Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 30/10/2023, 13:14 (GMT+7)
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh

Trưa 30/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10

Kính thưa Ngài Chủ tọa!

Thưa toàn thể quý vị!

Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ban tổ chức Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh lần thứ 10, đã mời tôi tham dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng này.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể khẳng định, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh là một trong những diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp tích cực thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn năm nay lựa chọn chủ đề “An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài” là rất tích cực, kịp thời, thiết thực, khi mà thế giới đang có những biến động rất nhanh, rất mới, phức tạp và khó lường.

Thưa toàn thể quý vị!

Trong khi hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế lớn - mục tiêu, khát vọng của nhân loại thì cạnh tranh chiến lược, xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp tài nguyên, lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, các thách thức an ninh phi truyền thống đang diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, với nhiều đặc điểm mới, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay, góp sức ứng phó.

Trong bối cảnh đó, nhân loại tiến bộ càng khát khao an ninh và hòa bình. Đây là hai vấn đề có quan hệ mật thiết, là mục đích, điều kiện của nhau. Mọi quốc gia đều mong có môi trường an ninh toàn diện, kết nối, hội nhập, hài hòa trên tất cả các lĩnh vực; lợi ích, an ninh của các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều cần được thấu hiểu, ghi nhận, tôn trọng để cùng nhau xây dựng hòa bình, phát triển.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 80% số quốc gia đang phát triển, chiếm khoảng 3/4 số phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rất dễ bị tổn thương bởi các thách thức an ninh toàn cầu, như: Xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh,… Vì vậy, các nước đang phát triển phải chủ động cùng nhau hành động, nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia mình, đồng thời đóng góp tích cực bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu. Do đó, hòa bình, ổn định và an ninh của các nước đang phát triển là điều kiện rất quan trọng, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh chung của thế giới.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một tổ chức khu vực, với phần lớn thành viên là các nước đang phát triển. Các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM/ADMM+ cùng với các cam kết, thỏa thuận thông qua Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển,… cho thấy ASEAN có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia ngoài ASEAN. Đến nay, đã có 54 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác. Điều này cho thấy sức lan tỏa các giá trị tốt đẹp của ASEAN, góp phần thiết thực vào quản lý, bảo đảm các vấn đề an ninh toàn cầu.

Thưa toàn thể quý vị!

Trung Quốc là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực thông qua nhiều sáng kiến hợp tác thiết thực như: Vành đai và Con đường, Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu, thúc đẩy nhóm nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO),…; thể hiện rõ tầm nhìn, trách nhiệm và mong muốn có được môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững.

Những thành tựu trong gần 75 năm qua đã nâng vị thế của Trung Quốc lên tầm cao mới, với vai trò ngày càng lớn trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam chúc mừng những thành tựu của Trung Quốc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hạt nhân là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc tiếp tục phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, ổn định, đóng góp nhiều hơn nữa vào hợp tác phát triển và giải quyết các thách thức an ninh chung; thể hiện vai trò quan trọng, trách nhiệm đối với an ninh khu vực và thế giới.

Ở quy mô khu vực, hợp tác Trung Quốc - ASEAN đang ngày càng phát triển tốt đẹp, trong đó tiến trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bước đầu đã thu được kết quả tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị của các bên, với mục tiêu sẽ tạo ra một bộ quy tắc ứng xử thực chất, hiệu lực, hiệu quả, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. COC không chỉ giải quyết vấn đề an ninh có nhiều nét đặc thù mà còn nhằm cụ thể hóa luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và cam kết của các bên liên quan. Chúng ta tin tưởng rằng, COC sẽ trở thành chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm an ninh khu vực.

Việt Nam hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, hòa bình và nhận thức rõ những tác động từ môi trường an ninh toàn cầu đối với an ninh khu vực, an ninh của mỗi quốc gia. Việt Nam luôn kiên trì, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tham gia ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh chung, vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; Phó chủ tọa Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; Chủ tịch luân phiên ASEAN; Chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN,... Thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực về thực hiện các mục tiêu toàn cầu.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ; nhất quán thực hiện chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam tích cực tham gia hợp tác đa phương, song phương với các đối tác; ưu tiên giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình và hóa giải các thách thức an ninh từ sớm, từ xa. Thông qua Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh và nhiều diễn đàn đa phương về quân sự, quốc phòng, an ninh khác; cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…, Việt Nam đã khẳng định vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm cao đối với các vấn đề quốc tế và khu vực. Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương của Việt Nam với các nước được thực hiện công khai, minh bạch và không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác.

Việt Nam mong muốn, mọi quốc gia tăng cường đoàn kết, thấu hiểu lợi ích của nhau, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, cùng nhau thực hiện khát vọng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng, với các trọng tâm sau:

Thứ nhấttuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia của nhau. Cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về các vấn đề quản trị toàn cầu, xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Thứ hai, các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển cần đề cao “Tự chủ chiến lược”, tự lực, tự cường, chủ động khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh, hòa bình, phát triển cho quốc gia mình và tham gia có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới; thúc đẩy thiết lập cấu trúc an ninh toàn diện, đa phương, cởi mở, minh bạch, bình đẳng, hợp tác, phát triển.

Thứ ba, tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù, điều kiện riêng của từng quốc gia nhưng luôn hướng tới sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm, hành động trước các vấn đề an ninh toàn cầu. Kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương; củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế đa phương cũng như cơ chế hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và thế giới.

Thứ tư, cùng hợp tác, xây dựng lòng tin chiến lược, với tầm nhìn tổng thể về giá trị và lợi ích trong xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Đề cao và phát huy tinh thần đặt lợi ích của mỗi quốc gia trong tổng thể lợi ích khu vực và toàn cầu, nhằm bảo đảm sự hài hòa, đoàn kết, hướng tới an ninh toàn cầu bền vững.

Thứ năm, mỗi quốc gia cần thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, khắc phục sự khác biệt, mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác, đạt được nhận thức chung, cùng chung tay xử lý hiệu quả các vấn đề khu vực và an ninh toàn cầu.

Thưa ngài Chủ tọa và toàn thể quý vị,

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ hai vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm tăng cường giao lưu, thúc đẩy hợp tác quan hệ quốc phòng tốt đẹp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng các nước đã ủng hộ, tham dự và đóng góp vào thành công của Việt Nam trong Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ nhất và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nước trong cuộc Triển lãm lần thứ 2 vào năm 2024.

Tôi tin rằng, việc tăng cường hợp tác, đối thoại, vượt qua khác biệt, lợi ích cục bộ, không phân biệt trình độ phát triển, nỗ lực củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia chính là chìa khóa để bảo đảm an ninh toàn cầu, giữ vững môi trường hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa, vai trò quan trọng của các quốc gia, thông qua diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh để cùng chia sẻ trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh toàn cầu.

Khổng Tử, một nhà giáo dục, nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa cổ đại, đã nêu luận điểm “Đại đạo chi hành, thiên hạ vi công”nghĩa là: Khi đạo lý lớn được thực thi thì thiên hạ là của chung. Tư tưởng này có thể hiểu rộng ra ở tầm quốc tế, khi đường lối chính trị cao cả, luật pháp, công lý quốc tế được tôn trọng, thực thi thì thế giới như ngôi nhà chung, các quốc gia đều bình đẳng, chung sống hòa bình, ổn định và phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các quý vị!

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.