QPTD -Thứ Ba, 29/12/2020, 08:07 (GMT+7)
Thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ, Trường Sĩ quan Chính trị thi đua “dạy tốt, học tốt”

“Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”1. Khắc ghi lời huấn thị của Bác, Trường Sĩ quan Chính trị luôn đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ chính trị cấp phân đội trong toàn quân.

Học viên tập bài xử lý tình huống Công tác Đảng, công tác chính trị trong
huấn luyện chiến thuật

Trường Sĩ quan Chính trị ra đời ngay sau Đại thắng mùa Xuân năm 19752. Gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Các thế hệ cán bộ được đào tạo tại Nhà trường luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác tốt, thể hiện đúng cương vị là người chủ trì về chính trị, “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là “người anh, người chị, người bạn” của bộ đội, nhiều đồng chí đã phát triển, giữ những cương vị trọng trách ở các các cơ quan, đơn vị cả trong và ngoài Quân đội. Hoạt động giáo dục, đào tạo của Nhà trường đã trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực của người chỉ huy, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Nhà trường được Nhà nước tặng thưởng 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhì và Ba), 03 Huân chương Quân công (hạng Nhất và Nhì), 01 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý.

Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường ngày càng phát triển3, yêu cầu cao. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt” được xác định là một nội dung trọng tâm. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Quyết định số 828/QĐ-TTg, ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 15-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI). Đồng thời, chủ động xây dựng Kế hoạch số 2403/KH-SQCT, ngày 22/10/2020 về triển khai thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg, ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đồng thời, đề ra nhiều đề án, giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như: Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2020 - 2030, định hướng những năm tiếp theo; Đề án tự chủ tuyển sinh quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo học viên Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình nhiệm vụ cụ thể theo năm học, khóa học, từng giai đoạn; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho từng đối tượng theo Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Các khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên xác định rõ mục tiêu, phương hướng hoạt động thi đua “dạy tốt, học tốt”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến vững chắc trong nhận thức và hành động; gắn kết chặt chẽ thi đua “dạy tốt, học tốt” với phong trào Thi đua Quyết thắng. Phòng Chính trị, cán bộ chính trị thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và trực tiếp tổ chức, duy trì có hiệu quả các hoạt động thi đua của đơn vị đảm bảo tính mô phạm, chuẩn mực, trở thành bài học thực tiễn sinh động cho học viên. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng Thi đua Nhà trường và các khối thi đua; gắn thi đua thường xuyên với thi đua cao điểm, thi đua thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, giảng viên, học viên về nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Quy chế giáo dục - đào tạo của Nhà trường; duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp; tăng cường các biện pháp nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật; tích cực đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh.

Học tập lời dạy của Bác, Nhà trường quan tâm triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm đủ số lượng, có lực lượng dự trữ, cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng bộ; có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, vừa bảo đảm yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng sự phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Tích cực đổi mới cơ chế, chính sách để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ, giúp cho họ nâng cao năng lực toàn diện, tận tụy với công việc; khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp; thực hiện chuẩn hóa cán bộ, nhất là về trình độ ngoại ngữ, tin học; luân chuyển cán bộ, cử cán bộ, giảng viên đi thực tế ở các đơn vị trong toàn quân để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; bồi dưỡng cán bộ thông qua tổ chức các hội thi, hội thao; bảo đảm tốt chính sách cán bộ và hậu phương gia đình cán bộ. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, đổi mới phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ đại học trở lên; trong đó, có trên 70% có trình độ sau đại học, cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với khoa giáo viên, tích cực triển khai xây dựng chương trình khung, kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết mới cho các đối tượng đào tạo, theo hướng tiếp cận năng lực, chuẩn đầu ra của các đối tượng; tăng tính khoa học, hiện  đại, tính thực tiễn, cập nhật bổ sung các thông tin mới, sát với đặc thù nghề nghiệp, phù hợp với đối tượng đào tạo, giảm những chủ đề lý thuyết thuần túy, tăng cường các chủ đề tích hợp. Đồng thời, đổi mới các hình thức dạy học, đặc biệt là các hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng đa dạng, tổng hợp tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tiếp cận các phương pháp dạy học mới; kích thích tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập. Tổ chức tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình, nội dung huấn luyện liên kết môn; huấn luyện chung, thi chung của một số đối tượng để tăng tính hiệu quả, giúp giảng viên có thể vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động nhận thức của học viên.

Cùng với đó, Nhà trường coi trọng xây dựng ý thức tự học, tự nghiên cứu của học viên. Đẩy mạnh phát triển các mô hình tổ, nhóm học tập để học viên khá, giỏi giúp đỡ, hướng dẫn phương pháp cho học viên có kết quả học tập hạn chế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy, học, chấm phúc tra và lấy ý kiến phản hồi từ người học; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất, kết quả thực chất. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học được đổi mới theo hướng kết hợp nhiều phương pháp để kiểm tra tổng hợp, toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phương pháp tư duy của học viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng kết hợp giữa phương pháp thi tự luận với thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính, thi trắc nghiệm kết hợp thực hành, thi thực hành kết hợp vấn đáp,... để nâng cao chất lượng đánh giá kết quả người học theo hướng bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo hướng kết hợp đánh giá người học ở tất cả các trình độ. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của Nhà trường không ngừng nâng lên; phân loại học lực hằng năm có 91,4% Khá, Giỏi. Qua khảo sát thực tiễn, sau khi tốt nghiệp ra trường, trên các cương vị công tác, đội ngũ cán bộ đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng vai trò chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở.

Phát huy truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”, Trường Sĩ quan Chính trị không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Trung tướng TRẦN QUANG TRUNG, Chính ủy Nhà trường
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 484.

2 - Ngày 14/01/1976, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 18-QĐ/BQP thành lập Trường Sĩ quan Chính trị.

3 - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội có trình độ đại học; đào tạo chuyển loại cán bộ chính trị cấp phân đội; đào tạo giáo viên khoa học xã hội nhân văn cấp phân đội có trình độ đại học; đào tạo học viên quốc tế (từ năm học 2012 - 2013); đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng-an ninh (từ tháng 3/2013) và đào tạo Sau Đại học; nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.