Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:18 (GMT+7)
Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN: Tăng cường hợp tác thực chất, củng cố lòng tin

Ngày 16-10, Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN đã diễn ra tại Bắc Kinh. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Cuộc gặp.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Cuộc gặp.

Đây là cuộc gặp không chính thức lần thứ 5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và là cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN. Phát biểu tại cuộc gặp, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc  - ASEAN. Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN hợp tác cùng nhau để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. “Lợi ích chung lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN là phát triển nhanh hơn, khát vọng chung lớn nhất của chúng ta là hợp tác mạnh mẽ hơn và yêu cầu chung của chúng ta là sự ổn định hơn”, Thượng tướng Thường Vạn Toàn phát biểu.

Tại cuộc gặp không chính thức với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia thành viên ASEAN và Phó tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề xuất tăng cường xây dựng các cơ chế an ninh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN. “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều phối và hợp tác với ASEAN trong các cơ chế đa phương như Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn khu vực (ARF). Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế liên quan và cùng làm việc với ASEAN để xây dựng cấu trúc hợp tác an ninh khu vực mang tính chất mở, dung nạp, minh bạch và bình đẳng”, Thượng tướng Thường Vạn Toàn nói.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc phòng thực chất giữa Trung Quốc và ASEAN trong các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc nhằm  tăng cường lòng tin chiến lược.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng nêu lại ý kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng, dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Thường Vạn Toàn cũng trình bày quan điểm của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc mong muốn giải quyết những tranh chấp thông qua đàm phàn và tham vấn hòa bình cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dành cho tất cả các nước chiểu theo luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên ASEAN phát biểu tại cuộc gặp đều bày tỏ coi trọng hợp tác với Trung Quốc, một cường quốc láng giềng. Các bộ trưởng mong muốn đẩy mạnh hợp tác quốc phòng thực chất với Trung Quốc nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Các bộ trưởng khẳng định hòa bình và ổn định tại Biển Đông có ý nghĩa sống còn với an ninh khu vực và mong muốn Trung Quốc và ASEAN thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, với vị thế và tiềm năng to lớn về chính trị, kinh tế và an ninh, Trung Quốc là một quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và của cả thế giới. “Một Trung Quốc phát triển hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN đem lại cơ hội lớn cho ASEAN và ngược lại. Vì vậy, hợp tác phát triển lâu dài, bền vững, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc là mong muốn, là mục tiêu ưu tiên của các quốc gia thành viên ASEAN”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, trong khu vực, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có biên giới liền kề, có quan hệ hữu nghị truyền thống. Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược hợp tác toàn diện với Trung Quốc; luôn nỗ lực vun đắp và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc. Điểm tồn tại duy nhất giữa hai nước đó là vấn đề trên biển. Việt Nam là thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn gắn an ninh của mình với an ninh của khu vực. “Vì vậy, quan điểm lập trường nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, xử lý tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần Thoả thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc. Cùng nhau nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, nhằm đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung cho ASEAN và Việt Nam”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Hoan nghênh những đề xuất tích cực của Trung Quốc, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, các đề xuất này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng, vượt khỏi khả năng kiểm soát của một quốc gia đơn lẻ. “Nếu chúng ta có lòng tin và sự hợp tác mang lại hiệu quả một cách thiết thực, tôi tin rằng sẽ góp phần to lớn vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta cần phải chuyển những ý tưởng hợp tác thành các hoạt động thực tế. Và để đạt được hiệu quả cao thì cần phải có sự thành tâm, đồng thuận, có kế hoạch và theo quy trình của ASEAN”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Thực tiễn cho thấy, để quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh phát triển toàn diện, sâu sắc, bền vững và hiệu quả, thì các biện pháp xây dựng lòng tin và nâng cao năng lực hành động thực tiễn cần phải được sự quan tâm, nuôi dưỡng và liên tục thúc đẩy.

Nhấn mạnh tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Lòng tin có thể tăng cường thông qua hợp tác song phương và đa phương. Đó là thường xuyên duy trì đối thoại cởi mở, đặc biệt là tiếp xúc cấp cao giữa quân đội các nước, chú trọng hợp tác trên những lĩnh vực có cùng lợi ích; lấy chuẩn mực là luật pháp quốc tế, đặc biệt coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông; tuân thủ DOC và xây dựng cho được COC; kiềm chế không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực; nói đi đôi với việc làm, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau được luật pháp quốc tế quy định. Từ đó sẽ tránh được sự nghi kỵ hiểu lầm dễ dẫn tới những tính toán sai lầm, cũng như ngăn ngừa và kiểm soát được nguy cơ xung đột”.

Tại Cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đề xuất ASEAN và Trung Quốc nghiên cứu tăng cường hợp tác quốc phòng trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp để xây dựng các cơ chế quản lý, kiểm soát tranh chấp, phòng ngừa, xử lý các tình huống khẩn cấp trên cơ sở tôn trọng các cam kết đã có giữa ASEAN và Trung Quốc; sớm thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhằm quản lý tốt các vấn đề nảy sinh.

Thứ hai, tăng cường phối hợp trong khuôn khổ ADMM+, ARF nhằm nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai… Nghiên cứu đưa nội dung thực hành Bộ quy tắc tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) vào diễn tập Nhóm chuyên gia ADMM+ về an ninh hàng hải và chống khủng bố.

Thứ ba là duy trì trao đổi, tham vấn lẫn nhau, nhất là bên lề các sự kiện như ADMM, ADMM Hẹp nhằm chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm, hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm các khả năng thúc đẩy hợp tác thiết thực đem lại lợi ích cho hai bên.

Thứ tư là giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như giữa một số nước ASEAN có chung biên giới trên biển, việc ngư dân trong quá trình đánh bắt cá xảy ra vi phạm là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn cũng như đối xử nhân đạo với ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị giữa các nước.

* Tối 16-10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dự khai mạc và chiêu đãi chào mừng của Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.