Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 24/02/2016, 10:04 (GMT+7)
Cho ý kiến về công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội

Ngày 23-02, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Dược (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện; dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp.
(Ảnh: qdnd.vn)

Thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Quốc hội được bầu ra và hoạt động trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Quốc hội Khóa XIII đã kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, hoạt động có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên cả ba chức năng, góp phần vào công cuộc đổi mới, bảo vệ đất nước. Hoạt động lập hiến, lập pháp đạt kết quả nổi bật, thông qua Hiến pháp năm 2013, hoàn thành khối lượng công việc lập pháp rất lớn, đồng thời nâng cao chất lượng các luật, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo khung pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, cởi mở và trách nhiệm, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước… ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, triển khai chủ động, tích cực, phối hợp đồng bộ và hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới theo hướng hiệu quả, dân chủ, công khai hơn, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu vì nhân dân để thảo luận và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Các ý kiến tại phiên họp đã nhấn mạnh nguyên nhân của những kết quả nói trên, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII. Về phương hướng, nhiệm vụ của Quốc hội trong thời gian tới, các ý kiến đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Quốc hội; Tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021…

Về công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: Việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có lúc chưa quyết liệt, dẫn đến không hoàn thành chương trình đề ra. Hoạt động giám sát còn một số hạn chế, cơ chế kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát mới bước đầu được xây dựng và thực hiện; việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh mặc dù có triển khai nhưng kết quả còn hạn chế.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Dược (sửa đổi). Về nội dung phát triển công nghiệp dược, nhiều ý kiến đề nghị phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn và ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc định hướng phát triển toàn bộ ngành công nghiệp dược ở Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn là định hướng lâu dài, trong giai đoạn tới, dự thảo Luật cần tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, bởi đây là những thế mạnh vốn có của Việt Nam. Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chính sách về quy định nhập khẩu dược liệu, nguyên liệu làm thuốc cần được quy định ngay trong dự thảo này. Bởi vì, hiện nay nguyên liệu dược liệu làm thuốc ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu và nếu giao Chính phủ quy định thì khó đáp ứng yêu cầu.

Về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Quốc hội và một số ý kiến cho rằng, cần chỉnh lý dự án luật theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian chờ đợi. Lấy thí dụ về cấp chứng chỉ hành nghề dược khi dự thảo luật đề xuất hai phương án: cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm hoặc cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần; Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để cải cách hành chính, chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề một lần, về sau, các cơ quan chức năng kiểm tra, xét thấy đủ điều kiện thì được phép hoạt động tiếp, nếu không đủ điều kiện thì thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện. Sau khi thống nhất các nội dung cơ bản được tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết nói trên.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.