Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 14/08/2015, 08:35 (GMT+7)
Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Đề nghị xây dựng Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

Sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40 với việc cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Sau khi thảo luận, UBTVQH thống nhất đề nghị nâng dự án pháp lệnh thành dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

UBTVQH đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nhanh chóng báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hoàn thiện dự án để đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và đề nghị Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp.

Vị trí của quân nhân chuyên nghiệp

Theo giải thích của Chính phủ, quân nhân chuyên nghiệp là quân nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, xây dựng Quân đội, tự nguyện phục vụ trong Quân đội nhân dân có thời hạn hoặc hết hạn tuổi cao nhất theo quy định của Pháp lệnh này.

Quân nhân chuyên nghiệp là thành phần trong tổ chức biên chế của các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân; là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ trực tiếp đảm nhiệm các chức danh để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Quân đội. Cấp hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp là Thượng tá.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị làm rõ việc quy định về quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp trong dự thảo pháp lệnh có phù hợp với Hiến pháp không?
Cụ thể, theo Khoản 12, Điều 70, Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định về hàm, cấp trong quân đội. Trong khi, thẩm quyền ban hành pháp lệnh thuộc về UBTVQH. Vì thế, cần giải thích rõ việc tại sao lại đưa nội dung quy định về quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp vào pháp lệnh này.

Đề nghị nâng lên thành luật

Giải thích về ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án pháp lệnh đều có chung nhận định. Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, quy định về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân tại Khoản 12, Điều 70, Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, qua xem xét, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận thấy, việc quy định quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy trong tổ chức Quân đội nhân dân đã được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành và đang được thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn. Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong dự thảo pháp lệnh là kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, không bổ sung mới, phù hợp với hệ thống quân hàm trong Quân đội.

Từ đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ, trong khi chưa xây dựng được luật về quân nhân chuyên nghiệp, đề nghị UBTVQH quy định tại pháp lệnh này để đáp ứng yêu cầu thực tế về tổ chức quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp.

Sau giờ giải lao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nâng dự án pháp lệnh thành dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng để vừa bảo đảm phù hợp với Khoản 12, Điều 70, Hiến pháp năm 2013, vừa nâng giá trị pháp lý của văn bản.

Đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận được sự đồng tình của UBTVQH. Với nhận xét, dự án pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, nhận được sự thống nhất cao của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án, UBTVQH cho rằng, việc nâng dự án pháp lệnh lên thành dự án luật sẽ có nhiều thuận tiện và hoàn toàn có thể được thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.