QPTD -Thứ Hai, 22/07/2013, 10:49 (GMT+7)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (phần III)

Tiếp theo*

III. CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN GƯƠNG MẪU, ĐI ĐẦU TRONG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Từ thực trạng đã nêu cho thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người; các giải pháp đề xuất có mặt hiệu quả chưa cao; việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về THTK,CLP chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để tạo sự chuyển biến thực sự về vấn đề này trong thời gian tới, góp phần giảm bớt lãng phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian và tài nguyên của đất nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng; tạo phong trào hành động cách mạng rộng lớn, có sức thu hút, thuyết phục mọi người cùng tích cực noi theo.

Đội ngũ CB,ĐV dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước; xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của nhân dân. Không có lý do gì, CB,ĐV được phép tự cho mình quyền được phung phí. Trái lại, CB,ĐV phải có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày. Đối với CB,ĐV là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, họ là người được tín nhiệm giao trọng trách quản lý, sử dụng một khối lượng lớn tài sản của Nhà nước; điều hành mọi hoạt động theo một kế hoạch đã được xác định; đồng thời, chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình và cấp ủy, người đứng đầu cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ và quản lý tình hình mọi mặt của các cơ quan, đơn vị. Thực tiễn đã ghi nhận, bên cạnh những CB,ĐV luôn nêu cao tính đảng, gương mẫu, đi đầu trong THTK,CLP, có tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý, sử dụng, tiết kiệm tài sản công, không rơi vào “vòng xoáy” của quyền lực, tiền tài; đề xuất được nhiều biện pháp có hiệu quả phòng, chống tham ô, lãng phí, vẫn còn một bộ phận không ít CB,ĐV (trong đó có cả người đứng đầu) thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thất thoát kinh phí, tài sản, lãng phí trong tiêu dùng. Nổi lên trong thời gian gần đây ở một số nơi là, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật THTK,CLP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội không nghiêm túc; vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển còn nhiều thất thoát, lãng phí, khắc phục chậm; tình trạng cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khiếu kiện; những biểu hiện chi tiêu theo kiểu “tiền chùa”, vô tội vạ, “vung tay quá trán”, dùng phương tiện công phục vụ cho việc riêng, tiệc tùng, đình đám… đang gây nên những nhức nhối cho toàn xã hội. Có thể nói, những thiếu sót, khuyết điểm đó đều có trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu; ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động; gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đội ngũ CB,ĐV.

Để khắc phục tình trạng đó, các chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Chính phủ về THTK,CLP đều đặt ra yêu cầu, quy định cụ thể đối với đội ngũ CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ này, làm cơ sở để đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xác định rõ: CB,ĐV phải coi THTK,CLP là nhiệm vụ thường xuyên, thiết thân của mỗi người. Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh THTK,CLP” yêu cầu CB,ĐV phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội. Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” nêu rõ: mọi CB,ĐV phải gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quy định về những điều đảng viên không được làm đã cấm mọi CB,ĐV tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác… xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi. Điều đó chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vai trò nêu gương của đội ngũ CB,ĐV trong THTK,CLP; coi đây là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quản lý, sử dụng tài sản công và chống gây thất thoát, lãng phí. Trên cơ sở các quy định, yêu cầu chung, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tính chất, đặc điểm của mình và chức trách, nhiệm vụ của từng CB,ĐV xây dựng các tiêu chí cụ thể về THTK,CLP cho từng đối tượng; gắn việc làm này với đẩy mạnh các phong trào thi đua THTK,CLP trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đổi mới phương pháp, tác phong công tác, sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những nhận thức, hành động không đúng, tạo môi trường tập thể lành mạnh, trách nhiệm, có ý thức THTK,CLP cao.

Việc làm gương, đi đầu trong THTK,CLP của đội ngũ CB,ĐV được thể hiện trên hai trọng trách: bản thân và ở cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao. Với bản thân, người CB,ĐV trên mọi cương vị công tác phải luôn coi việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung và về THTK,CLP nói riêng là một lẽ sống thường trực. Trên cơ sở đó, trong hoạt động luôn tích cực rèn luyện đạo đức: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và kể cả công sức của mình làm ra; xây dựng ý thức chi tiêu có mục đích, có kế hoạch, không hoang phí. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; coi việc THTK,CLP là nhiệm vụ hằng ngày, nội dung kế hoạch công tác cá nhân hằng tháng và là trách nhiệm thiết thân của mỗi người. Mỗi CB,ĐV phải gương mẫu, đi đầu chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống của dân tộc; tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, bài trừ hủ tục mê tín, dị đoan; chống lợi dụng việc cưới, việc tang và mọi hình thức hiếu, hỷ khác để vụ lợi. Đồng thời, vận động gia đình, người thân tích cực tham gia lao động, sản xuất, THTK,CLP, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững kỷ cương, phép nước; đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, ích kỷ, dùng tài sản chung phục vụ cho lợi ích cá nhân, người thân, gia đình và vi phạm các quy định về THTK,CLP.

Với chức trách, nhiệm vụ của mình, người lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị trong phạm vi công việc được giao phải cùng tập thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để CB,ĐV và nhân dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của trên đối với THTK,CLP. Người lãnh đạo, chủ trì phải chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy chế, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, góp phần ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh trong lĩnh vực quản lý; áp dụng nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý tài chính có hiệu quả, nhằm hạn chế những kẽ hở, thất thoát, như: mở rộng cơ chế khoán, giao quyền tự chủ tài chính đối với các cơ quan, đơn vị và khuyến khích thực hiện khoán một số khoản chi đến người sử dụng trực tiếp. Chủ trương THTK,CLP phải được cụ thể hóa trên các mặt hoạt động và có nhiều hình thức tiết kiệm thiết thực; tránh mọi biểu hiện chung chung, hình thức, chồng chéo, không có người chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, việc mua sắm, trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc, nhà công vụ phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc; không mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc sai đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành. Cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải bố trí, phân công người quản lý, sử dụng và lập sổ theo dõi các loại phương tiện, thiết bị làm việc; thành lập hội đồng mua sắm; định kỳ trong từng thời gian phải làm tốt công tác kiểm kê, bảo quản, bảo dưỡng, nắm thực lực các trang bị, thiết bị trong phạm vi quản lý. Việc tổ chức các cuộc họp, lễ kỷ niệm, các hoạt động đón Tết Nguyên đán trong cơ quan, đơn vị phụ trách phải bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hướng về cơ sở, tránh phô trương hình thức, tốn kém. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc THTK,CLP trên các lĩnh vực công tác; khi phát hiện có hành vi gây lãng phí trong cơ quan, đơn vị, phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; thực hiện công khai việc xử lý trước tập thể. Bản thân cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện lời nói thống nhất với việc làm; thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình và chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, làm gương về việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; sử dụng tiền, tài sản được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn đã xác định; tuyệt đối không được phép cho mình là “ngoại lệ”, dù đó là những chi tiết nhỏ nhất trong hoạt động hằng ngày.

Nhằm phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ CB,ĐV trong THTK,CLP, cần kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân từng CB,ĐV với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng. Mỗi CB,ĐV, nhất là những người đứng đầu phải thấy rõ trọng trách của mình trước tập thể, đề cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; dù ở cương vị nào cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; coi công việc chung như việc của cá nhân, gia đình mình; có lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham ô, lãng phí; tránh xa lối sống thực dụng, cơ hội, hưởng thụ, vì lợi ích vật chất trước mắt mà quên nghĩa vụ của bản thân. Các cấp ủy cần coi việc đẩy mạnh THTK,CLP là một nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tổ chức đảng, đồng thời là một tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ CB,ĐV hằng năm. Các cấp chính quyền và đoàn thể cần quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua THTK,CLP trên các mặt công tác với nội dung, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí có định lượng rõ ràng; làm căn cứ để CB,ĐV cũng như quần chúng đề cao trách nhiệm trong điều hành, quản lý tài sản, cơ sở vật chất được giao, không để thất thoát, hư hỏng và cũng là cơ hội để mỗi người tự khẳng định mình trước tập thể. Đẩy mạnh phong trào thi đua THTK,CLP phải chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong tập thể; đồng thời, qua đó phát hiện những CB,ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, không gương mẫu trong công tác quản lý, gây lãng phí tài sản, vật chất để có biện pháp xử lý phù hợp; tránh mọi biểu hiện giản đơn, thiếu cụ thể, trung bình chủ nghĩa, thấy đúng không bảo vệ, sai không kiên quyết xử lý. Để tạo phong trào hành động cách mạng to lớn, thu hút đông đảo mọi người ra sức thi đua THTK,CLP theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất cao, trên dưới một lòng, chung sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”1. Lời dạy đó của Người lúc đất nước còn khó khăn, thiếu thốn dường như dễ dàng với đa số CB,ĐV. Nhưng vào thời điểm hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đây là vấn đề không đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi CB,ĐV phải có nghị lực, quyết tâm cao. Điều quan trọng, quyết định vẫn phụ thuộc vào ý chí vượt qua chính mình. Có như vậy, CB,ĐV mới thực sự là tấm gương để “làng nước theo sau” như nhân dân vẫn kỳ vọng.

 (Số sau: IV- Quân đội đẩy mạnh THTK,CLP theo tấm gương đạo đức Bác Hồ)

HỒNG LÂM - MINH SƠN
 ___________

* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 5, 6/2013.

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 150.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.