Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 04/05/2013, 09:05 (GMT+7)
Bộ trưởng trả lời phóng viên báo chí về trọng tâm, kết quả và những đóng góp của Đoàn Việt Nam vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei

Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Chiều 25-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phóng viên báo chí về trọng tâm, kết quả và những đóng góp của Đoàn Việt Nam vào thành công của Hội nghị.

- Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm và kết quả của hội nghị lần này?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 diễn ra tại Bandar Seri Begawan của Brunei từ ngày 24 đến 25 tháng 4 năm 2013. Đây là Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2013 của Brunei, với chủ đề "ASEAN - Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta."

Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN đã bàn về phương hướng và các trọng tâm ưu tiên của ASEAN, nhất là về xây dựng Cộng đồng, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN ở khu vực, mở rộng quan hệ đối ngoại, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trên tinh thần làm việc tích cực và khẩn trương, Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý là:

Một là, lãnh đạo các nước ASEAN đã thể hiện sự nhất trí cao về các định hướng ưu tiên của ASEAN và đã cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề mang tầm chiến lược ở khu vực, trong đó có đẩy mạnh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng tương lai của Hiệp hội; tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; khẳng định ASEAN cần phải tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói chung về các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Hai là, về xây dựng cộng đồng ASEAN, các lãnh đạo nhất trí quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN, trên cả 03 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, cũng như triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác của ASEAN ở tầm quốc gia và khu vực, trong đó có Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Chương trình công tác về thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời, ASEAN cần chuẩn bị các tiền đề và cơ sở cần thiết cũng như định hướng tầm nhìn của Hiệp hội cho cả giai đoạn sau năm 2015.

Các nước cũng nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, quảng bá về ASEAN và Cộng đồng ASEAN, thông qua các biện pháp về nâng cao hiểu biết và ý thức cộng đồng, cũng như: tăng cường sự hiện diện của ASEAN trong công chúng với một số sáng kiến cụ thể như: Cổng xuất nhập cảnh ASEAN tại các cửa khẩu, Thẻ Doanh nhân ASEAN, giao lưu nhân dân, thể thao, văn hóa...

Ba là, đối với các vấn đề quan trọng của khu vực, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và phát huy tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác về chính trị - an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở khu vực Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... đồng thời tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, cũng như trong các khuôn khổ hợp tác khu vực có liên quan như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, Cấp cao Đông Á (EAS)...

Bốn là, trong dịp này, lãnh đạo các nước cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề Biển Đông, và đây là vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN và liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực. 

Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh các quan điểm và nguyên tắc chung của ASEAN, bao gồm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Hội nghị Cấp cao đã giao các Bộ trưởng tích cực trao đổi với Trung Quốc nhằm sớm thúc đẩy đàm phán ASEAN - Trung Quốc về xây dựng Bộ Quy tắc, nhất là tranh thủ dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc năm 2013.

Năm là, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ của ASEAN với các đối tác nhằm tranh thủ sự hỗ trợ cho các nỗ lực của ASEAN về xây dựng Cộng đồng cũng như khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp tích cực vào hợp tác khu vực, vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Các nước cũng nhất trí ASEAN cần tiếp tục phối hợp với các đối tác nhằm triển khai hiệu quả các sáng kiến, chương trình, kế hoạch hợp tác đã đề ra; chuẩn bị tốt cho các Hội nghị cấp cao với các đối tác trong năm 2013, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Australia... và triển khai các hoạt động kỷ niệm quan hệ, như 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc và 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản...

- Xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao dịp này. Với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, Đoàn ta đã đóng góp chủ động và tích cực vào các chủ đề trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 và về các định hướng trọng tâm ưu tiên của ASEAN năm 2013, trong đó có: (i) xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển; (ii) tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình vả về các vấn đề quan trọng có liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; (iii) thúc đẩy và mở rộng hợp tác với các đối tác nhằm khuyến khích các đối tác tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đóng góp xây dựng vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Đoàn Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh và đóng góp tích cực vào việc tăng cường đoàn kết của ASEAN trên cơ sở Hiến chương và các mục tiêu chung của ASEAN, cũng như vào việc phát huy vai trò của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có việc thúc đẩy và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử ở khu vực vì các mục tiêu này.

Về Biển Đông, đoàn Việt Nam khẳng định ASEAN cần tiếp tục bảo đảm tiếng nói chung và vai trò chủ đạo trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nguyên tắc chung của ASEAN về Biển Đông, nhất là ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những đóng góp tích cực và xây dựng của Đoàn Việt Nam đã được Chủ tịch và các nước ASEAN đánh giá cao. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều tiếp xúc song phương để trao đổi về tăng cường hợp tác song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./. 

 

 

Nguồn: mofa.gov.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.