Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 29/08/2014, 09:32 (GMT+7)
Bế mạc Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 tại Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh (ngồi giữa),
Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tham dự diễn đàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 28-8, Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) đã diễn ra tại Đà Nẵng và bế mạc chiều cùng ngày với sự tham gia của hơn 100 đại diện Chính phủ, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ 18 nước thuộc khuôn khổ cấp cao Đông Á (EAS) gồm của các nước ASEAN và đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ). 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn.

Về kiểm điểm và định hướng hợp tác, các nước đều đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được tại 02 kỳ Hội nghị trước của Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng. Trong bối cảnh tình hình các vùng biển trong khu vực gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, EAMF đã và đang phát huy vai trò là diễn đàn thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin về an ninh biển. 

Song để thực sự đóng góp hữu hiệu hơn nữa, diễn đàn cần chủ động, tích cực đề xuất những khuyến nghị chính sách thiết thực, sát với các những nội dung hợp tác của ASEAN với các đối tác, góp phần hỗ trợ khu vực trong việc ứng phó kịp thời với những thách thức đặt ra, bảo vệ được môi trường hòa bình, ổn định và tạo dựng được lòng tin.

Diễn đàn lần này vừa kế thừa, phát huy những mục tiêu đã đặt ra từ trước, như: tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, xác định các lĩnh vực hợp tác và tạo khung chính trị cho hợp tác biển. 

Mặt khác, Diễn đàn tiếp tục đổi mới, nhấn mạnh hơn vào các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm cho Luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển thực sự được áp dụng trên thực tế; đồng thời, khu vực cần có các biện pháp hợp tác nhằm đối phó tốt hơn với những sự cố như thiên tai hay tai nạn liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải. Diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm về cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm, cứu hộ liên quan đến cơn bão Hải Yến, vụ tai nạn máy bay MH 370.

Đối với các lĩnh vực hợp tác cụ thể, các nước tập trung vào một số lĩnh vực thiết thực, được nhiều nước quan tâm và có tác dụng tích cực trong việc tăng cường xây dựng lòng tin, cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn; trong đó có việc hỗ trợ và đối xử nhân đạo với ngư dân và thiết lập cơ sở đường dây nóng, cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi hải sản, hợp tác đánh bắt cá...

Nhân dịp 20 năm thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), các nước đã đánh giá về việc thực hiện UNCLOS ở khu vực, nhấn mạnh về những nguyên tắc, quy định của UNCLOS có thể được áp dụng tại khu vực; chia sẻ các kinh nghiệm và hướng hợp tác để đảm bảo thực hiện hiệu quả UNCLOS trong bối cảnh diễn biến phức tạp trên biển ở khu vực hiện nay.

Vấn đề bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là trọng tâm ưu tiên của Diễn đàn. Để làm được như vậy, Diễn đàn đề cao việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, UNCLOS cũng như các cam kết khu vực, đặc biệt là thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử DOC, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. 

Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện kiềm chế, ngăn ngừa việc tái diễn các vụ việc phức tạp ở Biển Đông. Theo đó, các đại biểu hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào bàn việc cụ thể hóa các quy định tại Điều 5 của DOC, về thực hiện kiềm chế và không có hành động làm phức tạp tình hình; đồng thời, thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm có Bộ Quy tắc COC. 

Các nước nhấn mạnh sự cần thiết có cơ chế bảo đảm thực hiện cũng như có hoạt động hợp tác thiết thực để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý sự cố như tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo cho tàu thuyền đi biển gặp nạn, trong đó đối xử nhân đạo với ngư dân, thiết lập đường dây nóng.

Tại các hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm tốt vai trò vừa là nước chủ nhà, điều hành thảo luận tại diễn đàn, vừa có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong vai trò là một thành viên tích cực của Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng. 

Những đề xuất chủ đề của hai diễn đàn lần này phù hợp với tình hình khu vực và sự quan tâm chung của các nước tham dự, được các nước đánh giá cao, góp phần thúc đẩy hợp tác về bảo đảm an ninh và xây dựng lòng tin ở khu vực.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá cao kết quả của Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF); nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải, cũng như đánh giá cao nỗ lực của các nước, nhất là trước các diễn biến phức tạp ở khu vực.

Thứ trưởng chia sẻ với phát biểu của các nước về sự cần thiết của việc tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc, ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển...

Thứ trưởng cho rằng, xây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác biển, trong đó có các lĩnh vực như quản lý thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu nạn… Đồng thời, AMF và EAMF cần tiếp tục phát huy vai trò là kênh bổ trợ cho các diễn đàn hiện có, đặc biệt trong các vấn đề chiến lược và liên ngành với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Theo đó, các kết quả và kiến nghị của các diễn đàn cần được chia sẻ và gắn kết với các kênh chính thức của ASEAN.

Diễn đàn Biển Mở rộng ASEAN được thành lập từ năm 2012, nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác Đông Á về bảo đảm an ninh hàng hải, thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác biển. 

Trên cơ sở đó, tại Hội nghị lần này, các nước đã tập trung thảo luận vào các nội dung cụ thể về cập nhật, trao đổi, đánh giá về tình hình hợp tác biển hiện nay của khu vực; tăng cường hợp tác nhằm ứng phó kịp thời với những thảm họa và va chạm trên biển. 

Các nước tăng cường an ninh, an toàn và tự do hàng hải thông qua việc triển khai hữu hiệu các biện pháp xây dựng lòng tin, cũng như các công cụ khu vực nhằm ngăn ngừa và kiểm soát xung độ; kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị nhân dịp 20 năm thực hiện UNCLOS.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.