Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:04 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Ngày 19-11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-líp-pin, Hội nghị cấp cao lần thứ 23 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc trọng thể. Tổng thống Phi-líp-pin B.A-ki-nô đã chủ trì đón các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế thành viên. Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Phi-líp-pin B.A-ki-nô nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, khẳng định trong cục diện quốc tế mới, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hợp tác ngày càng sâu rộng và đóng góp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm ở khu vực và trên thế giới.
* Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo APEC đã họp Phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, hướng tới hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố vị thế châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng và liên kết toàn cầu và khu vực. Các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục khẳng định ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương. Hội nghị đã nhất trí thông qua các biện pháp cụ thể về tăng trưởng chất lượng, hợp tác dịch vụ, cải cách cơ cấu, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào thị trường toàn cầu nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Trong phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cục diện khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, đề cao nỗ lực của APEC 2015 trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh triển vọng tích cực của tiến trình liên kết khu vực. Chủ tịch nước đề nghị, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tiềm năng về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực, trong đó có ASEAN, Mê Công.
Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sau ba mươi năm đổi mới, bài học rút ra là muốn tăng trưởng thì phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế; muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm thì phải cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Hướng tới việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng.
*Chiều 19-11, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục Phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Tăng trưởng bao trùm thông qua cộng đồng tự cường và bền vững”. Các nhà lãnh đạo nhất trí cộng đồng bền vững, tự cường là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bao trùm ở khu vực trong một thế giới ngày càng gắn kết và bất định hiện nay, đồng thời cũng nêu bật tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới... trong việc nâng cao tính tự cường, bền vững của các cộng đồng. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa của Khuôn khổ Xen-đai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 - 2030 và nỗ lực chung hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21, nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác, đóng góp đối với các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội thảo APEC đầu tiên về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh APEC thông qua “Khuôn khổ về giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và “Kế hoạch hành động nhằm tăng khả năng tự cường về an ninh lương thực”, đánh giá đây là những đóng góp cần thiết và kịp thời góp phần triển khai Khuôn khổ Xen-đai. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC tiếp tục đề cao nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gắn các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực với ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và nguồn nước, thúc đẩy nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC cần đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, thỏa thuận mới toàn cầu về biến đổi khí hậu cũng như các nỗ lực chung của APEC.
* Kết thúc, Hội nghị đã thông qua hai Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương” và “Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10”, cùng hai văn kiện kèm theo “Chiến lược APEC về tăng cường tăng trưởng chất lượng” và “Khuôn khổ hợp tác APEC về dịch vụ”.
* Trước đó, tại Ma-ni-la, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Thủ tướng Pa-pua Niu Ghi-nê P.Ô-nê. Chủ tịch nước chúc mừng Pa-pua Niu Ghi-nê đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy quan hệ song phương, hai bên nhất trí cần đàm phán, sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác, khuyến khích xúc tiến thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, lúa gạo, trồng cây cao-su, cà-phê, chế biến gỗ, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, thăm dò khai thác dầu khí… Thủ tướng Pa-pua Niu Ghi-nê nhất trí hai bên ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong các năm 2017 và 2018 khi Việt Nam và Pa-pua Niu Ghi-nê lần lượt làm Chủ nhà APEC. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong môi trường an ninh, phát triển phức tạp hiện nay, cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, triển khai mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và chuẩn mực chung, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đây là yếu tố quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hợp tác vì phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông - Nam Á và Biển Đông. Thủ tướng Pa-pua Niu Ghi-nê chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam.
* Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp ngắn với Quốc vương Bru-nây H.Bôn-ki-a, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê, Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun, Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a D.Ka-la.
Tại cuộc gặp Quốc vương Bru-nây Hát-xan Bôn-ki-a, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có dầu khí. Quốc vương Bru-nây đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam gần đây và mong sớm thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ đối tác chiến lược đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Hai bên nhất trí sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để FTA Việt Nam - Hàn Quốc sớm đi vào thực hiện, góp phần nâng kim ngạch thương mại hai chiều.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chi-lê Ba-chê-lê nhất trí tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương và trao đổi đoàn các cấp. Tổng thống Ba-chê-lê khẳng định ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam để tổ chức thành công năm APEC 2017.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện và tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, nhất là các diễn đàn của ASEAN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a D.Ka-la nhất trí hai bên cần duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a mong muốn tiếp tục hợp tác nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
*Trong cuộc gặp ngắn với Tổng thống Hoa Kỳ B. Ô-ba-ma, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ô-ba-ma vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô.
Chúc mừng ông Gớt-xơ-tin Tru-đô vừa được bầu làm Thủ tướng mới của Ca-na-đa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ca-na-đa và đề nghị hai bên cần có các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa hai nước. Thủ tướng Ca-na-đa nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác kinh tế, thương mại ngày càng quan trọng của Ca-na-đa, khẳng định Chính phủ mới của Ca-na-đa mong muốn tạo động lực mạnh mẽ để làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, ngoại giao, ODA, giáo dục... Hai bên tin tưởng việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ mang lại triển vọng tốt đẹp cho trao đổi thương mại giữa hai nước và góp phần thúc đẩy xu thế liên kết ở khu vực và thế giới.
* Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 23 tại Ma-ni-la, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin. Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương những nỗ lực phấn đấu vươn lên và những thành tựu của đồng bào ta ở Phi-líp-pin, nhấn mạnh những thành quả lao động và nỗ lực vươn lên của kiều bào đã góp phần vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch nước đề nghị tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cần tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Phi-líp-pin.
* Tối cùng ngày, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời thủ đô Ma-ni-la, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 23.
Nguồn: nhandan.com.vn
APEC 23
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia 23/11/2024
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái