Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 11/11/2014, 21:56 (GMT+7)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự phiên thảo luận của HNCC doanh nghiệp APEC 2014
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN


* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Theo Bộ Ngoại giao và TTXVN, sáng 10-11, Hội nghị cấp cao (HNCC) doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tham dự Hội nghị có đại diện của hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu khu vực.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề lớn đang đặt ra đối với các nền kinh tế thành viên APEC và các doanh nghiệp khu vực, như hệ thống thương mại đa phương, đổi mới, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm tương lai của tài chính toàn cầu, tăng cường kết nối, nhất là về đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương... Hơn 10 nhà lãnh đạo APEC được mời tham dự các phiên thảo luận của hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của hội nghị về chủ đề "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách".

Phát biểu ý kiến định hướng tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội mới, to lớn với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nêu bật những nỗ lực và đóng góp của ASEAN trong việc khởi xướng và thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối trong khuôn khổ APEC và ở châu Á - Thái Bình Dương; đề nghị các doanh nghiệp cùng nỗ lực tham gia thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC cũng như tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực...

Các doanh nghiệp đều bày tỏ đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế; bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực tham gia các liên kết kinh tế ở khu vực, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón bắt những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới. Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.

* Chiều 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tiến hành hội nghị cấp cao lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hội nghị tập trung đánh giá tiến triển đàm phán trong năm qua và đề ra định hướng thúc đẩy nỗ lực hoàn tất đàm phán. Các nhà lãnh đạo đều đánh giá những tiến bộ đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo cơ sở quan trọng để các thành viên đẩy mạnh nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Hiệp định TPP cần nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững. Hội nghị nhất trí nỗ lực bảo đảm TPP là một liên kết kinh tế mở, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các nền kinh tế trong khu vực.

Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.

Tại hội nghị này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục những nỗ lực chung với quyết tâm, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi.

Ðàm phán Hiệp định TPP khởi động từ tháng 3-2010 và đã trải qua gần 5 năm đàm phán. Ðến nay, đã có sự tham gia của 12 nền kinh tế năng động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Niu Di-lân, Chi-lê, Bru-nây, Xin-ga-po, Hoa Kỳ, Pê-ru, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Mê-hi-cô và Nhật Bản. TPP được đánh giá là một trong những liên kết kinh tế tiềm năng, có quy mô rộng lớn hàng đầu thế giới, đóng góp khoảng 40% GDP thế giới và hơn 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

* Ngày 10-11, tại Ðại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự HNCC APEC lần thứ 22.

Hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng lớn làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Trung Quốc tổ chức thành công HNCC APEC 22, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các thành viên APEC đóng góp tích cực cho thành công của hội nghị, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển và phồn vinh chung của khu vực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển. Chủ tịch nước cho rằng hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm những thỏa thuận của lãnh đạo hai Ðảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp. Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ðảng, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững.

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Ðông là một thực tế. Ðiều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước. Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước. Trên tinh thần dễ trước khó sau, hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất để phát đi tín hiệu tốt đẹp với nhân dân hai nước và dư luận quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; cho rằng việc phát triển quan hệ hai Ðảng, hai nước là phù hợp lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phản hồi tích cực đối với các đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Ðảng, hai nước trong thời gian tới, đồng thời đề nghị hai bên cần kiên trì tăng cường trao đổi chiến lược, ổn định phương hướng đúng đắn của quan hệ hai nước; đi sâu hợp tác thiết thực, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng; mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố nền tảng xã hội của tình hữu nghị Trung - Việt và giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công HNCC APEC năm 2017, hy vọng hai bên tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trong cơ chế APEC.

* Chiều cùng ngày, cũng tại Trung tâm hội nghị quốc gia Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà lãnh đạo thành viên APEC đã tham dự cuộc Ðối thoại với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Các nhà lãnh đạo đánh giá cao và ghi nhận các khuyến nghị thiết thực của ABAC về phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế khu vực cũng như nâng cao vai trò của APEC. Lãnh đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Sovico, Khu công nghiệp Sài Gòn - Bình Phước và Tập đoàn Miên Viễn Triều (MVT), hiện đại diện các doanh nghiệp Việt Nam trong ABAC đã tham dự cuộc đối thoại.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.