Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 14/03/2014, 10:06 (GMT+7)
Công tác khắc phục hậu quả bom, mìn
Hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cần đi vào chiều sâu thiết thực hơn

Trước thềm Hội nghị “Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” diễn ra ngày hôm nay (14-3), Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504), đã trả lời phỏng vấn báo chí  về công tác khắc phục hậu quả bom, mìn thời gian qua tại Việt Nam.

Phóng viên (PV) - Kính thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 504, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn thời gian vừa qua?

Bộ trưởng - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 504, được Thủ tướng Chính phủ giao làm Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp các ban, bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đến năm 2015 (Quyết định 738/QĐ-TTg); đề xuất, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan.

Ban Chỉ đạo đã giao Bộ tư lệnh Công binh chủ trì, phối hợp sớm xây dựng, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các nhà tài trợ quốc tế và các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam, hoàn thiện, trình ban hành Nghị định và Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả bom, mìn.

Ban Chỉ đạo cũng đã giao các cơ quan đề xuất, báo cáo để hoàn thiện về mặt tổ chức, bộ máy trực tiếp giúp việc Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC); Chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam và thành lập Ban Vận động thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam.

Đối với quốc tế, Bộ Quốc phòng đã chủ động đưa công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam vào các Chương trình hợp tác (Quốc phòng) song phương và đa phương; phối hợp đề xuất thành lập Nhóm đối tác các nhà tài trợ quốc tế.

Theo ý kiến phản hồi của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và báo cáo của Văn phòng 504, khá đông các đại diện cơ quan ngoại giao, các nhà tài trợ quốc tế ủng hộ sáng kiến này.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. (Ảnh: Văn Yên)

Song song với việc hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, Đại diện Ban Chỉ đạo cũng đã ký Bản ghi nhớ với Chính phủ Hoa Kỳ, với Trung tâm Rà phá mìn nhân đạo quốc tế Giơ-ne-vơ (GICHD) và Trung tâm quốc tế (IC); thống nhất khung hợp tác với UNDP; Hợp tác với Tổ chức NPA, Golden West... triển khai dự án; Trao đổi, xúc tiến tài trợ Dự án với đại diện Chính phủ Nhật Bản, Hung-ga-ri; đã tiếp xúc, làm việc với đại diện Chính phủ các nước: Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Đức...;

Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và một số tập đoàn, công ty trong nước, quốc tế đã sẵn sàng về chủ trương tăng cường tài trợ cho Việt Nam theo nhiều nguồn khác nhau. Mới đây, Chính phủ Hung-ga-ri đã gửi công hàm đến Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đề xuất ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng với khoản hỗ trợ hàng chục triệu USD để triển khai sớm một dự án cần thiết trước theo ưu tiên của Ban Chỉ đạo.

Cùng với việc đã hoàn thành phần thực địa dự án "Điều tra, lập bản đồ bom, mìn toàn quốc"; trong vài năm gần đây, các đơn vị có chức năng của Bộ Quốc phòng đã rà phá bình quân 40.000ha mỗi năm tại những khu vực bị ô nhiễm bom, mìn nặng nề.

Ngay sau Hội nghị này, Ban Chỉ đạo và Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục triển khai một khối lượng đáng kể những công việc theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tôi cho rằng, tiến độ thực hiện Chương trình 504 sẽ được đẩy nhanh nhờ nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự chung tay, góp sức, ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.

PV - Xin Bộ trưởng cho biết thông điệp chính mà Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo 504 đưa ra tại Hội nghị lần này là gì?

Bộ Trưởng - Qua Hội nghị, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 504 muốn khẳng định: Hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom, mìn là một trong những nội dung cần được ưu tiên trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế; Hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, thúc đẩy hình thành chiến lược huy động nguồn lực, vận động tài trợ, cơ chế điều phối thực hiện Chương trình; Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên huy động kinh phí từ các nguồn hỗ trợ phát triển, hỗ trợ không hoàn lại và các nguồn hỗ trợ khác, từ trong nước, không chỉ huy động từ nguồn hỗ trợ nhân đạo, với phương châm: Khắc phục hậu quả bom, mìn không chỉ vì mục đích nhân đạo mà vì mục tiêu phát triển; Vận động, huy động các nước, các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ Chương trình thông qua sáng kiến thiết lập Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom, mìn, có đại diện cấp bộ của Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế đồng chủ trì; Chú trọng nâng cao năng lực thực hiện thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn, nghị định, các cơ chế chính sách liên quan, hình thành Trung tâm Huấn luyện cấp quốc gia; Hình thành cơ bản, đồng bộ hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện, điển hình, như: việc thành lập Trung tâm Hành động bom, mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) để làm đầu mối chính triển khai công tác vận động tài trợ và điều phối cấp quốc gia; Vận động, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, các lực lượng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong tham gia Chương trình thông qua việc thành lập Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn; Đáp ứng yêu cầu về cung cấp thông tin thông qua việc xây dựng cơ chế thu thập, cung cấp thông tin và hình thành Trung tâm Cơ sở dữ liệu khắc phục hậu quả bom, mìn cấp quốc gia, theo hướng chính quy, hiện đại hóa.

PV - Xin Bộ trưởng cho biết, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế hỗ trợ Chương trình 504 có những ý nghĩa như thế nào?

Bộ trưởng - Từ sau chiến tranh đến nay và trong thời gian tiếp theo, Việt Nam vẫn xác định tự nỗ lực là chính. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế từng bước cần đi vào chiều sâu thiết thực hơn. Tuy vậy, hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom, mìn có nhiều ý nghĩa: Góp phần tích cực trong việc củng cố, tăng cường các quan hệ hợp tác song phương, đa phương, hợp tác quốc phòng, làm cho các quốc gia và cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn, hợp tác gắn bó hơn, gần nhau hơn trong việc giải quyết những vấn đề lớn hơn và những vấn đề khác; sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế ít nhất về mặt tinh thần sẽ tăng thêm động lực cho Việt Nam tăng tiến độ thực hiện, tạo hiệu ứng tốt hơn với các quốc gia chưa quan tâm nhiều đến công tác nhân đạo này; Tăng cường hiểu biết, hòa nhập thông qua những công việc có vẻ đơn giản, như: hỗ trợ nâng cao năng lực, vận động thêm các nước khác hỗ trợ, ủng hộ, mở rộng các kênh tài trợ, kênh thông tin ra quốc tế... Mỗi quốc gia, tổ chức quốc tế có tiềm lực, thế mạnh khác nhau,… nhưng khi có nhiều nước cùng hỗ trợ thì tiến độ thực hiện Chương trình sẽ được đẩy nhanh hơn; tăng cường việc huy động, ưu tiên nguồn lực quốc tế, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

PV - Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả bom, mìn đối với phát triển kinh tế - xã hội?

Bộ trưởng - Công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sẽ góp phần làm cho môi trường sạch hơn, tiết kiệm các nguồn tài nguyên hơn; phát triển quỹ đất (hiện theo số liệu thống kê, có 15% đất đai bị bỏ hoang hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do ô nhiễm bom, mìn); việc xóa đói giảm nghèo sẽ bền vững, ổn định hơn; tạo điều kiện quy hoạch xây dựng, đầu tư và kêu gọi đầu tư dễ dàng hơn.

Khắc phục hậu quả bom, mìn không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn phải thực hiện rất nhiều công việc khác. Hoàn thành cơ bản khắc phục hậu quả bom, mìn sẽ giảm những hạng mục công việc nặng nề cho chính quyền Trung ương và địa phương, giảm bớt gánh nặng về ngân sách; góp phần tăng cường hệ thống y tế, trợ giúp nhân đạo, an sinh xã hội, tái định cư ở vùng ô nhiễm bom, mìn; người dân sẽ yên tâm hơn, không rời bỏ quê hương đi nơi khác sinh sống, không lo lắng có ngày người thân và con em mình bị tai nạn, tàn phế hoặc xa lìa vĩnh viễn vì tai nạn bom, mìn; góp phần giúp dân định canh, định cư, an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền, thương quyền quốc gia trên tuyến biên giới, hải đảo.

PV - Để làm sạch bom, mìn ở Việt Nam, sự hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế có thể giúp Việt Nam rút ngắn thời gian cho công tác như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng - Để làm sạch hết bom, mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần có kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hàng trăm năm, chưa kể hàng tỷ USD cho phục vụ tái định cư, an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom, mìn, nên việc tập trung mọi nguồn lực cả trong nước và quốc tế là rất cần thiết. Hợp tác quốc tế rút ngắn thời gian làm sạch bom, mìn nếu được quốc tế hỗ trợ trong các lĩnh vực, như: hoàn thành khảo sát kỹ thuật để lập hoàn chỉnh bản đồ ô nhiễm bom, mìn; nâng cao năng lực thực hiện, phát triển trang thiết bị, công nghệ, tư vấn kỹ thuật; hỗ trợ các dự án rà phá bom, mìn ở những khu vực trọng điểm, làm sạch dứt điểm từng khu vực ô nhiễm nặng nề, cần ưu tiên như ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi…; hỗ trợ kêu gọi vận động tài trợ.

PV - Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.