Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 20/03/2018, 08:39 (GMT+7)
Bế mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

Ngày 19-3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về những vấn đề được đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi sáng, phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành. Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tập trung vào các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định bảo đảm chất lượng các đề án, dự án luật. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ các giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn về các giải pháp bảo đảm chất lượng ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, để ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính khả thi, trong quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan nhà nước phải nêu cao tinh thần gương mẫu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Thời gian tới cần tăng tính chủ động của cơ quan chủ trì soạn thảo, nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành đến tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm "đến cùng" của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Tham mưu giúp Chính phủ lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi...

Kết luận nội dung chất vấn buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác thẩm định đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ. Ðồng thời đề nghị tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm sự thống nhất về nội dung các dự án luật, hạn chế tình trạng phải lùi thời hạn trình. Các bộ, ngành cần tăng cường vai trò, hoạt động của cơ quan pháp chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống…

Buổi chiều, dưới sự điều hành của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chung quanh nhiều nội dung: về hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng Khoa học và Công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam tham gia phát biểu ý kiến về những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ðể lĩnh vực Khoa học và Công nghệ nước ta đạt những thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, không chỉ riêng lĩnh vực khoa học, thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, nghiên cứu các yếu tố về thị trường, dịch vụ và hàng hóa, nguồn nhân lực... góp phần tăng năng suất lao động. Cần có cơ chế thiết thực hơn để các doanh nghiệp tham gia tích cực, giữ vai trò trung tâm trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ...

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Bộ trưởng KH và CN, sự phối hợp và đóng góp tích cực của các đồng chí bộ trưởng liên quan lĩnh vực. Quản lý hoạt động Khoa học và Công nghệ thời gian qua đã có nhiều đổi mới, từng bước bắt kịp xu thế phát triển, chú trọng hơn hiệu quả ứng dụng và đã thực hiện từng bước thương mại hóa kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ trong thực tiễn để khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và đầu tư cho Khoa học và Công nghệ cũng như ứng dụng Khoa học và Công nghệ. Thời gian tới, cần có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với hai bộ trưởng đã kết thúc. Phát biểu bế mạc phiên họp 22, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Các nhóm vấn đề được lựa chọn là những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Với tinh thần không ngừng đổi mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này. Qua đó, tạo sự tương tác nhiều hơn giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, nâng cao hơn trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Việc thí điểm này tiếp tục được đánh giá, rút kinh nghiệm để có căn cứ báo cáo Quốc hội cho thực hiện tại kỳ họp thứ năm sắp tới.

Ðể có cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp đã cam kết và báo cáo kết quả với Quốc hội tại các kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm gửi thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn đến các cơ quan hữu quan. Ðề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành; tổ chức hoạt động giải trình về những vấn đề cần thiết trong lĩnh vực phụ trách để kịp thời có giải pháp xử lý bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau phiên họp này, tại phiên họp thứ 23 (vào tháng 4) sẽ cho ý kiến 12 dự án luật cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Các dự án luật trình lần đầu tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp thứ 23 để kịp tiếp thu, chỉnh lý gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp thứ 24 (vào tháng 5) sẽ tập trung cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét, rà soát đối với một số dự án luật. Ðề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị các dự án luật bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11
Sáng 13/9, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể 1 với chủ đề “Hợp tác an ninh và sự phồn vinh, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.