Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:20 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn, một vị tướng mà tên tuổi của ông đã trở nên gần gũi, thân quen với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Người ta gọi ông là “thiên tài quân sự”, là “dũng tướng”, là “tướng trận” bởi ông luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và quyết liệt nhất. Đặc biệt hơn, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn là người trực tiếp chỉ huy hai binh đoàn cơ động, hai cánh quân đều từ hướng Đông đánh vào trung tâm đầu não của địch ở Điện Biên Phủ (1954) và Dinh Độc Lập (1975), buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện, góp phần quyết định thắng lợi cuối cùng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đồng chí Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh năm 1914, tại làng quê nghèo Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông trong một gia đình nông dân yêu nước. Ông là người có khả năng và tư duy thiên bẩm về chỉ huy đội quân vũ trang, nên ngay từ khi tham gia cách mạng đã được giao làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Đông. Cuộc khởi nghĩa gặp những tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến, đồng chí Lê Trọng Tấn đã suy nghĩ và xác định muốn giành thắng lợi trong đấu tranh, nhất là đấu tranh vũ trang thì “…phải hiểu rõ đối tượng tác chiến và phải có kế hoạch chỉ huy thống nhất”. Đây là bài học vỡ lòng về công tác lãnh đạo, chỉ huy của ông và nó đã có ảnh hưởng quyết định đến phong cách chỉ huy của Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn với công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng
Sau Cách mạng Tháng Tám một thời gian ngắn, đồng chí Lê Trọng Tấn được điều đi Tây Bắc phụ trách một chi đội Tây Tiến. Dưới sự chỉ huy của ông, chi đội này sau đó phát triển thành Trung đoàn Sơn La (Trung đoàn 148). Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ quân sự còn thiếu trầm trọng, ông lựa chọn trong lớp cán bộ, chiến sĩ cùng lên Tây Bắc và một số thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số, để huấn luyện trở thành những chỉ huy và chiến sĩ nòng cốt trong đơn vị.
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. (Ảnh tư liệu)
Khi được cử giữ chức Khu phó Liên khu 10, theo chỉ thị của bộ và kế hoạch của liên khu, đồng chí Lê Trọng Tấn đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đội xung phong Lào - Bắc, xây dựng cơ sở từ phía nam Mộc Châu trên biên giới Việt - Lào, mở đường quốc tế từ Việt Nam qua Lào và mở đường xuống phía Nam. Theo thỏa thuận giữa ta và bạn, Đội xung phong Lào - Bắc có cả cán bộ người Việt và Lào cùng tham gia, đây là một trong những tổ chức đầu tiên mang tính chất liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước. Cán bộ, chiến sĩ Việt - Lào còn nhớ rõ tình bạn ấm áp, đậm đà thủy chung giữa đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Cay-xỏn Phôn-vi-hản như một biểu tượng đẹp về tình hữu nghị Việt - Lào anh em.
Năm 1949, đồng chí Lê Trọng Tấn được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209. Rồi tiếp đó là Đại đoàn trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 312. Các đơn vị do ông chỉ huy, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn, góp phần tạo nên các chiến thắng vang dội của quân đội ta ở Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954)… Để giành được thắng lợi, trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn rất chú trọng đến khâu xây dựng, tổ chức lực lượng. Đồng chí đặc biệt coi trọng vai trò của người chỉ huy và xác định người tiểu đội trưởng, trung đội trưởng là những hạt nhân trong chiến đấu; trận đánh có giành thắng lợi hay không trước hết là ở hành động chỉ huy và tinh thần anh dũng hy sinh chiến đấu của các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, họ thực sự là những tấm gương cho chiến sĩ noi theo.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ về xây dựng Quân đội nhân dân từng bước tiến lên chính quy, hiện đại; đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tại đây, đồng chí tham gia chỉ đạo và trực tiếp tổng kết kinh nghiệm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm tư liệu giảng dạy cho học viên. Từ khi Mỹ còn chưa đánh phá miền Bắc, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo Nhà trường kết cấu xây dựng chương trình huấn luyện - đào tạo có giả định Mỹ đánh miền Bắc đưa vào giáo trình giảng dạy trong Trường, các học viên được thoải mái tự do tranh luận các phương án tác chiến. Khi chỉ đạo công tác huấn luyện cán bộ đưa vào Nam, đồng chí chú trọng đến sức dẻo dai khi hành quân, khả năng sử dụng chông mìn, bẫy, lựu đạn. Đồng chí Lê Trọng Tấn quan niệm phải huấn luyện cho học viên những gì mà chiến trường đòi hỏi.
Năm 1964, đồng chí Lê Trọng Tấn được Đảng và Bác Hồ cử vào miền Nam và giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Gắn bó với chiến trường miền Nam trong cuộc trường chinh gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Trọng Tấn cùng các tướng lĩnh tài ba khác đã xây dựng, củng cố và phát triển LLVT cách mạng miền Nam; đặc biệt là xây dựng, phát triển lực lượng chủ lực Miền thành các trung đoàn, sư đoàn chủ lực có đủ điều kiện độc lập tác chiến hoặc phối hợp chặt chẽ với LLVT địa phương chiến đấu trên từng vùng, địa bàn khác nhau. Từ đó, LLVT cách mạng miền Nam đã có đủ khả năng mở các chiến dịch, đánh bại các cuộc hành quân càn quét của sư đoàn hoặc nhiều sư đoàn địch được hỏa lực không quân và pháo binh chi viện.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968, đồng chí Lê Trọng Tấn được điều động ra Bắc đảm nhiệm chức Tổng Tham mưu phó phụ trách tác chiến. Trong thời gian từ năm 1968 đến 1975, trên cương vị mới, ông rất chú trọng đến việc tổ chức nghiên cứu cách đánh phù hợp với từng chiến trường, từng đối tượng khác nhau. Để đáp ứng yêu cầu của từng chiến trường thì công việc tổ chức, xây dựng lực lượng, biên chế, trang bị của các đơn vị; công tác chỉ đạo huấn luyện; tổ chức hiệp đồng binh chủng, quân chủng; tổ chức diễn tập… được ông đặc biệt chú trọng. Trong quá trình xây dựng các phương án, chuẩn bị lực lượng, đồng chí Lê Trọng Tấn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử làm Tư lệnh một số chiến dịch quan trọng, như: Đường 9-Nam Lào (1971), Trị-Thiên (1972)... Trong thời gian này, ông đã có công lớn trong việc xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ.
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn - người chỉ huy tài ba, nhà tham mưu chiến lược quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam
Mùa thu năm 1949, sau Chiến dịch Sông Thao, đồng chí Lê Trọng Tấn được chỉ định làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (tức Trung đoàn Sông Lô). Sau một thời gian củng cố lực lượng, Trung đoàn 209 đã tham gia và giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Biên Giới. Chiến thắng Biên Giới năm 1950 đã mở ra một thời kỳ mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta đứng trước yêu cầu phải khẩn trương tổ chức những đơn vị chủ lực lớn để đánh những đòn tập trung, tiêu diệt lớn, đập tan âm mưu quân sự mới của Pháp. Vì vậy, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn được bổ nhiệm quyền Đại đoàn trưởng đại đoàn này.
Sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951, tại Hội nghị Tổng kết chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và Người đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn đến chiến dịch này không đạt được mục đích đề ra; các đại đoàn đều có khuyết điểm và lần đầu tiên đồng chí Lê Trọng Tấn được Bác phê bình: “Chú Tấn, chú đã biết rửa mặt chưa, mặt có vết nhọ mà không rửa là không sạch, phê bình và tự phê bình là cách rửa mặt. Sau mỗi trận đánh phải biết phê bình và tự phê bình mới mong tiến bộ”(1). Lời dạy bảo hết sức nghiêm khắc và chân tình của Bác đã trở thành bài học nằm lòng, nhớ mãi đối với đồng chí Lê Trọng Tấn và trở thành phương châm thực hiện của ông sau mỗi chiến dịch về sau này.
Tiếp sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, mùa hè năm 1951, đồng chí Lê Trọng Tấn nhận lệnh chỉ huy Đại đoàn 312 mở Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Tây Bắc để phối hợp với Chiến dịch Hà Nam Ninh. Cuối năm 1951 đầu năm 1952, Đại đoàn 312 tham gia Chiến dịch Hòa Bình, với những chiến công xuất sắc ở Thu Cúc, Lai Đồng, Ninh Mít, Ba Vì. Thu Đông năm 1952, đại đoàn lại lập công lớn trong Chiến dịch Tây Bắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn và hữu ngạn sông Đà. Những chiến thắng vang dội của Đại đoàn 312 đều in đậm dấu ấn đồng chí Lê Trọng Tấn.
Tháng 12-1952, theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, với tư cách là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn được giao nhiệm vụ đưa Trung đoàn 141 vượt qua Mai Sỏn sang vùng Mường Hét để giúp bạn Lào mở rộng khu căn cứ du kích Mường Khộp.
Mùa hè năm 1953, trong khi đồng chí Lê Trọng Tấn (Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312) và đồng chí Cao Văn Khánh (Đại đoàn phó Đại đoàn 308) được giao nhiệm vụ phụ trách Tổ chuyên đề chuẩn bị kế hoạch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Nà Sản, thì kế hoạch của Na-va cũng đang gấp rút triển khai. Điểm then chốt trong kế hoạch của Na-va là tập trung binh lực xây dựng bằng được khối cơ động chiến lược mạnh. Kế hoạch chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954 là kiên quyết buộc địch phải phân tán, phá vỡ khối cơ động tập trung của địch, điều động từng bộ phận, lực lượng cơ động của địch, phân tán ra các hướng khác nhau, rồi chọn một số hướng thuận lợi để tiêu diệt địch.
Ngày 14-01-1954, cán bộ chỉ huy các đại đoàn được triệu tập về hang Thẩm Púa để Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch phổ biến phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đại đoàn 312, sau 9 ngày đêm vất vả kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa thì bất ngờ được lệnh của chỉ huy dừng cuộc tiến công và kéo pháo ra, lui quân về vị trí tập kết.
Quân lệnh như sơn. Người chỉ huy luôn tuân thủ kỷ luật sắt của quân đội, khi nhận lệnh “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, đồng chí Lê Trọng Tấn nghiêm túc chấp hành, nhưng sự tuân lệnh của ông không giấu được sự lo lắng trước những khó khăn: “Chúng tôi phải liên tục đột phá ba phòng tuyến mới tới phía bên trong được”, câu nói trên khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh Chiến dịch phải suy nghĩ và nó góp phần không nhỏ vào củng cố quyết tâm của Đại tướng đưa đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm bảo đảm cho những thắng lợi sau này. Chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đáp ứng những băn khoăn, trăn trở, phù hợp với những tư tưởng chủ đạo của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn. Cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 312 luôn nhớ câu nói thường xuyên của ông trước khi vào trận: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”(2).
Sau khi đi trinh sát thực địa, lấy lời khai tù hàng binh và nghiên cứu rất kỹ tình hình mọi mặt, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn quyết định lên kế hoạch tiến công Him Lam, tập trung vào ba vấn đề then chốt: Một là hiệp đồng với pháo, hai là đột phá mở cửa, ba là đánh vào chiều sâu phòng ngự của đối phương. Thực hiện theo phương châm trên, sau 5 giờ 30 phút chiến đấu, Đại đoàn 312 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt và làm chủ cụm cứ điểm Him Lam.
15 giờ ngày 07-5, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích trước giờ quy định, từ hướng Đông, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Trung đoàn 141 tiến công sau đội hình của Trung đoàn 209, thọc sâu vào Mường Thanh. 17 giờ 30 phút, Đờ Cát và Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được dẫn giải tới Sở Chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn. Sau khi lấy chữ ký và đối chiếu với văn kiện trước đây xem có đúng là Đờ Cát không, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ khi mở đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch, Đại đoàn 312 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn là đại đoàn duy nhất không gặp trục trặc trận nào, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua lập công và được nhận Cờ thưởng “Quyết chiến, Quyết thắng” của Bác Hồ.
Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử vào miền Nam cùng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một số đồng chí khác để củng cố Bộ Tư lệnh Miền, xây dựng LLVT toàn miền Nam. Thời gian này, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn thường được anh em Quân giải phóng gọi với cái tên rất Nam Bộ là Ba Long.
Trên cương vị Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã tích cực tham gia chỉ đạo Chiến dịch Bình Giã rồi trực tiếp làm Tư lệnh Chiến dịch Đồng Xoài (từ ngày 10-5 đến 22-7-1965). Anh em Quân giải phóng khi nhắc đến đồng chí Ba Long đều hết sức khâm phục nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến dịch của ông. Đồng chí Ba Long là người rất hiểu cấp dưới, luôn tạo điều kiện cho họ phát huy sở trường, sử dụng chiến thuật và cách đánh phù hợp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thắng lợi của hai Chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài cùng với Chiến dịch Ba Gia của Quân khu 5 đã đánh gãy xương sống của quân đội Sài Gòn do Mỹ trang bị và làm cố vấn. Thắng lợi ba chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực cùng với hoạt động của quân và dân miền Nam đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc Mỹ phải đưa quân vào để cứu vãn tình thế.
Khi quân Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (từ ngày 12 đến 27-11-1965). Ông đã chỉ huy các đơn vị đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 (trong đó tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn) của Sư đoàn 1 được mệnh danh là Sư đoàn Anh Cả đỏ. Tiếp đến, cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966 - 1967, mà đỉnh cao là cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty, đồng chí Lê Trọng Tấn lại được giao làm Tư lệnh và dưới sự chỉ huy của ông, các LLVT ta đã đánh bại cuộc hành quân lớn đầy tham vọng này của Mỹ.
Khi Chiến dịch Đường 9-Nam Lào diễn ra, đồng chí Lê Trọng Tấn được Tổng Quân ủy cử làm Tư lệnh Chiến dịch. Đầu năm 1971, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn-719, tiến công lớn ra Đường 9-Nam Lào hòng đánh chiếm Sê Pôn, phá tận gốc đường vận chuyển chiến lược Bắc Nam của ta, chia cắt ba nước Đông Dương và thử nghiệm công thức tiêu biểu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: Bộ binh Việt Nam cộng hòa cộng với hỏa lực, hậu cần Mỹ. Trong Chiến dịch này, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã có 4 quyết định kịp thời, chính xác góp phần quan trọng vào việc giành thắng lợi của Chiến dịch:
1. Ông đã phán đoán đúng hướng cần chuẩn bị là hướng Đường 9-Nam Lào, hướng có khả năng nhiều nhất địch sẽ tiến công.
2. Ông đã cho tăng cường mạnh lực lượng ngay tại chỗ, để đánh địch ngay từ đầu, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực cơ động và chủ động tiến công địch ngay khi đến nơi.
3. Vừa đánh mạnh ở Lao Bảo, Bản Đông vừa chuẩn bị đủ lực lượng để giữ vững khu vực địa bàn trọng điểm Sê Pôn. Bảo đảm hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ tiêu diệt địch, bảo đảm giữ vững đường vận chuyển và kho tàng.
4. Ông đã cho kết thúc chiến dịch đúng thời cơ, đúng lúc.
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hướng chủ yếu là Đường 9-Trị Thiên, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục được giao làm Tư lệnh Chiến dịch. Đây là chiến dịch hiệp đồng binh chủng lớn nhất từ trước đến nay của ta. Sau 34 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Ngày 28-6, Quân đội Việt Nam cộng hòa với sự chi viện của hỏa lực Mỹ, mở cuộc phản công nhằm tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ bám địa bàn và thực hiện các chiến thuật đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, đánh từng bộ phận tiến tới đánh tiêu diệt các lực lượng sừng sỏ nhất của quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hòa trên chiến trường Trị-Thiên-Huế. Đặc biệt, ông có biệt tài trong chỉ đạo tổ chức các lực lượng săn lùng và tiêu diệt xe tăng Mỹ. Với lực lượng gọn nhẹ, bằng lựu đạn chống tăng, B40, B41 và bom, mìn ta lấy được của địch để đánh trên các trục giao thông. Khi tối đến, địch phải dồn quân, cụm lại, ta tổ chức tập kích, luồn sâu đánh từ trong đánh ra, thực hiện “nở hoa trong lòng địch”.
Ngày 28 tháng Giêng năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri vừa được ký kết, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử vào mặt trận Quảng Trị để chỉ huy đánh quân Việt Nam cộng hòa lấn chiếm Cửa Việt. Lúc này, chỉ huy một số đơn vị tại chỗ có biểu hiện chần chừ, ông đã kịp thời chấn chỉnh và ra lệnh kiên quyết đánh bại, khôi phục tức khắc cảng Cửa Việt, đẩy quân Việt Nam cộng hòa về tuyến cũ.
Từ giữa năm 1973 đến tháng Giêng năm 1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Tổ trưởng Tổ trung tâm xây dựng Kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Tổ trung tâm do ông phụ trách đã dự thảo xong kế hoạch giải phóng miền Nam sau 8 lần sửa chữa và bổ sung. Tới Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng gồm các đồng chí lãnh đạo chủ yếu các chiến trường diễn ra từ ngày 08-12-1974 đến ngày 08 tháng Giêng năm 1975, kế hoạch này được bổ sung hoàn chỉnh và chính thức thông qua.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, sau khi chỉ huy giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, cánh quân này đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, nhanh chóng phối hợp với các cánh quân khác của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Thực tiễn thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 đã chứng minh: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”(3). Thành công của cánh quân phía Đông có dấu ấn chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn.
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Lê Trọng Tấn lại tiếp tục “ra trận” nhưng trên một cương vị mới. Ông vừa là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là Viện trưởng Viện Khoa học quân sự kiêm Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp Bộ Quốc phòng (nay là Học viện Quốc phòng). Ông cho tập trung chất xám, kinh nghiệm chiến trường của tư lệnh các binh đoàn để cùng nhau góp sức xây dựng giáo trình giảng dạy. Với kinh nghiệm tác chiến phong phú đầy sáng tạo, trình độ lý luận cao trên nhiều mặt cả về chính trị và khoa học về quân sự, với lòng nhiệt huyết và uy tín lớn trong LLVT, nên dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện Lê Trọng Tấn, chỉ sau 6 tháng chuẩn bị, lớp bổ túc đầu tiên của học viện đã được khai giảng và sau một năm đào tạo, lớp học đã đạt kết quả rất tốt. Trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của ông, các cơ sở vật chất như hội trường, phòng học, nhà ở đã được hoàn thiện. Đồng chí Lê Trọng Tấn còn trực tiếp soạn giáo trình và lên lớp bài “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”. Ông là người có công lớn, góp phần đặt nền móng cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược của quân đội ta.
Năm 1978, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị mới, đồng chí Lê Trọng Tấn cùng với Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, ban hành nghị quyết về tổ chức LLVT và nhiệm vụ công tác nhà trường trong tình hình mới (4) và nhiều nghị quyết khác về công tác xây dựng quân đội.
Chính quyền Khơ-me Đỏ của Pôn Pốt (Pol Pot) tiến hành cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới Tây Nam. Tháng 12-1978, đồng chí Lê Trọng Tấn được giao trọng trách chỉ huy các LLVT chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Tháng 02-1979, ông lại được điều về Tổng hành dinh cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cuộc chiến đấu chống xâm lược ở biên giới phía Bắc. Ông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị nghị quyết và báo cáo Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị ngày 06-01-1979 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) về “Tăng cường chiến đấu ở các tỉnh biên giới phía Bắc”; chấn chỉnh, điều chỉnh vị trí triển khai, nhiệm vụ của một số đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự trên tuyến biên giới phía Bắc. Chỉ đạo các cục (Tác chiến, Quân huấn, Dân quân tự vệ…) của Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, dự kiến các tình huống chiến đấu và công tác chuẩn bị chiến trường; triển khai phòng thủ trên hướng biển, đẩy mạnh chi viện cho các quần đảo nhất là quần đảo Trường Sa và các khu vực trọng điểm… Trong cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu hiệp đồng, chỉ huy quân, dân 6 tỉnh biên giới và kịp thời điều chuyển lực lượng tăng cường ra phía Bắc, đẩy đối phương phải rút về bên kia biên giới.
Đồng chí tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 24/NQTW ngày 09-6-1985 về: Những vấn đề cơ bản của đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng (khóa VI), ông được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao chuẩn bị nội dung về công tác quốc phòng, quân sự bảo vệ Tổ quốc phục vụ xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội VI và Nghị quyết số 12/NQ-TƯ ngày 27-5-1985 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng LLVT, bảo vệ Tổ quốc trong những năm 1985 - 1990…
Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tham mưu trình Bộ ban hành: Các hệ thống điều lệnh, điều lệ của quân đội…; hệ thống công tác tham mưu, chính trị, hậu cần kỹ thuật, v.v.. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học quân sự và công tác nhà trường quân đội. Ông rất coi trọng “nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng, quân chủng trong mọi quy mô, nhất là quy mô vừa và lớn, để đánh trả mạnh mẽ và kịp thời quân xâm lược ngay từ khi chúng xâm lược lãnh thổ Tổ quốc”(5)... Không chỉ quan tâm chỉ đạo xây dựng nâng cao sức chiến đấu của những đơn vị chủ lực, đồng chí Lê Trọng Tấn rất chú trọng đến xây dựng và củng cố LLVT địa phương và công tác xây dựng làng xã chiến đấu. Ông đánh giá cao vai trò, vị trí của cấp huyện trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và Chỉ thị số 38/CT-TƯ ngày 21-02-1978 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng cấp huyện…; được Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định: Xây dựng pháo đài cấp huyện là một trọng tâm lớn của công tác quân sự địa phương trong giai đoạn mới. Đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị nội dung, tập huấn và tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn việc xây dựng pháo đài cấp huyện. Đồng thời, ông trực tiếp viết tác phẩm: “Xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài quân sự”(6) để làm tài liệu nghiên cứu.
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn là một nhà chỉ huy xông xáo và sâu sát cơ sở, ông thường xuyên đi kiểm tra các đơn vị, chỉ đạo công tác huấn luyện, điều chỉnh bổ sung các phương án sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng ông rất chú trọng và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Ông đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu bổ sung các chính sách, chế độ cho cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ cũng như các chính sách hậu phương quân đội…
Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự tài năng, cương trực, quyết đoán, một vị tướng suốt đời giữ trọn được đạo làm tướng: “Trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung” như lời căn dặn của Bác Hồ. Trong hơn 40 năm hoạt động cách mạng, đồng chí luôn phát huy được đạo đức cách mạng sáng ngời, luôn được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yêu quý. Những cống hiến và công lao của đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng LLVT nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân là hết sức to lớn. Đây là những bài học kinh nghiệm hết sức quý giá để chúng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong tình hình mới.
Thượng tướng ĐỖ BÁ TỴ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ____________________
(1) Đại tướng Lê Trọng Tấn-con người của những chiến trường nóng bỏng: Đại tướng Lê Trọng Tấn-nhà quân sự lớn, tài giỏi, đức độ; Nxb Văn học; Hà Nội, 2014; tr.432.
(2) Trích dẫn từ câu nói của Tôn Tử trong Binh pháp Tôn Tử, thiên thứ ba: Mưu công, viết: Biết địch biết ta, trăm trận không bại, biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại.
(3) Phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Dẫn theo bài viết: “Mãi mãi nhớ anh Tấn” của Trung tướng Lê Hữu Đức đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 34, tháng 12 -1976
(4) Nghị quyết 228/QUTW ngày 12-6-1978.
(5) Nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các binh đoàn-Bài viết đăng trên Tạp chí QPTD số tháng 8-1980.
(6) Tác phẩm đã được Nhà xuất bản QĐND in năm 1980.
Nguồn: qdnd.vn
Lê Trọng Tấn,
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái