Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 18/10/2014, 09:22 (GMT+7)
Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEM 10
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng I-ta-li-a M.Ren-di bên lề
Hội nghị ASEM 10. Ảnh: ÐỨC TÁM (TTXVN)

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc lãnh đạo nhiều nước

Tối 17-10, sau hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị cấp cao ASEM 10 kết thúc tốt đẹp, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Mi-lan (I-ta-li-a). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và thế giới, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn thời gian tới. Các nhà lãnh đạo thông qua 27 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập 16 nhóm hợp tác chuyên ngành nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó, có ba sáng kiến mới của Việt Nam, gồm: "Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực"; "Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo" và "Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững". Hội nghị đánh giá cao tính thiết thực của các sáng kiến của Việt Nam và nhiều thành viên đã tham gia đồng bảo trợ.

Tại Lễ bế mạc, các thành viên hoan nghênh và chúc mừng Mông Cổ đăng cai Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 năm 2016 và Luých-xăm-bua tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 năm 2015, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các hội nghị. Ðây là hai hội nghị có ý nghĩa quan trọng, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM (1996 - 2016).

* Trước đó, các nhà lãnh đạo tiến hành Phiên họp về "Tăng cường đối thoại và hợp tác Á - Âu và tương lai ASEM". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp.

Phiên họp tập trung thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán người, an ninh hàng hải, cướp biển... Các thành viên chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, tại các nước: Li-bi, Xy-ri, I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Bán đảo Triều Tiên... Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Ðông và biển Hoa Ðông. Do đó, Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hội nghị đặc biệt đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực, hoàn tất Cộng đồng ASEAN năm 2015, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Các nhà lãnh đạo đề cao nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU) và các đối tác khác ở châu Âu, thể hiện sinh động qua kết quả đạt được tại Cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN - EU tổ chức ngày 16-10, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEM 10.

* Bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Mi-lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước, thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tại Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các bộ, ngành, địa phương; thống nhất các biện pháp cụ thể tạo xung lực mới cho mối quan hệ Ðối tác chiến lược, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ khối Pháp ngữ, trong đó có việc dạy tiếng Pháp tại Việt Nam và dạy tiếng Việt cho người Pháp gốc Việt tại Pháp. Hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Pa-ri năm 2015. Tổng thống Ô-lăng-đơ nhất trí về tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

* Trong Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng I-ta-li-a M.Ren-di, Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEM 10, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a; đánh giá cao việc triển khai các nội dung hợp tác song phương; nhất trí đưa hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Ðối tác chiến lược. Hai Thủ tướng trao đổi và thống nhất các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác, đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên năm tỷ USD năm 2015. Hai bên duy trì và triển khai các cơ chế tham vấn, trước mắt tổ chức tốt Cuộc họp lần thứ Nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - I-ta-li-a về hợp tác kinh tế và Ðối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng tháng 11 tới tại Hà Nội.

Lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng I-ta-li-a khẳng định ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. I-ta-li-a khẳng định tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa EU và Việt Nam, ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

* Tại Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Thụy Sĩ Ð.Buốc-han-tơ, lãnh đạo hai nước đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả và chặt chẽ trên cả bình diện song phương và đa phương; nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển; đẩy nhanh đàm phán ký kết FTA giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ mở rộng kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa chất, dược phẩm. Tổng thống Thụy Sĩ mong muốn sớm thăm Việt Nam.

* Tại Cuộc gặp Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lếp-ven, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa chúc mừng Ngài Lếp-ven được bầu giữ chức Thủ tướng Thụy Ðiển và cảm ơn về những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển dành cho Việt Nam. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp tạo điều kiện để các nhà đầu tư hai nước hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ ODA của Thụy Ðiển, nhất là trong lĩnh vực y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

* Trong Cuộc trao đổi với Thủ tướng Ai-len E.Ken-ni, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả các dự án ODA do Chính phủ Ai-len tài trợ và đề nghị Ai-len tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả bom mìn. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân... Ai-len sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Phần Lan A.Xtúp nhất trí phối hợp thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, tập trung vào một số nội dung cụ thể, như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn kinh tế, doanh nghiệp để hai bên tìm hiểu thông tin và cơ hội hợp tác; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển đã thỏa thuận đến năm 2016 và xác định định hướng hợp tác tiếp theo. Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế; nhất trí tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nhân dịp này, Thủ tướng A.Xtúp nhắc lại lời mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Phần Lan.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ đánh giá quan hệ hợp tác song phương được triển khai rất năng động và hiệu quả, thể hiện qua kết quả của các chuyến thăm vừa qua giữa lãnh đạo hai nước. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, dịch vụ hậu cần và đóng tàu...

* Tại Cuộc gặp Thủ tướng Luých-xăm-bua X.Bét-ten, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hợp tác kinh tế với Luých-xăm-bua; cảm ơn Luých-xăm-bua dành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong hợp tác phát triển. Thủ tướng Bét-ten khẳng định Luých-xăm-bua coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẽ phối hợp thúc đẩy EU sớm phê chuẩn PCA và hoàn tất đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch, tăng trưởng xanh, vệ tinh.

* Trong Cuộc gặp Thủ tướng Ba Lan E.Cô-pát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Ba Lan tại châu Âu và thế giới, thể hiện qua việc nguyên Thủ tướng Ba Lan Ð.Tút-xcơ vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Hai Thủ tướng nhất trí trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, tài chính, nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn PCA và thúc đẩy hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam - EU.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên hoan nghênh những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác Mi-an-ma - Việt Nam ký tháng 4-2014, sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Mi-an-ma và ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng; hợp tác thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Ðông, thực hiện đầy đủ DOC và đàm phán thực chất để sớm đạt COC.

* Tại Cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Ngài Pray-út Chan Ô-cha được bổ nhiệm làm Thủ tướng Vương quốc Thái Lan và hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Pray-út. Hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các biện pháp đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả hơn, như tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, đưa kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD năm 2020; sớm ký các thỏa thuận hợp tác về lao động, thể thao, khoa học - công nghệ... Thái Lan đề nghị hai bên cùng khuyến khích và dành ưu đãi cho doanh nghiệp của nhau về đầu tư, nhất trí tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và các hoạt động hợp tác lao động; khẳng định tiếp tục phối hợp Việt Nam và các nước ASEAN trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; và trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp xúc lãnh đạo các nước: Ca-dắc-xtan, Mông Cổ, Ô-xtrây-li-a, Xlô-vê-ni-a, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri và Na Uy.

Thủ tướng chúc mừng Ca-dắc-xtan trở thành thành viên của ASEM. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như hợp tác năng lượng, dầu khí, tăng cường trao đổi thương mại. Thủ tướng chúc Mông Cổ chuẩn bị tốt Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 (ASEM 11); khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm để Mông Cổ đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà ASEM 11.

Với Ô-xtrây-li-a, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Phía Ô-xtrây-li-a khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hung-ga-ri V.O-ban nhất trí về các biện pháp củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục. Thủ tướng V.O-ban bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam. Việt Nam và Bun-ga-ri nhất trí củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao, mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật và giáo dục đào tạo. Việt Nam và Xlô-vê-ni-a cũng nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa các bộ, ngành, nhất là hợp tác kinh tế...

* Trong khuôn khổ hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEM 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp xúc song phương Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin A.Rô-gia-ri-ô và Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy B.Bren-đe. Tại các cuộc gặp, Việt Nam và Phi-li-pin đánh giá quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau ngày càng tăng và cho rằng cần nỗ lực đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, hướng tới đối tác chiến lược. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN năm 2015, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đoàn kết, tiếng nói chung của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh chung của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Ðông.

Việt Nam và Na Uy nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, kinh doanh và đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, năng lượng, thủy sản, thông tin truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là thành viên...

* Cũng nhân dịp này, tại Mi-lan, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Hội đồng tỉnh Tun-chê-a của Ru-ma-ni đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác, trong đó, hai bên phối hợp triển khai các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác Mê Công - Ða-nuýp của ASEM về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường xuyên quốc gia, du lịch sinh thái... Ðây là hoạt động hợp tác cấp địa phương đầu tiên giữa Việt Nam với nước thành viên EU trong khuôn khổ hợp tác liên tiểu vùng của ASEM.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.