quyết nhiều tồn đọng, kiên quyết xóa bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, không còn "vùng cấm" nào. Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông; vai trò trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được phát huy; các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng được chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế của phòng, chống tham nhũng, nhất là việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

19 đại biểu tham luận tại Hội nghị tập trung phân tích nêu rõ các vấn đề đặt ra, nhất là những kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng. Ðó là cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; công tác chỉ đạo đối với việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội; phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; kinh nghiệm trong công tác kiểm sát, điều tra và thực hành quyền công tố đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Ðó là kinh nghiệm trong phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý án tham nhũng, kinh tế; sự lãnh đạo của cấp ủy trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm hạn chế tiêu cực tham nhũng; phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm về kinh tế thông qua hoạt động kiểm toán; vai trò của ban nội chính trong tham mưu phát hiện, xử lý tham nhũng; hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong xây dựng cơ bản để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; mối quan hệ giữa thanh tra với các cơ quan kiểm tra, điều tra,… trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế phát huy việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; định hướng xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến tham nhũng; khắc phục sơ hở về thể chế, siết chặt kỷ cương, tăng cường thanh tra, giám sát, nhằm phòng, chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, phân biệt rõ trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự để xử lý sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Cần có giải pháp cụ thể phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và trong đấu thầu các dự án đầu tư công,...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.