Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Chủ Nhật, 15/07/2018, 15:17 (GMT+7)
Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chiều 13-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 25.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 dự án luật; xem xét, thông qua 7 nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp, Chính phủ, thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án và tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết đã thông qua để ký ban hành.

Những vấn đề còn có nội dung ý kiến khác nhau thì sẽ được khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh. Riêng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ chủ trì làm việc với các cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng bàn những nội dung còn có ý kiến khác nhau để tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

* Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ.

Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Theo Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV do Tổng thư ký-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 22-10, trong vòng 21 ngày làm việc; trong đó, dự kiến, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày cho công tác lập pháp; hơn 9 ngày cho các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo ngay từ giữa tháng 7-2018.

Riêng về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sẽ không chọn một số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn như thông lệ. Tại Kỳ họp thứ 6, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ sẽ được chất vấn về việc thực hiện lời hứa đưa ra tại những phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thời điểm chất vấn được đề nghị tổ chức vào khoảng 1/3 thời gian cuối của kỳ họp.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo
Trong hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.