Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 06/06/2014, 08:39 (GMT+7)
Căng thẳng có nguy cơ trở thành khủng hoảng toàn cầu

Những hành động trái phép và đơn phương của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tại các cuộc hội thảo về Biển Đông diễn ra ở Mỹ và Bỉ ngày 04-6 (giờ Việt Nam), các học giả bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực này do các hành động của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, truyền thông Trung Quốc cần có cái nhìn công bằng để dư luận nước này hiểu đúng những căng thẳng và tranh chấp chủ quyền nói chung ở Biển Đông.

Trung Quốc đã cố ý hiểu sai pháp luật quốc tế

Tại cuộc hội thảo với chủ đề: “Phi-líp-pin, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 03-6 tại thủ đô Oa-sinh-tơn, các học giả bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn, quyết đoán về chủ quyền của Trung Quốc gây ra, đồng thời cho rằng, các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy, tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Các học giả tham dự hội thảo có: Ông Rô-bớt Đe-li (Robert Daly), Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc; bà Yun Xun (Yun Sun), thành viên Trung tâm Stimson; ông Xta-pơ-tơn Roi (Stapleton Roy), cựu Đại sứ Mỹ tại Xin-ga-po, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a. Hai học giả được mời với tư cách diễn giả chính đến từ Phi-líp-pin và Việt Nam là bà Ai-lin Ba-vi-ê-ra (Aileen Baviera), Giáo sư Trường Đại học Phi-líp-pin và Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Các học giả tham dự hội thảo đã đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là "đường chín đoạn". Ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, nhấn mạnh: “Đây là căn nguyên của mọi vấn đề” dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. Ông khẳng định, "đường chín đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không có vị trí địa lý rõ ràng, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc. Bản thân nội bộ Trung Quốc cũng còn quan điểm trái ngược về "đường chín đoạn". Ông Hoàng Anh Tuấn kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan cần yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ về "đường chín đoạn" này. Ông nhấn mạnh, thế giới “cần phải thấy "đường lưỡi bò" là phi pháp, không có cơ sở pháp lý. Như thế mới hết căng thẳng trong vùng Biển Đông”.

Viện trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động xâm lấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Cho đến nay, Trung Quốc vẫn hết sức hung hăng, cản phá, đâm vào các tàu, thuyền của Việt Nam và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ rút giàn khoan ra trước ngày 15-8 tới. Việt Nam đang tranh thủ tất cả mọi biện pháp, cơ hội có thể để giải quyết một cách hòa bình trong việc buộc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Trong các giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi có việc đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Trong khi đó, bà Ai-lin Ba-vi-ê-ra, Giáo sư Trường Đại học Phi-líp-pin, nhấn mạnh đến hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền trong khuôn khổ "đường chín đoạn" với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang. Ông R. Đe-li, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc, cho rằng, các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông vẫn chưa nhất trí với nhau về bản chất của các tranh chấp này và vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông cho rằng, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế mà dựa vào các “quyền lịch sử”. Ông đặt câu hỏi về vấn đề bằng chứng pháp lý ra sao, vai trò của luật pháp quốc tế và khuôn khổ nào để giúp giải quyết các tranh chấp này.

ASEAN có vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Về giải pháp đối với vấn đề Biển Đông, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và sự hỗ trợ của các nước lớn trong đó có Mỹ, trong việc củng cố sự đồng thuận và các thể chế của hiệp hội nhằm giúp giải quyết tranh chấp. Tuyên bố của ASEAN vừa qua về vấn đề Biển Đông là tuyên bố mạnh nhất từ trước tới nay. Các ngoại trưởng ASEAN đã nhấn mạnh, ASEAN đặc biệt quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, khẳng định việc giải quyết vấn đề Biển Đông trước tiên phải dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như các văn bản liên quan khác giữa Trung Quốc và ASEAN. Các học giả nhấn mạnh, cần sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và phải có cơ chế bảo đảm thực thi COC có hiệu quả. Về căng thẳng đang diễn ra hiện nay, một số học giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước, nhất là vai trò của truyền thông Trung Quốc cần có cái nhìn công bằng để dư luận nước này hiểu đúng đắn các căng thẳng và tranh chấp chủ quyền nói chung ở Biển Đông.

Căng thẳng trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới thương mại thế giới

Chiều 03-6, tại thủ đô Brúc-xen, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ - Việt phối hợp với Đại sứ quán ViệtNam tại đây tổ chức Hội thảo “Các sự kiện tại Biển Đông: Khía cạnh pháp lý và hệ lụy về thương mại”.

Tại cuộc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định, Việt Nam coi trọng đầu tư từ Bỉ và châu Âu. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Bỉ về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông.

Thay mặt Nhóm Các nghị sĩ EU, nghị sĩ Mác Ta-ra-ben-la (Marc Tarabella) phụ trách các vấn đề ASEAN tại Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Ông cho rằng, những căng thẳng trên biển sẽ ảnh hưởng tới thương mại trên thế giới. Ông Ta-ra-ben-la khẳng định, EU sẽ làm trung gian hòa giải trong vấn đề này nhằm giúp các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chung phù hợp.

Trong khi đó, tờ Sydney Morning Herald ngày 04-6 dẫn lời Thủ tướng Ô-xtrây-li-a T. Át-bót (Tony Abbott) cho biết, Ô-xtrây-li-a “cực lực phản đối” các hành động đơn phương ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan không có động thái nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Ông Át-bót nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, không một quốc gia nào nên tìm cách khiêu khích ở những khu vực đang có căng thẳng. Theo quan điểm của chúng tôi, mọi yêu sách lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tòa án trọng tài quốc tế đặt thời hạn để Bắc Kinh phản hồi đơn kiện của Phi-líp-pin

Tòa án trọng tài được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn, cơ quan nhận vụ kiện của Phi-líp-pin về tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc trên Biển Đông, đã đặt thời hạn cho Bắc Kinh trình phản luận cứ chính thức trước ngày 15-12 tới. Tòa án trên có trụ sở tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan), đặt ra thời hạn này bất chấp việc ngày 21-5 đã nhận được giác thư của Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc không chấp nhập vụ kiện do Ma-ni-la khởi xướng. Cơ quan pháp lý gồm 05 thành viên này khẳng định, họ có nghĩa vụ bảo đảm cho mỗi bên có "đầy đủ cơ hội để lắng nghe và trình bày vụ việc của mình".

Năm 2013, Phi-líp-pin đã trình lên Tòa án trọng tài quốc tế tài liệu dày 4000 trang, trong đó đưa ra chi tiết các luận cứ và bằng chứng pháp lý, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông - vốn không có giá trị và phi pháp, chiểu theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Phi-líp-pin cho biết, nước này đã phải đưa vụ kiện lên Tòa án trọng tài sau khi việc dàn xếp tranh chấp một cách hòa bình thông qua đàm phán với Bắc Kinh không đạt kết quả

Nguồn: TTXVN/qdnd.vn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.