Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 22/05/2014, 22:35 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Philippines và tham dự WEF Đông Á
Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Phiên Khai mạc toàn thể
của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Manila, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á). Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm làm việc tại Philippines và WEF Đông Á. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Thứ trưởng cho biết về kết quả chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines?

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tại Philippines đã thành công tốt đẹp. Phía Philippines đã dành sự đón tiếp trọng thị và thân tình đối với Thủ tướng và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã họp hẹp với Tổng thống Benigno S. Aquino III và cùng Tổng thống chủ trì hội đàm giữa hai đoàn, họp báo về kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. 

Trong chuyến thăm, Thủ tướng cũng đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon và Chủ tịch Hạ viện Feliciano J.Belmonte của Philippines. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Manila. 

Trong các cuộc họp hẹp và hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino, hai bên đã nhất trí về những phương hướng và biện pháp quan trọng để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Trên tinh thần hữu nghị và tin cậy lẫn nhau, hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước từ chính trị đối ngoại, thương mại đầu tư đến hợp tác biển đại dương, quốc phòng an ninh và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc ở cấp cao và các cấp và tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động Việt Nam – Philippines giai đoạn 2011-2016. 

Tổng thống Philippines khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về nông nghiệp, thủy hải sản, an ninh hàng hải, hợp tác và hỗ trợ đào tạo giữa hải quân, cảnh sát biển hai nước, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino nhất trí về việc làm sâu sắc hơn nữa và đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập Ủy ban công tác chung do Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì để xây dựng lộ trình tiến tới Đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc xâm phạm các vùng biển của các quốc gia ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa trực tiếp đến hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. 

Hai bên nhất trí và tiếp tục cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nêu trên, đặc biệt yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Hai bên cũng khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

- Xin Thứ trưởng cho biết về kết quả chuyến tham dự WEF Đông Á 2014?

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2014 thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu (tổng số hơn 600 đại biểu), trong đó có các nhà lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Philippines, Tổng thống Indonesia, Phó Tổng thống Myanmar, Chủ tịch WEF; lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và học giả có uy tín trong và ngoài khu vực cũng đã tham dự.

Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều” tại khu vực Đông Á, Diễn đàn là dịp để các nhà hoạch định chính sách, học giả và các doanh nghiệp trao đổi, phối hợp về chính sách, mô hình phát triển, cơ hội kinh doanh, đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực. 

Theo ý kiến chung của các đại biểu, Đông Á đang đứng trước cơ hội tốt để thúc đẩy tăng trưởng nhờ động lực từ tiến trình liên kết, hội nhập khu vực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các nền kinh tế Đông Á. 

Tuy nhiên, Đông Á cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, gần đây một số nền kinh tế đang nổi trong khu vực bộc lộ dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng. Diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, đề xuất chính sách đối với các nước Đông Á, bao gồm đẩy mạnh cải cách đồng bộ, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. 

Với ASEAN, Diễn đàn cũng khuyến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế và tăng cường khả năng kết nối về hạ tầng thông qua các mô hình hợp tác kinh tế mới như đối tác công – tư (PPP). 

Đáng chú ý, vấn đề duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực được đông đảo các đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh – chính trị khu vực, nhất là sự gia tăng căng thẳng hiện nay ở Biển Động sẽ tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế của Đông Á, trong đó có giao thông hàng hải, các hoạt động lưu thông hàng hóa bằng đường biển và việc thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài. 

Sự tham gia và các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu. Đặc biệt, phát biểu tại phiên khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá sâu về chủ đề nội dung chính của Diễn đàn. 

Để vượt qua thách thức và bảo đảm tăng trưởng bền vững, Thủ tướng đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tạo ra các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Á. Các đại biểu rất nhất trí với đánh giá của Thủ tướng về hai nhân tố then chốt tạo động lực cho phát triển là cải cách cơ cấu, thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng khẳng định khu vực Đông Á không thể phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Vì vậy, hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 cùng với nhiều tàu hộ tống bảo vệ vào sâu trong vùng biển của Việt Nam không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực mà còn là nguy cơ tác động tiêu cực tới an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, nơi 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của thế giới đi qua.

Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết phản đối của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế nêu trên. 

Nhân dịp dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có buổi đối thoại với hơn 50 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới. 

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh – đầu tư tại Việt Nam, nhất là các chính sách, cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và bảo hộ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với luật pháp. 

WEF và nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao sự tham gia tích cực và vai trò của Việt Nam trong việc đề xuất và triển khai các sáng kiến chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực. Điển hình là việc WEF mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Chương trình Tăng trưởng châu Á với nội dung chính là thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Nguồn: Vietnam+/TTXVN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.