Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 02/04/2014, 09:33 (GMT+7)
Diễn tập thực binh KOMODO trên Biển Đông

Sau khi kết thúc giai đoạn Diễn tập Chỉ huy Tham mưu trên đảo Ba-tam, lực lượng Hải quân các nước tham gia Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN mang tên KOMODO đã bắt đầu tiến hành diễn tập thực binh trên Biển Đông. Lực lượng Hải quân Việt Nam cùng tàu Bệnh viện HQ-561 đã phối hợp chuẩn xác với lực lượng các nước, thực hiện thành công các phương án diễn tập.

Sáng sớm 31-3, Tư lệnh Hải quân In-đô-nê-xi-a, Đô đốc Ma-xê-ti-ô (Marsetio), cùng tàu và trực thăng hộ tống đã đi duyệt lực lượng tham gia Diễn tập KOMODO tại khu vực đảo Ba-tam. Sau đó, tàu các nước tham gia diễn tập đã hợp thành lực lượng Hải quân đa quốc gia (CTF 33) là cấp trên nhóm chiến thuật đa quốc gia (CTG 33.1). CTG 33.1 được chia thành 04 đơn vị. TU33.1.1 là tốp chiến thuật không quân. TU 33.1.2 gồm các tàu của Mỹ, Bru-nây, Xin-ga-po, Thái Lan là tốp chiến thuật diễn tập xử lý tình huống thảm họa giàn khoan. TU 33.1.3, gồm các tàu của In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Nga, Việt Nam, Phi-líp-pin và Ô-xtrây-li-a, là tốp chiến thuật diễn tập hướng đảo Na-tu-na. TU 33.1.4, gồm các tàu của Ấn Độ, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a, là tốp chiến thuật diễn tập hướng A-nam-bát.

Tốp  TU 33.1.3 bắt đầu hành quân theo hướng tới đảo Na-tu-na lúc 9 giờ sáng 31-3 trong thời tiết thuận lợi. Thông tin liên lạc giữa các tàu nhanh chóng được thiết lập. Các tàu vận động theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là kỳ hạm In-đô-nê-xi-a, nơi đặt Sở Chỉ huy của cuộc Diễn tập KOMODO và Sở Chỉ huy của TU 33.1.3.  Tàu vận động ở vị trí số hai là tàu JDS Akebono Nhật Bản. Tàu số 3 là tàu Đô đốc Shaposhnikov của Nga. Tàu HQ-561 của Việt Nam vận động ở vị trí số 4.  Tàu hậu cần của Nga ở vị trí số 5. Tàu Phi-líp-pin ở vị trí số 6. Tàu săn ngầm của In-đô-nê-xi-a ở vị trí số 7. Tàu đầu kéo của Nga ở vị trí số 8. Vận động sau cùng  là tàu HMAS Launceston của Ô-xtrây-li-a.

Đến 15 giờ cùng ngày, tốp TU 33.1.3 hành quân đến địa điểm quy ước, cách Eo biển Ma-lắc-ca 40 hải lý, bắt đầu diễn tập cứu hộ nhóm người bị nạn. Đúng theo kịch bản, một tàu bị nạn thông báo bị hỏa hoạn có dấu hiệu bị chìm, thả khói cầu cứu. Tàu Kỳ hạm lệnh cho 05 tàu đi sau cùng của đoàn hành quân tổ chức cứu nạn dưới quyền chỉ huy của tàu Săn ngầm của In-đô-nê-xi-a. 05 tàu tách đội hình, nhanh chóng lập đội hình hàng ngang, xác định được vị trí tàu gặp nạn và thực hiện việc cứu hộ thành công. Sau khi thực hiện xong nội dung diễn tập, 05 tàu trở lại đội hình và đơn vị tiếp tục hành quân. 

Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ ngày 31-3, tốp TU 33.1.3  diễn tập tình huống đưa người bị nạn, phương tiện từ tàu này sang tàu khác bằng trực thăng. Các trực thăng của In-đô-nê-xi-a, Nga và Nhật Bản đã cất cánh và hạ cánh an toàn xuống tàu của nhau. Tàu HQ-561 thực hiện nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ vòng ngoài.

Ngày diễn tập thực binh trên biển đầu tiên kết thúc tốt đẹp với nội dung luyện tập thông tin bằng ánh đèn từ 20 giờ đến 22 giờ.  Tình huống giả định là  kỳ hạm và tàu Nhật Bản tách đội hình tăng tốc rẽ trái 30 độ khoảng 02 đến 03 hải lý. Sau đó, hai tàu này phát tín hiệu cấp cứu bằng ánh đèn. Lúc này, trong đội hình hành quân tàu Nga ở vị trí dẫn đầu, thực hiện liên lạc với kỳ hạm. Tàu HQ-561 cũng nhanh chóng tiến hành liên lạc với Nhật Bản. Hai tàu “bị nạn” thông báo: “Tàu chúng  tôi đã bị cháy và có 03 người bị thương cần được cứu giúp”. Tàu Nga và tàu HQ-561 chuyển bản điện cho các tàu đi sau để cho tàu Săn ngầm của In-đô-nê-xi-a  chỉ huy các hoạt động của các tàu sau. Thông tin đã được đảm bảo thông suốt giữa các tàu trong nội dung diễn tập này. Sau đó, các tàu trở lại đội hình nhằm hướng Na-tu-na thẳng tiến.

Sau một đêm hành quân trong đội hình, sáng 01-4, tàu HQ-561 tham gia  tình huống  sơ tán về y tế với kịch bản đưa ra là có người bị điện giật trên tàu Nhật Bản cần được tàu bệnh viện cứu chữa. Xuồng Nhật Bản chạy hết tốc lực đưa “người bị nạn” sang tàu HQ-561. Tổ cứu người rơi xuống nước trên tàu HQ-561 đã nhanh chóng tiếp nhận chuyển cho tổ quân y. “Người bị nạn” khẩn trương được xác định tình trạng và cấp cứu thành công. Phía Nhật Bản đánh giá cao khả năng phối hợp của tàu HQ-561 cũng như năng lực của đội ngũ Quân y Việt Nam. Trung tá Tô-hi-a-ma (Tohyama), Thuyền trưởng tàu Nhật Bản bày tỏ hy vọng, hai bên sẽ có thêm những cuộc diễn tập tương tự trong tương lai. 

Sau nội dung diễn tập này, tốp TU 33.1.3  thiết lập đội hình vận động quả trám, lấy tàu HQ-561 làm trung tâm. Trực thăng của In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản cất cánh, chào tàu và chụp ảnh đội hình di chuyển, đánh dấu sự kết thúc thành công của giai đoạn diễn tập thực binh trên biển trong khuôn khổ Diễn tập KOMODO.

Chiều 01-4, tốp TU 33.1.3  đã hành quân đến Na-tu-na an toàn, sẵn sàng cho giai đoạn cuối cùng của Cuộc diễn tập với nhiệm vụ hỗ trợ dân sự.

Lực lượng Quân y Việt Nam quán triệt nội dung cứu “người bị nạn” từ tàu Nhật Bản.

Sĩ quan Việt Nam liên lạc với tàu Nhật Bản.

Tàu HQ-561 tiếp nhận “người bị nạn” từ xuồng Nhật Bản.

Trực thăng diễn tập vận chuyển người bị nạn.

Tốp chiến thuật TU 33.1.3 hành quân trên biển.

Lực lượng trên tàu HQ-561 thực hành tín hiệu cờ tay.

Tàu Tư lệnh Hải quân In-đô-nê-xi-a duyệt lực lượng tham gia Diễn tập KOMODO.

Đoàn trưởng đoàn Việt Nam trao quà lưu niệm tặng lực lượng Nhật Bản
phối hợp diễn tập với Việt Nam.

 

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.