Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 06/11/2018, 09:16 (GMT+7)
Động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất - CIIE 2018, tại Thượng Hải. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa và kết quả chuyến công tác của Thủ tướng. Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp chuyến đi Trung Quốc dự CIIE 2018. Xin Thứ trưởng cho biết thông tin về các hoạt động liên quan trong chuyến công tác này?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi Trung Quốc tham dự CIIE 2018, từ ngày 04 đến 05-11. Hội chợ là một trong bốn sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2018. Thông qua Hội chợ, Trung Quốc muốn thể hiện thông điệp về việc mở cửa thị trường với thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2017) và là chuyến đi Trung Quốc lần thứ hai của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Trung Quốc về ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam, hợp tác các mặt với Trung Quốc và giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nước chế tạo và xuất khẩu lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của 128 nước, hằng năm đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng GDP toàn cầu. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển tích cực, đạt nhiều tiến triển mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và góp phần duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội tại mỗi nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% (chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam); nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc duy trì xu hướng giảm (năm 2016 giảm 13,7%, năm 2017 giảm 18,9%). Trung Quốc là thị trường nhập lớn nhất nông sản, thủy sản của Việt Nam, chỉ trong chín tháng năm 2018 kim ngạch xuất nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 29,6 tỷ USD, tăng 10% so năm 2017. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và hàng nông, lâm, thủy sản; giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản.

Bên cạnh những tiến triển nêu trên, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc còn lớn (năm 2017 là 22,8 tỷ USD); trong trao đổi thương mại biên giới còn một số vấn đề cần giải quyết như buôn lậu, trốn thuế, hàng kém chất lượng.

Trong bối cảnh nêu trên, chuyến đi có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, chuyến đi góp phần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì xu thế phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy giải quyết một số vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trong việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Về kinh tế, chuyến đi nhằm tranh thủ tiềm năng kinh tế và thị trường rộng lớn của Trung Quốc, phát huy những nhân tố tích cực trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và bền vững hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, nhất là khu vực Hoa Đông rất phát triển, tạo chuyển biến mới trong nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, hạn chế tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc; thu hút đầu tư quốc tế, quảng bá hình ảnh quốc gia về kinh tế, đầu tư và du lịch, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của nước ta.

Chương trình chuyến đi của Thủ tướng rất phong phú, trong thời gian một ngày rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự 15 hoạt động, như hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ và Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều; cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan gian hàng các quốc gia tham dự Hội chợ; thăm Khu gian hàng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam; dự lễ khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu; tiếp Thị trưởng thành phố Thượng Hải Ứng Dũng; chủ trì hai cuộc gặp làm việc chung với các nhóm tập đoàn kinh tế; tiếp riêng nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc; gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải.

Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, tạo thêm những điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc tiếp tục đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu và tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước phát triển cân bằng, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước. Trung Quốc coi trọng và đón tiếp trọng thị, dành cho Việt Nam nhiều ưu tiên về lễ tân.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi đóng góp thế nào cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Chuyến đi là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi về các định hướng lớn thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thị trưởng thành phố Thượng Hải Ứng Dũng diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trong ba phương diện chính như sau:

Một là, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Tại buổi hội kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội chợ, thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Trung Quốc tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế lần đầu. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch nước; khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, mong muốn sớm gặp lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng để cùng trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, bền vững. Lãnh đạo hai nước đạt nhất trí về các biện pháp tăng cường tin cậy chính trị, duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tiếp tục tăng cường các cơ chế hợp tác quan trọng như cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, mở rộng và nâng cao hiệu quả giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ; định hướng tốt dư luận, báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Tại buổi tiếp Thị trưởng thành phố Thượng Hải Ứng Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thượng Hải tích cực mở rộng hợp tác với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực Thượng Hải có thế mạnh và các địa phương Việt Nam có nhu cầu. Thị trưởng Ứng Dũng khẳng định, Thượng Hải coi trọng việc tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với Việt Nam; cùng các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam triển khai thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Hai là, tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là kinh tế, thương mại. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục có các chính sách và biện pháp hữu hiệu để cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam, thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững; tạo điều kiện thuận lợi và tiếp tục mở rộng thị trường, mở thêm những kênh hợp tác, phân phối mới cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các loại nông sản được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng như hoa quả, thủy sản, thịt lợn, sữa được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Thị trưởng thành phố Thượng Hải Ứng Dũng nhấn mạnh sẽ hỗ trợ và dành ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các kỳ hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải, tạo điều kiện để hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam như nông, lâm, thủy, hải sản có mặt nhiều hơn nữa trên thị trường Thượng Hải và khu vực Hoa Đông.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao những cải thiện trong môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua; khẳng định mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm của các địa phương Việt Nam.

Ba là, lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, không để ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những kết quả tích cực của các cơ chế đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước, cũng như những tiến triển bước đầu trong đàm phán thực chất về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua; đồng thời đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về sự tham gia của Việt Nam tại CIIE 2018?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: CIIE 2018 tại Thượng Hải do Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải phối hợp tổ chức với sự tham gia của 18 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, các đoàn quan chức cấp cao, hơn 3.000 doanh nghiệp đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam tham dự Hội chợ với vai trò “Quốc gia danh dự”. Căn cứ vào diện tích trưng bày mà Ban tổ chức cung cấp cho các “Quốc gia danh dự”, ta đã chọn lọc và cử 25 doanh nghiệp uy tín, chất lượng, có năng lực xuất khẩu tốt thuộc hai nhóm ngành hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ thương mại tham dự Hội chợ. Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, giao dịch. Trong thời gian tham dự Hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng, tiêu thụ nhiều hàng hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc ủng hộ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, sẵn sàng cùng các nước nỗ lực ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu; giới thiệu tiềm năng hợp tác của Việt Nam, nhất là về thị trường, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà-phê, hoa quả, các sản phẩm gia công, hàng may mặc, hàng điện tử công nghệ cao…; khẳng định Việt Nam luôn tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài; kêu gọi các bên tăng cường đối thoại, trao đổi chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp; tích cực áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nhất là về hải quan, kiểm dịch theo hướng thông thoáng và hiệu quả hơn.

Việc Việt Nam tham gia và phát huy tốt vai trò “Quốc gia danh dự” tại Hội chợ đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước trong các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại; quảng bá tốt hình ảnh quốc gia, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam; góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy, hải sản, thực phẩm chế biến sang Trung Quốc và các nước trên thế giới; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường và mở rộng kinh doanh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.