Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 27/08/2019, 10:10 (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40

Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40 (AIPA 40) với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng bền vững” đã khai mạc trọng thể sáng 26-8, tại thủ đô Băng-cốc của Thái-lan, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Thái-lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuôn Lịch-phai, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là các lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ từ 10 quốc gia thành viên AIPA và các nước quan sát viên, đối tác của nước chủ nhà Thái-lan. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA 40.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại lễ khai mạc

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái-lan Pray-út Chan-ô-cha chào mừng các đại biểu tham dự AIPA 40 và nhấn mạnh, AIPA là một trong những đối tác gần gũi của ASEAN, đại diện cho ngành lập pháp phối hợp chặt chẽ với ngành hành pháp trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng Thái-lan đánh giá cao các chương trình hợp tác trong khuôn khổ AIPA. Chủ tịch Hạ viện Thái-lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuôn Lịch-phai nhấn mạnh, trong thời gian qua, khu vực Đông - Nam Á có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, song vẫn tồn tại và nảy sinh một số khó khăn, rất nhiều vấn đề đòi hỏi các cơ quan lập pháp ở khu vực phải chung tay xử lý. AIPA 40 là cơ hội để Thái-lan, với tư cách nước chủ nhà, thúc đẩy các nội dung thảo luận, nâng cao nhận thức về những thách thức chung của khu vực.

* Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Trưởng đoàn các nước thành viên AIPA đã chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Thái-lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuôn Lịch-phai.

* Cùng ngày, diễn ra Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA 40. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu tại phiên họp này. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp, Cộng đồng ASEAN tiếp tục đối mặt những thách thức ngày càng gay gắt, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro… Dù vậy, ASEAN vẫn đạt những kết quả tốt đẹp trên cả ba trụ cột của Cộng đồng, các nước thành viên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những diễn biến phức tạp ở khu vực thời gian qua cũng đáng lo ngại. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Vì vậy, các bên cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với vấn đề Biển Đông, trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, xuất phát từ bối cảnh trên, cần tiếp tục nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, khẳng định vai trò của ASEAN là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các hoạt động của AIPA, phát huy quan hệ đối tác AIPA - ASEAN. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn AIPA tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN; củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ứng phó hiệu quả các vấn đề tác động hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm phát huy vị thế, vai trò của AIPA. Bên cạnh đó, AIPA cần tích cực, chủ động hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong gắn kết tương hỗ giữa triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030; ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về thúc đẩy liên kết khu vực toàn diện và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, rác thải biển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các nghị sĩ, các nghị viện thành viên AIPA tăng cường rà soát hệ thống các văn bản pháp luật trong nước, thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật hoặc công nhận lẫn nhau về pháp lý, nhằm phục vụ cho việc triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN; nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin trong ASEAN, khu vực và toàn cầu để tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm nâng cao năng lực quốc gia, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách số và ứng phó các thách thức an ninh mạng. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền về AIPA, ASEAN tới mọi người dân, nhất là tăng cường sự tham gia của các nghị sĩ trẻ AIPA vì một Cộng đồng ASEAN bền vững, hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong năm 2020, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, đồng thời Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động hiệu quả, trở thành đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi của mọi công dân ASEAN.

* Bên lề AIPA 40, chiều 26-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Xăm-đéc Hêng Xom-rin. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa nghị viện hai nước sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Chủ tịch Hêng Xom-rin và Quốc hội Cam-pu-chia quan tâm, tạo điều kiện tổ chức các hội nghị về nghị sĩ trẻ, giao lưu nghị sĩ hữu nghị hai nước năm 2019, hội nghị về nữ nghị sĩ Quốc hội hai nước năm 2020. Đánh giá cao nỗ lực hai bên hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc và đang trao đổi thống nhất các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên sớm hoàn thành phần công tác còn lại, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom-rin khẳng định, Quốc hội Cam-pu-chia ủng hộ Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch AIPA 41 vào năm 2020. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom-rin cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước hiện nay; đánh giá cao món quà Việt Nam tặng là Công trình Nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban của Quốc hội Cam-pu-chia. Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia trân trọng chuyển lời hỏi thăm của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

* Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc E.Man-ki. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Ma-rốc; đề nghị hai bên phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban Hỗn hợp và các cơ chế tham vấn chính trị, thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của Ma-rốc với Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương; đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết…

Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc thông báo sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Ma-rốc tham dự AIPA 41 tại Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch E.Man-ki mong muốn Quốc hội Việt Nam hỗ trợ Ma-rốc trong tiến trình trở thành quan sát viên AIPA, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ Ma-rốc trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành về ASEAN…

* Trong khuôn khổ tham dự AIPA 40 của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã tiếp nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Li Xê-cun và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Ếch-xa-vang Vông-gi-chít đang tham dự AIPA 40.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.