Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:41 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Sáng ngày 28-11, trong phiên làm việc buổi sáng được phát thanh và truyền hình trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân cả nước, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã có một quyết định quan trọng mang tính lịch sử, biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sửa đổi), với 486 đại biểu, tương đương 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Như vậy, sau một thời gian dài chuẩn bị công phu, lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân với tinh thần thẳng thắn và trân trọng, đạo luật quan trọng nhất của đất nước đã được thông qua, với sự nhất trí và đồng thuận rất cao.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, ngày 02-01-2013, DTSĐHP năm 1992 đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp.
Việc lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nước trong năm 2013, đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. DTSĐHP đã được phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý bằng nhiều hình thức thích hợp. Ðáng chú ý, Dự thảo đã được chuyển đến từng hộ gia đình, đến công nhân, học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, đến các tổ viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể xã hội. DTSĐHP cũng đã được gửi xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.
Nói về công việc có ý nghĩa rất quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về DTSĐHP, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Ủy ban DTSĐHP năm 1992 đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân. Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về DTSĐHP của Ủy ban DTSÐHP - hơn 800 trang, Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về DTSĐHP của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Trung ương Ðảng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - khoảng 1.600 trang. Những số liệu nêu trên cho thấy, DTSĐHP năm 1992 đã thật sự thu hút sự quan tâm của cả nước, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của nhân dân đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, bám sát Cương lĩnh và các nghị quyết của Ðảng, Ủy ban DTSÐHP đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại ba kỳ họp liên tiếp. Những ý kiến góp ý của nhân dân rất đa dạng, phong phú cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Ðáng chú ý, tất cả các phiên thảo luận của các kỳ họp Quốc hội về DTSĐHP năm 1992 đều được các phương tiện thông tin đại chúng thông tin đầy đủ, kịp thời để nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế theo dõi và có ý kiến góp ý.
Việc tổ chức để các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng DTSĐHP lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Bằng tâm huyết và trí tuệ của mình, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào DTSĐHP; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và xây dựng; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân, Ủy ban DTSÐHP đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý DTSĐHP trình Quốc hội với tinh thần chân thành ghi nhận các ý kiến đóng góp; nghiên cứu, chắt lọc ý kiến để thể hiện ý chí của nhân dân. Trong đó, có cả những ý kiến với những quan điểm riêng, khác biệt... Ðồng thời tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, thấu đáo những vấn đề được nêu trong quá trình lấy ý kiến.
Theo dự kiến ban đầu, thời gian lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992 bắt đầu từ ngày 02-01-2013 và kết thúc vào ngày 31-3. Tuy nhiên, trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trước nguyện vọng của nhân dân cả nước, Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban DTSÐHP, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân thêm sáu tháng, đến ngày 30-9-2013 để hoàn thiện DTSĐHP trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu. Ðây là một chủ trương, quyết định đúng đắn của Quốc hội, thể hiện mong muốn tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đạo luật gốc của đất nước.
Sau Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban DTSÐHP đã chỉ đạo Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, xin ý kiến của Ðảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hai lần trình Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI và nhiều lần xin ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm. Ðồng thời, liên tục, thường xuyên tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý Dự thảo.
Tại Kỳ họp thứ sáu, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy ban DTSÐHP báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý DTSÐHP trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường. Sau mỗi phiên họp, chất lượng của Dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban DTSÐHP tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm một chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Ðại hội Ðảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong đó, có nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, của dân tộc được nhân dân đặc biệt quan tâm đã được sửa đổi, bổ sung hợp lý, thuyết phục với những giải trình, phân tích rõ ràng, cụ thể. Có rất nhiều điểm mới trong Dự thảo so với Hiến pháp năm 1992 đã được xây dựng từ những ý kiến góp ý xác đáng của các tầng lớp nhân dân cả nước. Ðáng chú ý, Ðiều 2 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 2) khẳng định cụ thể: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Tại Ðiều 3 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 3) nêu rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Qua những sửa đổi, bổ sung và quy định nêu trên, chúng ta thấy rõ vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân luôn được Hiến pháp đặt lên hàng đầu.
Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Ðảng, đó là: Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung vào Ðiều 4 quy định về trách nhiệm của Ðảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không dừng lại ở đó, Ðiều 8 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 8, Ðiều 12) ghi rõ: Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Ðây cũng chính là mong mỏi tha thiết của các tầng lớp nhân dân đối với Ðảng, và cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với hoạt động của Ðảng và đảng viên.
Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSÐHP nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSÐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.
Như vậy, Ủy ban DTSÐHP đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng hàng triệu ý kiến góp ý, tiếp thu, chắt lọc những ý kiến xác đáng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và xu thế phát triển của đất nước. Những điều khoản, quy định, nội dung chưa hợp lý, chưa có tính thuyết phục cao được nhân dân và các đại biểu Quốc hội chỉ ra đã được tiếp thu nghiêm túc và không đưa vào Dự thảo. Ðối với những ý kiến góp ý chưa xác đáng, không phù hợp, cơ quan soạn thảo đã có những giải trình, trao đổi cụ thể, hợp lý và rõ ràng. Bên cạnh đó, những ý kiến còn khác so với Dự thảo ở một số khoản, điều, nội dung, Quốc hội trân trọng tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước.
Những nội dung nêu trên là minh chứng cụ thể, rõ ràng bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch khi cố tình phớt lờ những nỗ lực, thành quả đổi mới của đất nước, tâm huyết của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này "không có gì mới", "sửa đổi mà như không sửa đổi"...
Sáng qua, nhân dân cả nước đã vô cùng xúc động chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước khi gần 500 đại biểu Quốc hội cùng đứng dậy với những tràng vỗ tay kéo dài, trân trọng chào đón bản Hiến pháp mới của đất nước, của dân tộc. Khoảnh khắc lịch sử đó sẽ mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Việt Nam bởi nó đánh dấu sự thành công rực rỡ của tinh thần Việt Nam, tấm lòng của hàng triệu người dân nước Việt được thể hiện qua bản Hiến pháp được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua.
Bản Hiến pháp được thông qua lần này là kết quả của một quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, của đồng bào cử tri ở trong nước và ngoài nước, của các đơn vị, các ngành, các cấp và của cả hệ thống chính trị. Hiến pháp đã kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Ðảng, toàn dân, thể hiện tinh thần đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn: nhandan.com.vn
Quốc hội,Hiến pháp,Đảng,Dự thảo
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái