Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Bảy, 09/05/2015, 21:01 (GMT+7)
70 năm Chiến thắng phát-xít: Không thể quên ơn Hồng quân Liên Xô
 

Tròn 70 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử 0 giờ 43 phút ngày 09-5-1945 (theo giờ Moskva), khi đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. 

Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phát-xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).

Nhân loại sẽ còn nhắc tới Chiến tranh Thế giới thứ Hai như một cuộc chiến tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, đau thương nhất với quy mô rộng lớn nhất. Mở màn bằng sự kiện phát-xít Đức tấn công Ba Lan ngày 01-9-1939, cuộc chiến kéo dài gần 6 năm đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60 triệu người và lan tới hầu hết các châu lục, trong đó riêng châu Âu đã biến thành “lò lửa chiến tranh.” 

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, với tham vọng mở ra "kỷ nguyên thống trị của nước Đức trên Trái Đất,” đội quân phát-xít đã thôn tính phần lớn lục địa châu Âu, chiếm hơn 10 quốc gia.

Một trong những trang đen tối nhất của cuộc chiến, ghi dấu tội ác man rợ của chủ nghĩa phát-xít, phải kể tới các trại tập trung tử thần trên khắp châu Âu, nơi người Do Thái bị thảm sát hàng loạt. 

Hơn 6 triệu người Do Thái và các dân tộc bị Đức quốc xã coi là “hạ đẳng” đã bị sát hại bằng những hình thức tàn bạo nhất trong hàng nghìn trại tập trung của phát-xít. Riêng tại trại tập trung lớn nhất Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan, hơn 2 triệu người đã trở thành nạn nhân của chính sách “diệt chủng người Do Thái.” Bởi vậy, chiến thắng ngày 09-5-1945 có ý nghĩa trọng đại, cứu cả loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít.

Chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai là chiến công của phe đồng minh chống phát-xít, song sự thật lịch sử đã chứng minh Liên Xô đóng vai trò quan trọng và to lớn mang tính quyết định đối với chiến thắng này. 

Ngày Chiến thắng 9/5 chỉ có được với sự hy sinh cao cả, lòng dũng cảm vô song của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kéo dài 1.418 ngày đêm, bắt đầu từ khi quân đội Đức phát-xít bất ngờ tấn công Liên Xô rạng sáng 22-6-1941.

Đức quốc xã đã huy động lực lượng đông nhất, mạnh nhất, tinh nhuệ nhất, được trang bị hiện đại nhất, gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4,3 nghìn xe tăng-thiết giáp, 47.000 pháo, gần 5.000 máy bay, 192 tàu chiến cho chiến trường Liên Xô.

Ngày Chiến thắng 09-5 được khởi nguồn từ những trận chiến đã đi vào lịch sự quân sự thế giới trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Đó là trận chiến bảo vệ Moskva kéo dài 7 tháng, từ tháng 09-1941, Hồng quân Liên Xô đã đập tan kế hoạch ban đầu của Đức quốc xã là đánh chớp nhoáng để tiến vào Moskva và diễu binh trên quảng trường Đỏ. 

Đó là chiến dịch phòng ngự-phản công Kursk với trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến. 

Cũng không thể không nhắc tới chiến dịch Stalingrad kéo dài tổng cộng 200 ngày đêm, được xem là trận độ sức quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, khi Hồng quân Liên Xô đánh tan hơn 1,2 triệu quân Đức (chiếm gần 1/4 quân Đức trên toàn mặt trận Liên Xô), từ đó tạo bước ngoặt cơ bản trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Có thể khẳng định chiến thắng của quân và dân Liên Xô chống lại quân đội phát-xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã làm thay đổi cục diện Chiến tranh Thế giới thứ Hai, góp phần khích lệ các lực lượng đồng minh chống phát-xít trên mặt trận thứ hai, mà điển hình là cuộc đổ bộ của phe đồng minh lên bãi biển Normandy của Pháp. 

Mùa Hè năm 1944, sau khi đẩy lùi toàn bộ quân đội phát-xít ra khỏi Liên Xô, Hồng quân bắt đầu các trận đánh giải phóng các nước châu Âu, trong đó có chiến dịch tiến công chiến lược diễn ra ngay tại sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức. Gần 8.000 chiến sỹ Hồng quân mãi mãi nằm lại trên đất Đức trong trận đánh cuối cùng giải phóng Berlin, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai trên chiến trường châu Âu.

Không chỉ chấm dứt chiến tranh, thắng lợi lịch sử trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cũng tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước đang chịu ách áp bức xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đưa thế giới chuyển sang thời kỳ mới. 

Chiến thắng phát-xít Đức đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Để đi đến Ngày Chiến thắng, nhân dân Liên Xô phải hứng chịu những hy sinh, mất mát to lớn nhất, những tổn thất không thể bù đắp nổi. 

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Các thế hệ sau sẽ mãi còn được nghe kể lại những câu chuyện tưởng như huyền thoại về 900 ngày đêm người dân thành phố Leningrad, nay là Saint Petersburg kiên cường vượt qua cuộc phong tỏa của phát-xít Đức. 

Cả thành phố bị quân thù bao vây, đường tiếp tế bị cắt đứt, dưới mưa bom và đạn pháo, trong giá rét và đói khát, với khẩu phần 125 gram bánh mì mỗi ngày suốt những tháng mùa Đông khắc nghiệt nhất của giai đoạn cuối năm 1941 đầu năm 1942. 

Hàng trăm nghìn người dân Leningrad đã bị chết đói, hàng chục nghìn người thiệt mạng do bom đạn, song thành phố anh hùng không chịu khuất phục. Vinh quang mãi mãi thuộc về thế hệ đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh vì Tổ quốc và giải phóng cả châu Âu khỏi ách phát-xít.

Bảy thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ý nghĩa lịch sử của Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn trường tồn, những bài học từ sự kiện trọng đại này vẫn còn nóng hổi, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động hết sức phức tạp.

Đâu đó trên Trái Đất, tiếng súng của chiến tranh xung đột vẫn nổ, khủng bố, cực đoan vẫn là mối nguy cơ thường trực đe dọa cuộc sống bình yên. Những biểu hiện của chủ nghĩa phát-xít mới, của tư tưởng bài ngoại, hận thù tôn giáo, sắc tộc.. vẫn hiệu hữu ở nhiều nơi, ngay cả ở những nước phát triển. Trong khi đó, một số thế lực đang mưu toan viết lại lịch sử cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai hòng phục vụ cho những ý đồ chính trị riêng.

Những ngày tháng đau thương nhất của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã lùi xa, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, nhưng nhân loại thì không bao giờ được phép lãng quên công ơn của những người đã làm nên chiến công hiển hách 70 năm trước. 

Chiến thắng ngày 09-5-1945 cùng sự hy sinh to lớn của quân dân Liên Xô và lực lượng đồng minh vẫn ghi dấu sâu đậm như những trang sử hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh vì hòa bình trên toàn thế giới.

Những ngày tháng 5 này, ở Nga, các nước châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, hoa tươi được đặt bên tượng đài Hồng quân Liên Xô, ở mộ các chiến sỹ vô danh.... 

Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng năm nay trên quảng trường Đỏ sẽ là một buổi lễ quy mô, hoành tráng. Tất cả để tôn vinh chiến công vĩ đại của nhân dân Liên Xô và phe đồng mình cách đây 70 năm, để tưởng nhớ, để tự hào và để biết trân trọng giá trị của hòa bình. Ngày Chiến thắng thiêng liêng cũng là dịp để nhắc nhở cộng đồng quốc tế không được để tái diễn thảm họa phát-xít dưới bất kỳ hình thức nào./.

 

Nguồn: Vietnam+/TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.