Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 21/11/2015, 20:39 (GMT+7)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Ma-lai-xi-a

Tối 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 (ASEAN 27) và các hội nghị cao cấp liên quan, diễn ra ngày 21 và 22-11.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao
ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

* Ngày 20-11, bên lề Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 27 và các HNCC liên quan tổ chức tại Ma-lai-xi-a, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê. Hai Thủ tướng nhất trí đánh giá quan hệ đối tác chiến lược song phương đã phát triển lên một tầm cao mới, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Hai Thủ tướng đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước; nhất trí tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại, đẩy mạnh triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”; thúc đẩy hợp tác năng lượng điện hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Về hợp tác giáo dục, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy dự án Trường đại học Việt - Nhật sớm đi vào triển khai từ năm 2016.

Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê thông báo quyết định tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỷ yên cho ba dự án là Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án cải tạo môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh, đưa khoản ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 300 tỷ yên, tương đương 2,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2015. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Quỹ tín dụng 110 tỷ USD về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các cơ chế hợp tác quốc tế, thúc đẩy phê chuẩn và triển khai Thành phốP, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy đạt được thỏa thuận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới tại Pa-ri, Pháp (COP 21).

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực thi nghiêm túc và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không quân sự hóa ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng S.A-bê sớm thăm lại Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã nhận lời.

* Ngày 20-11, tại thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ, đã diễn ra các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, bao gồm hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 17 và hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 13 để chuẩn bị cho HNCC ASEAN 27 và các HNCC liên quan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.

Tại các hội nghị, các Bộ trưởng đã rà soát và hoàn tất mọi mặt công tác chuẩn bị về chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và các văn kiện cho HNCC ASEAN 27 và các HNCC liên quan.

Về tiến trình xây dựng Cộng đồng, các Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa và tác động lâu dài của việc hoàn thành các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột Cộng đồng (Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội), kể cả sau thời điểm Cộng đồng ASEAN ra đời vào ngày 31-12-2015, với mức độ cam kết và hợp tác sâu sắc hơn giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với các đối tác. Các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và phối hợp của các cơ quan trong ASEAN, tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN, trong đó có việc triển khai 71 khuyến nghị của Nhóm Đặc trách cao cấp (HLTF) về cải tiến bộ máy tổ chức ASEAN đã được các lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2014.

Các Bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, nỗ lực phát huy đoàn kết thống nhất trong Cộng đồng, tích cực chủ động trước các thách thức và hoạt động hiệu quả trên nền tảng tổ chức theo luật định.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và tích cực đóng góp ý kiến tại các hội nghị. Chia sẻ về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh đây là một quá trình liên tục và lâu dài, ASEAN cần tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn liên kết trong giai đoạn tiếp theo; đề nghị ASEAN cần thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và các Kế hoạch triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Xin-ga-po V.Ba-la-cri-snan. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Xin-ga-po.

Hai bên chia sẻ việc cần thúc đẩy các bên liên quan thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.