Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 06/09/2013, 14:07 (GMT+7)
Chia rẽ xung quanh nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực đối với Xy-ri của Mỹ

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã có sự ủng hộ đầu tiên và quan trọng từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, song kết quả bỏ phiếu (10 phiếu thuận, 07 phiếu chống và 01 phiếu trắng) đã cho thấy sự chia rẽ lớn trong nội bộ chính giới Mỹ về kế hoạch can thiệp quân sự vào Xy-ri của Nhà Trắng.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Tống thống Ô-ba-ma sử dụng vũ lực chống Xy-ri. Ảnh: TTXVN

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tom U-đan mạnh mẽ phản đối việc Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cho biết, ông bỏ phiếu chống can thiệp quân sự vì không muốn nước Mỹ sa lầy vào cuộc nội chiến Xy-ri. Theo ông U-đan, vẫn còn quá nhiều câu hỏi liệu toàn thể Thượng viện, khi nhóm họp trở lại vào ngày 09-9, có thông qua nghị quyết hay không. Một số nghị sĩ hoài nghi về hệ quả của một cuộc tấn công có giới hạn trong khi một số nghị sĩ lo ngại nước Mỹ lại sa lầy vào cuộc chiến mới. Một số chuyên gia dự báo khả năng thông qua nghị quyết tại Quốc hội là 50-50. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mác-cô Ru-bi-ô cho biết, ông cũng bỏ phiếu chống vì ông không tin là việc sử dụng vũ lực sẽ có hiệu quả.

Trước đó, ngày 04-9, với 10 phiếu thuận, 07 phiếu chống và 01 phiếu trắng, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma sử dụng vũ lực chống Xy-ri với lý do chính phủ nước này "sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân". Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng trái chiều trong giới nghị sĩ Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Giay Ca-ni lập tức ra tuyên bố hoan nghênh việc làm "nhanh chóng" của Ủy ban, tiếp tục hối thúc các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ chủ trương của chính quyền.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành vài giờ sau khi Tổng thống Ô-ba-ma phát biểu khi đang ở thăm Thụy Điển nói rằng, Mỹ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ cho một hành động quân sự với Xy-ri sau khi Nga cảnh báo Oa-sinh-tơn và các đồng minh về việc đơn phương có hành động chống chính quyền của Tổng thống An Át-xát. Đây là lần đầu tiên kể từ nghị quyết năm 2002 cho phép Tổng thống Mỹ thời đó Gioóc-giơ W.Bu-sơ phát động chiến tranh xâm lược I-rắc, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết tương tự cho phép chính quyền phát động một chiến dịch quân sự chống một quốc gia có chủ quyền.

Phản ứng trước động thái đầu tiên không có lợi đối với Xy-ri, cùng ngày, tờ Nhật báo Phố Uôn đăng trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Xy-ri Phai-xan Méc-đát, nói rằng, Đa-mát sẵn sàng đối thoại với Oa-sinh-tơn và "hy vọng các nghị sĩ Mỹ sẽ hành động khôn ngoan”. “Chúng tôi không muốn chiến tranh với Mỹ”, ông Méc-đát nói. Tuy nhiên, ông Méc-đát cũng cảnh báo về hậu quả của một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Xy-ri, tuyên bố nước này sẽ trả đũa bằng các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào I-xra-en mà còn vào các nước láng giềng của Xy-ri như Gioóc-đa-ni và Thổ Nhĩ Kỳ nếu các nước này tham gia vào chiến dịch quân sự của Mỹ. “Chính phủ Xy-ri sẽ không nhượng bộ ngay cả khi Chiến tranh thế giới thứ 03 có nổ ra. Không có người Xy-ri nào có thể hy sinh nền độc lập của đất nước mình”, ông Méc-đát tuyên bố.

Trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết chuẩn bị hoạch tấn công quân sự vào Xy-ri, nhiều nước châu Âu ngày 04-9 đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định một cuộc tấn công quân sự vào Xy-ri sẽ có tác động tàn phá nếu tên lửa bắn trúng lò phản ứng nguồn năng lượng nơ-trôn thu nhỏ (MNSR) chứa u-ra-ni cấp độ phóng xạ ở gần thủ đô Đa-mát của Xy-ri. Trong một thông báo khác, Bộ Ngoại giao Nga nói rõ kế hoạch của Mỹ tấn công quân sự nhằm vào Xy-ri là trái với luật pháp quốc tế, phản ứng của cộng đồng quốc tế và các nước riêng rẽ về sử dụng vũ khí hóa học phải phù hợp với những khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt và phải dựa trên những kết quả điều tra độc lập kỹ lưỡng. Thông báo khẳng định nếu Đa-mát sử dụng vũ khí hóa học thì hành động này bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế và mọi hành động quân sự nhằm vào Xy-ri không có sự tán thành của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ bị coi là hành động xâm lược.

Nhất trí với quan điểm của Nga, Bộ Ngoại giao Na Uy cũng tuyên bố Chính phủ Na Uy phản đối can thiệp quân sự vào Xy-ri mà không có lệnh trừng phạt tương ứng của Hội đồng bảo an.

Tổng thống I-ran Hát-xan Rô-ha-ni ngày 04-9 đã mạnh mẽ lên án kế hoạch của Mỹ, cho rằng hành động quân sự nhằm vào Xy-ri "gây bất lợi cho toàn khu vực và các nước đồng minh của Mỹ". I-ran cũng khẳng định nước này sẽ sát cánh cùng Xy-ri cho tới khi nào giành được chiến thắng trước kẻ thù xâm lược. Cùng ngày, Thủ tướng I-rắc Nu-ri An Ma-li-ki và Tổng thống Li-băng Mi-xen Xu-lây-man cũng lên tiếng phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của Xy-ri.

Trong khi đó, khẳng định Pháp không tham gia các cuộc tấn công trên bộ ở Xy-ri, song Thủ tướng nước này Giăng-Mác Ây-rôn cho rằng, can thiệp quân sự vào Xy-ri là việc làm cần thiết. Dù bị Hạ viện phản đối, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn vẫn kêu gọi Mỹ hành động nhằm ngăn chặn chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.