Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 17/07/2012, 01:57 (GMT+7)
Công bố 13 Luật và 2 Nghị quyết của Quốc hội

Theo Báo QĐND - Ngày 16-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 Luật và 2 Nghị quyết của Quốc hội vừa được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua.

13 Luật được công bố lần này gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền;Luật Giáo dục đại học; Luật Công đoàn; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;Bộ luật Lao động; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật Biển Việt Nam.

Hai Nghị quyết của Quốc hội gồm Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Trong số 13 Luật được công bố, có nhiều Luật thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân như Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Bộ luật Lao động; Luật Giá; Luật Quảng cáo; Luật Biển Việt Nam… 

Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 Chương, 39 Điều, được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. 

Cũng liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, Luật Phòng, chống rửa tiền (gồm 5 Chương, 50 Điều), được ban hành là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Việc ban hành Luật này cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền. Luật xác định khái niệm “rửa tiền” được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm hành vi được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự; Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản mà tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Hai luật trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Bộ luật này có 17 Chương, 242 Điều (tăng 23 Điều so với Bộ luật đang hiện hành), quy định về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Một trong những điểm mới của Bộ luật là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng. Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Hợp đồng lao động cũng là Chương có nhiều thay đổi so với hiện hành nhằm hạn chế những bất cập từ thực tiễn thi hành; tăng sự linh hoạt trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động thông qua việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. 

Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.

Luật Giá gồm 5 Chương, 48 Điều. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, so với Pháp lệnh giá đang hiện hành, Luật Giá có điểm mới là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng. Với việc Luật Giá được thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai, minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế; là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường. 

Luật Giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Luật Biển Việt Nam gồm 7 Chương và 55 Điều. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển. 

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, qua Luật Biển, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.