Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 17/06/2016, 14:10 (GMT+7)
Chuyến thăm ý nghĩa lớn trong quan hệ với Lào và Campuchia
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin

Chiều 16-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân.

Đề nghị Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và các hoạt động chính trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Nhận lời mời của Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào từ ngày 12 đến 14-6-2016 và tới Vương quốc Campuchia từ ngày 15 đến 16-6-2016.

Chuyến công tác nước ngoài lần này là hoạt động đối ngoại đầu tiên của đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm có ý nghĩa hết sức to lớn đối với quan hệ giữa ta với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng kề cận có quan hệ hữu nghị gắn bó lâu đời và có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với ta.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2017, ta và Lào đang chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác; còn ta và Campuchia đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (24-6-1967 – 24-6-2017). Riêng đối với Lào, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả hai nước vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại mỗi nước; đồng thời cũng là để đáp lại các chuyến thăm chính thức Việt Nam hết sức thành công của Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith (tháng 4-2016) và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith (tháng 5-2016).

Do đó, chuyến thăm Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp khẳng định quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo mới hai nước Việt Nam – Lào trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; đồng thời khẳng định mong muốn của Lãnh đạo ta và Campuchia trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trong vòng 5 ngày thăm Lào và Campuchia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Lãnh đạo hai nước và nhiều hoạt động khác trải kín lịch trình.

Tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp các đồng chí Lãnh đạo cao nhất và nguyên là Lãnh đạo cao nhất của nước Bạn; đó là hội đàm với Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Bounnhang Volachith; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou; thăm các đồng chí: Chummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư/Chủ tịch nước; Thongsing Thammavong, nguyên Thủ tướng Chính phủ; gặp gia đình và thăm bảo tàng 02 đồng chí lãnh tụ Kaysone Phomvihane và Souphanouvong để thể hiện sự kính trọng đối với các vị Lãnh đạo tiền bối của Bạn; tiếp Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào; viếng Đài liệt sĩ ở Viêng Chăn; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng Việt kiều và doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Lào. Thăm tỉnh Champasak, Chủ tịch nước đã gặp và làm việc với Lãnh đạo tỉnh; thăm đồng chí Khamtay Siphandon, nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Lào – Việt; đến thăm công ty cao su Việt – Lào; gặp gỡ và thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam ở Champasak ; làm việc với Tổng lãnh sự quán ta tại Pakse.

Tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni; gặp Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Thủ tướng Hun Sen, thăm hai Đại Tăng thống Tếp Vông và Bu Kry; đặt vòng hoa tại Đài Độc lập, Đài tưởng niệm cố Quốc vương Norodom Sihanouk và Đài kỷ niệm hữu nghị Việt Nam – Campuchia; gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều và gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia; thăm Đại sứ quán ta tại Campuchia.

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả chính đạt được trong hội đàm và trong chuyến thăm lần này?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chuyến thăm đã đạt được kết quả quan trọng, khẳng định đường lối đối ngoại của nước ta coi hai nước Bạn Lào và Campuchia là quan trọng hàng đầu. Qua các cuộc trao đổi với Lãnh đạo hai nước đã đạt được những chủ trương, đường lối lớn nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ta với Lào và Campuchia phát triển hơn nữa. Về phần mình, Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất mang tính truyền thống và đặc biệt, là mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng bằng sự hy sinh xương máu của nhân dân ba nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh với Lãnh đạo Lào về tầm quan trọng sống còn của mối quan hệ Việt – Lào: “Việt Nam và Lào có mối quan hệ đặc biệt, trong sáng hiếm có trên thế giới. Trải qua biết bao gian nan thử thách, ngọt bùi cay đắng có nhau, hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, đã tạo nên tình cảm thủy chung trong sáng Việt – Lào. Mối quan hệ thắm tình hữu nghị đó được xây dựng bằng công sức, xương máu của biết bao thế hệ chiến sĩ cách mạng hai nước, trở thành tài sản vô cùng quý giá của hai dân tộc”. Quốc vương và Lãnh đạo cấp cao Campuchia khẳng định nếu không có ngày 7-1-1979 thì Campuchia không có ngày nay; Campuchia sẽ luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979 và luôn coi hy sinh xương máu của Việt Nam dành cho nhân dân Campuchia là công lao vô giá. Quốc vương nhấn mạnh: “Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng, có tình đoàn kết, hữu nghị lâu đời, là người anh em tốt, người bạn chiến đấu cùng chung chiến hào, đã dành cho nhau sự giúp đỡ quý báu trong quá khứ và hiện tại; nhân dân Campuchia không quên sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu này của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nguyện sẽ tiếp tục vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp giữa hai dân tộc anh em Campuchia và Việt Nam; mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục dành cho Campuchia sự giúp đỡ, ủng hộ nhiều hơn nữa để Campuchia tiếp tục phát triển”.

Do vậy, Chủ tịch nước Việt Nam cũng như các nhà Lãnh đạo Lào và Campuchia khẳng định cần tiếp tục nỗ lực để gây dựng, vun đắp mối quan hệ đó ngày càng nở hoa kết trái, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Lãnh đạo hai nước Lào và Campuchia nhất trí cần giáo dục thế hệ trẻ kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị hết sức cao đẹp này. Riêng đối với Lào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhất trí với Lãnh đạo Lào cần lập Ban công tác chỉ đạo nhằm xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Hun Sen đề nghị giao Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam và Campuchia là đầu mối để tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh kết quả to lớn về chính trị, ngoại giao, nội dung kinh tế cũng được Chủ tịch nước bàn thảo sâu rộng với các nhà Lãnh đạo Lào và Campuchia. Lãnh đạo cấp cao của Lào và Campuchia đều đánh giá cao hiệu quả đầu tư của Việt Nam vào Lào và Campuchia, đã đóng góp cho tăng trưởng của mỗi nước, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hai bên cũng nhận thấy cần có các chính sách, cơ chế phù hợp, các thảo thuận song phương nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư.

Về thương mại, các bạn Lào và Campuchia đều cho rằng tiềm năng còn lớn; cần phải nỗ lực hơn nữa đưa kim ngạch tăng trưởng (với Campuchia phấn đấu đạt 5 tỷ USD thương mại hai chiều, với Lào là 2 tỷ USD). Việc kết nối hạ tầng giao thông nói riêng cũng như kết nối hai nền kinh tế với Việt Nam và kết nối kinh tế ba nước trong khuôn khổ CLV, CLMV cũng được thảo luận và nhất trí. Lào mong muốn mở rộng hơn nữa mô hình “một cửa một lần dừng” hiện nay đang áp dụng rất có hiệu quả tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen-sa-vẳn. Đối với Lào, hai bên nhất trí sẽ phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao và các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Lào, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2016 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam – Lào giai đoạn 2016-2020. Đối với Campuchia, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả các kết quả đạt được tại cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia lần thứ 14 và Hội nghị hợp tác các tỉnh biên giới lần thứ 8.

Về giáo dục, văn hóa - xã hội, cả Lào và Campuchia đều đánh giá cao việc ta giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Ta và Lào nhất trí phối hợp tổ chức tốt Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam; phối hợp triển khai xây dựng các công trình về tình hữu nghị hai nước, trong đó có Công viên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Viêng Chăn.
Cả Lào và Campuchia đều nhất trí cho rằng tình hình khu vực có nhiều diễn biễn phức tạp đan xen, cần phải khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm cả đàm phán và tham vấn, kiềm chế, từ bỏ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS). Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên khác của Ủy hội Mê Công quốc tế nhằm bảo đảm việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Cũng trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt Nam đang định cư tại hai nước; động viên và nghe các kiến nghị, đề xuất. Bà con người Việt Nam cũng như các nhà đầu tư tỏ rất phấn khởi về sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hứa sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng kinh doanh, làm ăn có hiệu quả để đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của hai nước Lào và Campuchia, cũng như cho quan hệ kinh tế, thương mại và chính trị, ngoại giao giữa ta với hai nước Bạn.

Tóm lại, những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Lào và Campuchia là hết sức quan trọng và toàn diện, tạo cơ sở vững chắc để đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa ta với Lào và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia lên một tầm cao mới.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.