Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 22/02/2017, 17:33 (GMT+7)
Bế mạc phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 21-02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ bảy, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên họp thứ bảy với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp, mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn rà soát lại các điều, khoản của dự án. Hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời, trình xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Đối với dự án Luật Thủy lợi, đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm thống nhất với các luật liên quan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định. Đối với báo cáo của Chính phủ về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội phối hợp các cơ quan của Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, tích cực chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra tháng 3-2017.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến nêu rõ, việc bổ sung các xã được ưu tiên sẽ dùng nguồn dự phòng, không ảnh hưởng đến tổng nguồn đã phân bổ cho chương trình và thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Trong tổng số 1.244 xã được đề nghị thì có 544 xã đã nằm trong diện ưu tiên của Nghị quyết 100, có 266 xã đã đạt đủ tiêu chí, cho nên thực chất chỉ còn 434 xã cần được đề nghị ưu tiên phân bổ từ nguồn dự phòng. Tuy nhiên, việc lập luận về sự cần thiết như Tờ trình là chưa thật sự thuyết phục, cần nêu rõ căn cứ để ưu tiên, làm rõ những xã nào, vùng nào cần hỗ trợ và mức hỗ trợ là bao nhiêu, vì trên thực tế nhiều địa phương khác cũng rất khó khăn, chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời, tránh tình trạng chính sách “chồng” chính sách, trùng lặp về nội dung, mục tiêu.

Về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các đại biểu nêu rõ, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và Luật Đầu tư công. Đồng thời chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện luật định, nhất là về thanh toán nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước, mức vốn bố trí, cam kết bố trí phần vốn còn lại, bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; việc cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015, như: dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.