Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 27/10/2016, 10:20 (GMT+7)
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công 2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Thái-lan dự và phát biểu ý kiến

Ngày 25-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mê Công (WEF - Mê Công) 2016, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít. Tổng thống Mi-an-ma Tin Chô, Phó Thủ tướng Thái-lan Xổm-kít Gia-tu-xri-pi-tác. Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm nhiều Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mê Công, đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn thành viên WEF và các nước Mê Công, cùng chuyên gia, học giả quốc tế.

Với chủ đề "Phát triển khu vực Mê Công: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối", Hội nghị gồm năm phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mê Công, như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mê Công, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mê Công trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của khu vực Mê Công ở Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, tiềm năng phát triển to lớn của khu vực Mê Công. Thủ tướng cho rằng, việc hướng tới xây dựng một khu vực Mê Công hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội là lợi ích chung của các nước Mê Công và khu vực, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN và góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực... Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các nước Mê Công cần nỗ lực đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển và hoàn thiện các hành lang kinh tế tiểu vùng; tăng cường hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch; ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, tranh thủ các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh hợp tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là đã chủ động tham gia đàm phán, ký kết và tới đây bắt đầu triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, tăng cường hợp tác công - tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của cả khu vực.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước Mê Công và các đại biểu đều nhấn mạnh tiềm năng khu vực Mê Công trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới; các nước Mê Công có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như kết nối các nước Mê Công với kinh tế khu vực và toàn cầu.

* Tại các phiên thảo luận của Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu nhiều ý tưởng, khuyến nghị về tăng cường liên kết kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực Mê Công, nhất là hạ tầng giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng; thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác thu hút các nguồn vốn trong và ngoài khu vực, trong đó có đầu tư của các doanh nghiệp theo hình thức quan hệ đối tác công - tư... Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh tiềm năng, cơ hội, khu vực Mê Công cũng đứng trước những thách thức trong tiến trình công nghiệp hóa và phát triển, như sử dụng thiếu bền vững các nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường, khoảng cách phát triển và phân hóa giàu - nghèo trong khu vực gia tăng, các lợi thế về tài nguyên và lao động chi phí thấp đang giảm dần trong bối cảnh các công nghệ mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ...

* Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu đối với khu vực Mê Công. Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng các nước Mê Công cần tăng cường hợp tác để thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, các nước Mê Công cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và kết nối kinh tế với thế giới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới đang tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của các nước đang phát triển như các nước Mê Công. Do đó, các nước Mê Công cần nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của các cách mạng công nghiệp mới.

* Chiều 25-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Thủ tướng Thái-lan Xổm-kít Gia-tu-xri-pi-tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao việc Phó Thủ tướng Xổm-kít Gia-tu-xri-pi-tác và đoàn đại biểu cấp cao Thái-lan đã tham dự Hội nghị WEF - Mê Công và Hội nghị cấp cao ACMECS-7 tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Thái-lan bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức thành công những hội nghị trên, qua đó góp phần vào việc tăng cường hội nhập khu vực; vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong hợp tác Việt Nam - Thái-lan trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước sự phát triển ngày càng sâu sắc, gần gũi trong quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Thái-lan; trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương được mở rộng và phát huy hiệu quả; hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng đã góp phần thúc đẩy, tăng cường tin cậy và gắn bó giữa hai nước; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng sôi động, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất lớn; hai bên hoàn toàn có cơ sở đạt mục tiêu 20 tỷ USD về kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020.

Về hợp tác quốc tế và khu vực, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực với các nước ASEAN nhằm duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm ASEAN và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế; đồng thời, tích cực hợp tác với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm lợi ích của các quốc gia hạ nguồn sông Mê Công.

* Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc điều hành WEF R.Xa-man. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao WEF đã ủng hộ và phối hợp tổ chức thành công Hội nghị WEF - Mê Công với nhiều nội dung thiết thực, thu hút đông đảo của các tập đoàn hàng đầu là thành viên WEF. Thủ tướng đề nghị WEF phối hợp với Việt Nam xem xét khả năng duy trì việc tổ chức Hội nghị WEF - Mê Công trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các nước Mê Công và các tập đoàn thành viên WEF. Giám đốc điều hành WEF R.Xa-man cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với WEF chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động, sáng kiến của WEF trong thời gian tới.

Hội nghị WEF về khu vực Mê Công là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mê Công ủng hộ. Đây là lần đầu WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mê Công, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn thành viên WEF đối với tiềm năng phát triển của khu vực Mê Công. Thành công của Hội nghị WEF về khu vực Mê Công mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực Mê Công, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực Mê Công.

* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác CLMV-8, Hội nghị cấp cao ACMECS-7 và Hội nghị WEF - Mê Công.

* Nhân dịp Hội nghị WEF - Mê Công, trưa 25-10, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức kết nối, giới thiệu, quảng bá các thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến các doanh nghiệp thành viên WEF.

* Ngày 25-10, tại Hội nghị WEF - Mê Công, Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN (RBC) với sự tham gia của 55 doanh nghiệp đã chính thức ra mắt. Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF G.Út cho biết, RBC gồm 25 doanh nghiệp hàng đầu ASEAN và 30 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có nhiệm vụ tăng cường hợp tác công - tư trong các lĩnh vực cấp bách nhất mà ASEAN đang đối mặt. Một trong những ưu tiên hàng đầu của RBC là thúc đẩy dỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan; tăng cường sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.