Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 12/03/2014, 10:19 (GMT+7)
Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam
Cần huy động các nguồn lực cả trong nước lẫn quốc tế

Việt Nam đang nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong vấn đề này, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm để giúp họ thực sự hiểu và ủng hộ Việt Nam hơn nữa. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504) đã trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.  Ảnh: Xuân Cường

PV: Một số tổ chức quốc tế gợi ý Việt Nam nên sớm tham gia Công ước quốc tế cấm Bom đạn chùm (Convention on Cluster Munitions - CCM) để tăng cường các quan hệ đa phương, từ đó có sự ủng hộ hơn nữa với Việt Nam trong khắc phục bom mìn sau chiến tranh. Xin đồng chí cho biết, quan điểm của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 về vấn đề này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mục tiêu của Chương trình 504 là: “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom, mìn hòa nhập đời sống xã hội”.

Như vậy, việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng cho thành công của chương trình. Tới nay, việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam sử dụng tới 98% nguồn lực trong nước và chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Do đó, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 504 đã xây dựng một chiến lược vận động tài trợ quốc tế và đã tiến hành nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm làm cho các nhà tài trợ Chính phủ, phi chính phủ quốc tế hiểu rõ hơn tình hình ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, hiểu rõ hơn mục tiêu, kế hoạch hành động, quyết tâm và chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này và gia tăng hỗ trợ, tài trợ quốc tế trong thời gian tới.

Việc tham gia các điều ước, thỏa thuận quốc tế luôn cần phải được cân nhắc một cách thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật để  bảo đảm rằng, sau khi ký kết, Việt Nam sẽ thực hiện được và thực hiện một cách có trách nhiệm các điều ước này. Để tham gia một điều ước quốc tế nào đó, trước hết cần phải nghiên cứu, đánh giá tổng quan về lợi ích, hạn chế, lộ trình, thời gian và quan trọng nhất là xác định nguồn lực hỗ trợ cho thực hiện các nội dung của điều ước đó.

Cần nhấn mạnh, việc tham gia này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận động tài trợ nhưng không phải là điều kiện quyết định đến vấn đề tài trợ quốc tế cho khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế còn quan tâm đến rất nhiều vấn đề khác như mục tiêu, cơ chế chính sách, tính minh bạch, tính khả thi, tính nhân đạo, sự phù hợp của tiêu chuẩn khắc phục bom, mìn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế…

Mặc dù chưa tham gia ký kết Công ước cấm Bom đạn chùm nhưng Việt Nam luôn ủng hộ tính chất nhân đạo của Công ước này. Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều nội dung của Công ước như: Không sản xuất, sử dụng, tàng trữ, chuyển giao bom đạn chùm. Chúng ta đã và đang phải bỏ ra nhiều công sức và nguồn lực để tiêu hủy và làm sạch lượng bom đạn chùm còn lại sau chiến tranh. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bom mìn, trong đó có nạn nhân bom đạn chùm. Chúng ta sẽ cố gắng làm cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế hiểu rõ điều này.

PV: Là quốc gia chịu nhiều hậu quả của bom đạn chùm, Việt Nam có kiến nghị gì với chính nước đã sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh ở Việt Nam mà hiện vẫn chưa tham gia Công ước?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho rằng, không chỉ có Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã hoặc chưa tham gia Công ước cấm Bom đạn chùm đều lo ngại về việc này. Thứ nhất, Công ước không quy định trách nhiệm khắc phục hậu quả khi một quốc gia sử dụng bom đạn chùm gây ra cho một quốc gia khác. Thứ hai, một số quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh có khả năng chế tạo bom đạn chùm lại chưa tham gia Công ước. Do vậy, Công ước chưa ngăn chặn tận gốc việc mua bán, chuyển giao, sử dụng bom đạn chùm.

Công ước cũng không có điều khoản điều tiết, quy định bắt buộc gì với các nước đã sử dụng bom đạn chùm, mà chỉ yêu cầu các nước là nạn nhân của bom đạn chùm phải khắc phục hết bom đạn chùm với thời hạn 10 năm, nếu chưa xong phải xin gia hạn; trong khi các nước là nạn nhân bom đạn chùm đều là những nước bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, điều kiện khó khăn, nguồn lực hết sức hạn chế trong khi còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Các nước sản xuất và đã sử dụng bom đạn chùm thì không phải chịu trách nhiệm gì. Các nước là nạn nhân của bom đạn chùm nếu ký Công ước thì sẽ tự tạo ra một sức ép cho mình trong khi nhận được sự hỗ trợ không đáng kể so với nguồn lực tự bỏ ra để khắc phục hậu quả. Do vậy, cần đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Công ước quy định trách nhiệm đối với các nước đã sử dụng bom đạn chùm.

Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh)
rà phá vật liệu nổ tại Tràng Định, Lạng Sơn.  Ảnh: Phú Sơn

PV: Khi vận động Việt Nam tham gia Công ước trên, có nước nào ngỏ ý sẽ hỗ trợ kỹ thuật hay các hình thức khác để Việt Nam tham gia Công ước?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mặc dù Việt Nam chưa tham gia Công ước nhưng cũng đã có những dự án tài trợ, hỗ trợ cho việc điều tra khảo sát đánh giá tình hình ô nhiễm bom đạn, trong đó có bom đạn chùm ở Việt Nam, đó là các dự án của Tổ chức quốc tế Hoa Kỳ (IC, tiền thân là Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam-VVAF), Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), Trung tâm khắc phục bom mìn nhân đạo quốc tế Giơ-ne-vơ (GICHD) nhưng mới chỉ ở quy mô rất khiêm tốn. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận được các hỗ trợ quốc tế khác để Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Công ước hoặc tham gia các Hội nghị quốc tế về bom đạn chùm…

Cho đến nay hầu hết các nước, tổ chức quốc tế khi vận động Việt Nam tham gia Công ước cũng chỉ nói là khi tham gia Công ước sẽ nhận được rất nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các nước và các tổ chức quốc tế. Hiện chưa có nước nào ngỏ ý sẽ hỗ trợ kỹ thuật hay các hình thức hỗ trợ khác cho Việt Nam.

PV: Xin đồng chí cho biết, những kết quả mà Chương trình 504 đã thực hiện và hướng hoạt động trong giai đoạn tới?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chương trình 504 đã cơ bản hình thành bộ máy tổ chức của Ban chỉ đạo và Cơ quan Thường trực; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ triển khai Quyết định 738/QĐ-TTg; xây dựng Nghị định Quản lý khắc phục bom mìn; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy chế; biên soạn Bộ tiêu chuẩn khắc phục bom mìn quốc gia; xây dựng đề án thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Trung tâm dữ liệu bom mìn quốc gia, Hội và Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Sắp tới, chúng ta sẽ ra mắt trang thông tin điện tử (website) của VNMAC và cũng là kênh thông tin chính thức của Chương trình.

Chúng ta đã tiếp xúc, vận động hỗ trợ tài trợ với nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Đức và đang xây dựng chương trình làm việc với Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó đáng chú ý là đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong khắc phục hậu quả bom mìn với Chính phủ Mỹ (12-2013) và với Trung tâm khắc phục bom mìn nhân đạo quốc tế Giơ-ne-vơ; thống nhất khung và dự thảo kế hoạch hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); đề xuất thành lập Nhóm đối tác các nhà tài trợ. Đặc biệt, chúng ta đã đưa sáng kiến thành lập Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và là đồng chủ trì cùng với Ấn Độ trong nhiệm kỳ hai năm đầu tiên. Chương trình cũng đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nước và quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian tới, Chương trình tiếp tục chủ động làm việc với các nhà tài trợ quốc tế để đàm phán, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ song phương, đa phương hoặc đưa vào hợp tác của Chính phủ; tham dự các hội nghị quốc tế liên quan; tổ chức làm việc, đàm phán ký ghi nhớ với Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a; xây dựng chương trình hợp tác với Ấn Độ và mở rộng ra một số nước, tổ chức quốc tế khác.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các kế hoạch vận động tài trợ; tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ cấp chính phủ vào nửa đầu tháng 3-2014, kết hợp giao lưu truyền hình, ra mắt VNMAC, Nhóm đối tác khắc phục bom mìn, Ban vận động thành lập Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và trang thông tin điện tử Chương trình 504.

PV: Đồng chí có thể cho biết, một số biện pháp cụ thể để thu hút hơn nữa hỗ trợ quốc tế khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam cho dù còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế nhưng cũng hết sức quý báu và đáng được trân trọng. Đặc biệt, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nâng cao năng lực tổ chức, quản lý vĩ mô và một số vấn đề về công nghệ đã mang lại những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Chúng ta hy vọng rằng, trong những năm sắp tới, Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ quốc tế hơn nữa. Để đạt được mong muốn này, Cơ quan Thường trực đang phối hợp xúc tiến hình thành một chiến lược vận động tài trợ quốc tế trình Ban chỉ đạo 504 phê duyệt. Cơ quan Thường trực đã thành lập Tiểu ban Vận động tài trợ và Tiểu ban Quan hệ quốc tế để tham mưu và triển khai kế hoạch vận động tài trợ ở cấp quốc gia, xin chủ trương xây dựng đề án thành lập Nhóm đối tác các nhà tài trợ quốc tế cho khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.

Trong thời kỳ hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế Việt Nam sẽ nghiên cứu cố gắng tham gia các điều ước, thỏa thuận quốc tế, các cam kết song phương, đa phương để cùng thế giới giải quyết những vấn đề chung với quan điểm Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và cộng đồng quốc tế, mong muốn tạo ra một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi tin chắc rằng, trong năm 2014, chúng ta sẽ thu được những kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: qdnd.vn

TAG

bom,mìn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.