Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 29/11/2023, 08:16 (GMT+7)
Đại tướng Phan Văn Giang giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về công nghiệp quốc phòng

Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội ủng hộ các chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các ý kiến tham gia đầy tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội. "Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu toàn diện, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đề xuất việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia", Đại tướng Phan Văn Giang nói. 

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu làm rõ một số nội dung

Làm rõ một số khái niệm

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nêu một số ý kiến về các khái niệm được đề cập tới trong dự án luật. Đại tướng Phan Văn Giang giải thích rõ hơn về những khái niệm mà đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Về khái niệm tổ hợp công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang lấy ví dụ cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hoạt động theo mô hình tập đoàn, nhưng đã manh nha hình thành ra tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong dự thảo luật là để tạo điều kiện cho phát triển, không chờ đến lúc có tổ hợp trên thực tế mới bổ sung vào luật.

Về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh với động viên công nghiệp và một số chính sách cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, còn gọi là công nghiệp dân sinh-ngành công nghiệp chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để có kiểm nghiệm thì chúng ta cần chuẩn bị trước từ thời bình, thực hiện động viên công nghiệp ngay trong thời bình để khi xảy ra tình huống thì có thể triển khai thực hiện được luôn. Thực tế hiện nay đang có hệ thống cơ sở động viên công nghiệp rồi.

Ngoài việc bảo đảm để sản xuất trong công nghiệp, cơ sở động viên công nghiệp có thể sửa chữa, sản xuất những sản phẩm mà công nghiệp quốc phòng có thể chuyển giao, độ mật không cao, có thể lắp lẫn hoặc đơn lẻ, không thành một sản phẩm công nghiệp quốc phòng. 

Qua tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, nhất là từ các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang cho thấy rõ sự cần thiết phải có các quy định, các chính sách đối với động viên công nghiệp để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình. Dự thảo luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng, phạm vi, quy định điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên, quy định việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng. Đặc biệt, khi xảy ra tình huống đất nước có chiến tranh, có xung đột, cần phải có động viên để tăng lên sức người, sức của, tăng lên khả năng tự bảo đảm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình. Muốn vậy thì phải có các chính sách ưu đãi. 

Với ý kiến đại biểu đề nghị giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang giải thích, có nhà máy, xí nghiệp chỉ động viên một phần dây chuyền, không phải toàn bộ nhà máy. Do vậy sẽ rất khó giảm tiền thuê đất cho cả nhà máy. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ về vấn đề này.

Quang cảnh phiên họp.

Cần cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Giải trình về các cơ chế, chính sách đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang nhắc tới chính sách với hoạt động khoa học công nghệ. Hiện đang có rất nhiều luật điều chỉnh vấn đề này, ví dụ Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao, Luật Đấu thầu,... nhưng rất khó đưa các quy định về hoạt động khoa học công nghệ công nghiệp quốc phòng, an ninh vào các luật này. Thực tế triển khai các hoạt động khoa học công nghệ công nghiệp quốc phòng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, quy định về chính sách đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, an ninh là rất cần thiết, trong đó có giao Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết về nội dung này.

Cơ chế, chính sách đặc thù thứ hai, theo Đại tướng Phan Văn Giang, là về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Các đại biểu Quốc hội nhắc rất nhiều đến vấn đề tuyển dụng, đào tạo, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đại tướng Phan Văn Giang thẳng thắn thừa nhận còn có nhiều khó khăn trong công tác này. Chính phủ đã phải ban hành nghị định riêng cho Viettel thì tập đoàn mới thu hút được nguồn nhân lực, mới có được con người và có được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội như hiện nay.

"Cho nên phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở, thẩm quyền giao nhiệm vụ khoa học, khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học, các chính sách hậu phương-quân đội", Đại tướng Phan Văn Giang nói.

Về cơ chế bảo đảm chính sách nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, hiện nay, ngân sách nhà nước là chủ đạo và sẽ luôn như thế, huy động nguồn lực xã hội không được nhiều, vì rất tốn kém, đồng thời phải bảo đảm yếu tố bí mật. 

Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu một số chính sách đặc thù khác, như chính sách đầu tư; chính sách cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh... cũng được nghiên cứu xây dựng, đề xuất trong dự thảo luật nhằm khắc phục những điểm bất cập hiện nay.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định lại, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật; mong Quốc hội ủng hộ các chính sách đề xuất trong dự án luật để góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.