Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 11/06/2019, 22:21 (GMT+7)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên từ 10 đến 15% là phù hợp

Sáng 11-6, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch giải trình, làm rõ thêm một số nội dung về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Thứ nhất, về tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc sửa tên Luật Lực lượng dự bị động viên thành Luật Dự bị động viên hoặc Luật Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, vì lực lượng dự bị động viên là con người, chưa bao gồm về phương tiện kỹ thuật.

Về ý kiến này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Điều 66 Hiến pháp quy định Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 1, khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Điều 2, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên quy định lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.

“Trong thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi, vì vậy Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Thứ hai, trước, ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên vào dự thảo luật, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của Quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013. Tại khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định quân đội nhân dân có nhiệm vụ, chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lao động sản suất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo.

Toàn cảnh phiên họp

Thứ ba, về tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15%, quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị làm rõ lý do quy định tỷ lệ dự phòng từ 10 đến 15% tại khoản 2 Điều 14 dự thảo luật.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết: Khoản 2 Điều 14 dự thảo luật kế thừa Điều 11 Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và luật hóa Điều 10 Nghị định 39 ngày 28-4-1997 của Chính phủ quy định "Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp". Dự thảo luật xác định tỷ lệ dự phòng từ 10 đến 15% là cần thiết để bảo đảm tính chủ động cho các địa phương khi huy động theo chỉ tiêu được giao. Vì trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, quân nhân dự bị cơ bản là lao động chính trong gia đình có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác mà không thể có mặt trước khi huy động, quân nhân dự bị bị đau ốm, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc tình huống bất khả kháng mà không thể thực hiện được lệnh huy động.... Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên từ 10 đến 15% là phù hợp.

Thứ tư, trước một số ý kiến đề nghị làm rõ việc thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ đối với sĩ quan dự bị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định thời hạn xét tăng quân hàm sĩ quan dự bị dài hơn 2 năm so với sĩ quan tại ngũ ở mỗi cấp bậc quân hàm, ví dụ thượng úy lên đại úy sĩ quan tại ngũ là 3 năm, sĩ quan dự bị là 5 năm. Bộ Quốc phòng chỉ tổ chức đơn vị dự bị động viên đến cấp trung đoàn, trong đó trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn là sĩ quan tại ngũ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tá, sĩ quan dự bị xác định xếp đến phó trung đoàn trưởng, quân hàm cao nhất là trung tá. Vì vậy, dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên quy định thống nhất với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thứ năm, trước ý kiến đề nghị làm rõ việc bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng dự bị động viên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động lực luợng dự bị đông viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên, được xây dựng huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu từ thời bình để bổ sung cho quân đội khi cần thiết. Việc quy định chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tương xứng, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Vì vậy, quy định bổ sung chế độ, chính sách nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết, chế độ chính sách cụ thể cho lực lượng dự bị động viên đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết", Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết.

Thứ sáu, trước ý kiến đề nghị đưa vào dự thảo luật quy định trung tâm huấn luyện dự bị động viên thuộc bộ đội địa phương, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay: Hiện nay cả nước có 24 trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở cấp tỉnh, những địa phương có trung tâm này thì việc tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên đạt chất lượng tốt, những địa phương chưa có trung tâm khi huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên thường phải tận dụng doanh trại, thao trường của trung đoàn bộ binh, trường quân sự tỉnh hoặc vận dụng một số cơ sở khác để tổ chức huấn luyện nên chất lượng huấn luyện còn hạn chế. Nếu trong dự thảo luật quy định trung tâm huấn luyện, việc huấn luyện lực lượng dự bị động viên sẽ thống nhất trong cả nước về quy mô, tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và đưa vào dự thảo luật.

Ngoài ra, một số ý kiến như xây dựng cơ chế quản lý quân nhân dự bị và đăng ký quân nhân dự bị bằng công nghệ thông tin, xung quanh mức độ xử lý, xử phạt, huy động phương tiện kỹ thuật về tổ chức sinh hoạt, thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch dự bị động viên... Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan xin được nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật theo quy định trước khi trình Quốc hội quyết định.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, có 14 đại biểu đăng ký và phát biểu, có 4 đại biểu phát biểu tranh luận; các ý kiến đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên để thi hành Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về công tác quân sự quốc phòng, đồng thời tiếp tục tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng quản lý lực lượng dự bị động viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này, thống nhất với các quy định mới được ban hành và sửa đổi trong hệ thống pháp luật.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trinh Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy định.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.