Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 31/01/2014, 15:49 (GMT+7)
Cộng đồng 54 dân tộc Việt vui hội xuân dưới mái nhà chung

Mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào từ mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau sum vầy dưới “mái nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để đón chào một mùa xuân mới, một năm mới với nhiều khát vọng, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp.

Với họ, được trở về với “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em không chỉ là niềm vui quần tụ trong niềm vui chung khi đất nước vào xuân, mà hơn thế, đó còn là niềm tự hào được mang về đây, giới thiệu tới nhân dân và du khách những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Đám cưới người  Dao đỏ tái hiện tại Ngày hội sắc xuân
trên mọi miền Tổ quốc năm 2013.

Về “Làng” để ăn Tết

Chính thức khai trương từ tháng 9-2010, đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang trong giai đoạn khai thác cục bộ, vừa vận hành vừa tiếp tục thi công các công trình văn hóa khác. Cũng từ đó, trong không gian văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa với sự tham gia của đồng bào các dân tộc thường xuyên diễn ra.

Đặc biệt, từ năm 2013, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” lần đầu tiên được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần phát huy giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em dưới mái nhà chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thông qua các chương trình, hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc có thêm dịp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình với các dân tộc anh em, nhân dân và du khách. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm thực hiện quan điểm xuyên suốt: “Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”.

Cô dâu và chú rể người Dao

Không chỉ có vậy, chính sự hồn hậu, hiếu khách của đồng bào các dân tộc đã giúp cho không khí ngày xuân thêm ngập tràn trong không gian văn hóa của các cộng đồng nơi đây. Đây cũng điểm độc đáo, hấp dẫn của “bảo tàng sống” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thu hút nhiều du khách và níu chân họ ở lại lâu hơn, cùng nhâm nhi chén rượu ửng hồng đôi má, cùng nhảy điệu múa, cùng vui điệu khèn ngày xuân, cùng nhóm lên bếp lửa ấm áp tình người, mang hơi ấm cuộc sống, "thổi hồn" vào Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Còn nhớ, trong một lần về “Làng” ăn Tết, già làng Xiêng Hăng Ngố (dân tộc Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum) đã bày tỏ xúc động khi được đón Tết tại “Ngôi nhà chung” đặc biệt này. “Đây là cái Tết đặc biệt, đồng bào Giẻ Triêng được biết thế nào là không khí Tết của miền Bắc, được trải nghiệm nhiều phong tục độc đáo của các cộng đồng dân tộc phía Bắc, đồng thời được giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình - đó là niềm vinh dự chung của đồng bào Giẻ Triêng nói riêng, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung”.

Chị Y Nguch, dân tộc Bahnar cũng xúc động chia sẻ: “Trong thời gian ở đây, tôi đã quen với cái rét của miền Bắc, quen với nếp nhà sàn nơi đây và quen cả với giọng nói, tiếng cười của các cô hướng dẫn viên tại "Làng". Thật sự khi đến thì mong ngày về với gia đình nhưng khi về thì lại bịn rịn vô cùng…

Già làng Xiêng Hăng Ngố (dân tộc Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum).

Mang Tết về với “Làng”

Xuân Giáp Ngọ 2014, trong không khí cả nước tưng bừng các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục đón đồng bào các dân tộc về tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Đây là sự kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam báo công, phản ánh tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tham dự Ngày hội này, các cộng đồng sẽ mang về Thủ đô những phong tục, lễ hội đẹp ngày Tết của dân tộc mình như: Hội đấu vật dân tộc đầu năm mới (dân tộc Kinh); Hội đua ngựa đầu năm mới của cộng đồng dân tộc Mông; Hội làng mừng năm mới của dân tộc Dao (Làng Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), Hội Chá Chiêng mừng Xuân mới của dân tộc Thái và Hội Cồng Chiêng mừng năm mới của dân tộc Mường (Hòa Bình), Lễ hội cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi của dân tộc Lô Lô (Hà Giang), Lễ hội cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Sán Chay (Phú Thọ), Lễ hội bắt chồng dịp năm mới dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng), Lễ hội cầu mùa của dân tộc B’râu (Kon Tum), Lễ hội cầu mưa dân tộc Cor (Quảng Nam), Tết Păng Katê của dân tộc Chăm (Bình Thuận)…

Thời tiết Đồng Mô lạnh thấu xương. Nhưng chắc rằng, các lễ hội xuân đặc sắc, rộn ràng được cộng đồng các dân tộc “mang” về sẽ góp phần làm cho Tết “Làng” thêm ấm cúng và vui vẻ!

Du xuân trẩy hội đang là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng nhằm xây dựng một hoạt động văn hóa, một “thương hiệu” điểm đến của Ngôi nhà chung mỗi dịp Tết đến xuân về, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, động viên tinh thần phấn khởi, hồ hởi đón mừng xuân mới với khí thế mới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.