Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 15/08/2012, 01:43 (GMT+7)
Giải thưởng văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2011 - 2015

Ngày 20-3-2012, Hội đồng Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2011- 2015 đã ban hành Quy chế Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2011- 2015 với các nội dung chính:

I. Tiêu chí xét chọn

1. Đối với tác phẩm

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tặng giải phải đạt các yêu cầu sau:
 
- Có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

- Có tác dụng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa trong toàn Đảng và toàn xã hội.

- Có thành tích nổi bật trong việc phát hiện, tuyên truyền cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tác động tích cực đối với cộng đồng, xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, ngành, địa phương, đơn vị.

2. Đối với tập thể và cá nhân

- Tập thể, cá nhân được giải thưởng phải có thành tích nổi bật trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, không vi phạm luật pháp hoặc bất kỳ hình thức kỷ luật nào từ khiển trách trở lên tính từ năm 2011 đến thời điểm xét thưởng.

Thời gian để xét giải thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc lĩnh vực biểu diễn, quảng bá tác phẩm tính từ tháng 5 năm 2011 đến cuối tháng 3 năm 2013 (đợt l), từ tháng 4 năm 2013 đến cuối tháng 3 năm 2015 (đợt 2).

II. Đối tượng xét tặng giải thưởng

- Các tác giả là người Việt Nam (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) có tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí được Ban sơ khảo của các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Ngoài nước xét chọn và đề nghị Hội đồng cấp trên xét tặng giải.

III. Nội dung xét tặng giải thưởng

- Các tác phẩm văn học, các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình, sưu tầm, xuất bản, tái bản (nhưng chưa gửi xét thưởng lần nào) từ tháng 5-2011 đến tháng 3-2013 (đợt 1), từ tháng 4 năm 2013 đến cuối tháng 3 năm 2012 (đợt 2).

- Các tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh được sáng tác, trưng bày, công diễn từ tháng 5-2011 đến hết tháng 3-2013 (đợt 1), từ tháng 4 năm 2013 đến hết tháng 3 năm 2015 (đợt 2).

- Các tác phẩm báo chí bao gồm: báo viết, báo điện tử; ảnh báo chí, tác phẩm truyền hình (phim tài liệu, phóng sự, giao lưu, tọa đàm...); tác phẩm phát thanh (tin, bài, phóng sự, phản ánh, điều tra câu chuyện truyền thanh...) đăng, phát trên báo, tạp chí, báo điện tử, đài phát thanh; đài truyền hình từ tháng 5-2011 đến hết tháng 3 năm 2013 (đợt 1), và từ tháng 4 năm 2013 đến cuối tháng 3 năm 2015 (đợt 2).

- Quá trình xét chọn nếu có tác phẩm của người nước ngoài xuất bản tại Việt Nam và phù hợp với quy chế thì các Ban Sơ khảo thẩm định đề nghị Ban Chỉ đạo Giải thưởng xem xét, quyết định.

IV. Lập Hồ sơ dự Giải

1. Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh), tên tác phẩm, loại hình; thể loại; đơn vị; địa chỉ; điện thoại của tác giả, tập thể tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm sáng tác, công diễn, biểu diễn, trưng bày, đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm...

2. Đối với tác phẩm báo in, phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải được cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối đó. Tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt.

3. Đối với tác phẩm phát thanh, phải ghi lên đĩa CD hoặc băng cát sét, mỗi đĩa hoặc băng cần ghi rõ tên đơn vị dự Giải, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian lên sóng, kèm theo phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

4. Đối với tác phẩm báo hình, truyền hình, phim, sân khấu... phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 1 tác phẩm và trên mặt đĩa ghi rõ tên đơn vị dự giải, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.

5. Đối với tác phẩm ảnh, phải phóng trên giấy ảnh cỡ 8cm x 24cm (đối với ảnh đơn) và 12cm x 18cm; gửi kèm theo phiên bản đã được đăng trên báo.

6. Đối với xuất bản phẩm, phải là bản chính đã được phát hành.

7. Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm vi phạm các điểm sau đây:

- Không thực hiện đúng các quy định đã nêu trên.

- Không ghi chép rõ ràng, in mờ, thiếu hoặc không rõ cách phần nối tiếp.

- Không ghi rõ dự thi ở loại hình, thể loại giải nào.

8. Biên bản tuyển chọn tác phẩm dự Giải:

Cần phải ghi rõ danh sách tác giả, tác phẩm, có chữ ký và đóng dấu của cơ sở.

9. Địa chỉ nhận các tác phẩm vòng Chung khảo: Bộ phận Chuyên trách Chỉ thị 03, Số 2B Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội.

V. Cơ cấu giải thưởng

Loại giải: Giải A, Giải B, Giải C, Giải khuyến khích.

Số lượng: Mỗi thể loại có 01 giải A, 05 giải B và 10 giải C và một số giải khuyến khích.

Hội đồng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật
và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
giai đoạn 2011- 2015.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.