QPTD -Thứ Năm, 09/05/2013, 21:55 (GMT+7)
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (phần I)

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 21-CT/TW về “Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị số 771–CT/QU về “Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện nếp sống văn minh trong Quân đội”. Để các chỉ thị đó đi vào cuộc sống, trở thành hành động tự giác của mỗi người, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu loạt bài viết với chủ đề này, do nhóm tác giả Hồng Lâm – Minh Sơn thực hiện.

 

I. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, Người cũng là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Tư tưởng, tấm gương về THTK,CLP của Bác mãi mãi là biểu tượng sinh động về đạo đức cách mạng, nhân cách của một người hết lòng vì dân, vì nước. Theo Bác, tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống nhân dân; tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Người tiết kiệm là người biết cân đối, chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong quy trình sản xuất, hoạt động, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Trong bối cảnh nước ta vừa thoát khỏi ách xâm lược của thực dân, đế quốc, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì vấn đề tiết kiệm càng phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc; chỉ có tiết kiệm mới có thể tăng thêm nguồn lực vật chất xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng, trong quan niệm của Bác, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”1. Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm: tiết kiệm sức lao động: tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, nâng cao năng suất lao động, “một người làm bằng hai, ba người”; tiết kiệm thời giờ: phải coi “Thời giờ tức là tiền bạc”, “tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác”; tiết kiệm tiền của: phải tiết kiệm tiền của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình… Bác yêu cầu, mọi người đều phải tiết kiệm. Đi đầu trong việc làm này là các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp, cán bộ, đảng viên (CB,ĐV); cấp trên phải làm gương trước cấp dưới, cán bộ làm gương trước dân chúng. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong từng vị trí công tác: bộ đội tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm; cán bộ cơ quan hành chính tiết kiệm thời gian, giấy mực; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc… Bác dặn chúng ta: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai mang thời giờ vứt đi, là người ngu dại”2. Đặc biệt, đối với đội ngũ CB,ĐV, Người nhấn mạnh: “Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm… Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”3.

Cùng với thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc phòng, chống lãng phí trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Theo Bác, đi liền với tham nhũng là lãng phí; đó là hai thứ “giặc nội xâm” làm hại dân, hại nước. Tuy những người gây nên lãng phí không lấy của công cho riêng mình như tham nhũng, song, hậu quả mà nó gây nên cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng và trộm cắp. Người chỉ ra các dạng lãng phí để mọi người nhận biết và khắc phục. Đó là: lãng phí về lao động: thể hiện ở việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, bố trí nhân sự không đúng; lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày; lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan, bản thân mình: ăn tiêu xa xỉ, tiêu xài không hợp lý, mắc bệnh “phô trương, hình thức”. Điển hình trong lãng phí của công là các cơ quan dùng điện, nước, vật liệu một cách vô tội vạ, dùng xe vào mục đích cá nhân, xử dụng xăng, dầu phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc, nguyên vật liệu không đúng mức; các dự án đầu tư dàn trải, không hiệu quả… Những thứ bệnh đó, theo Bác, một phần là do hậu quả của xã hội cũ để lại, do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ, hại dân mà ra; mặt khác, do ý thức tập thể kém, tùy tiện, “của chung không ai lo”, làm được chăng hay chớ, cốt xong việc của mình. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thâm hụt ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mức sống của nhân dân. Cho nên, nhiệm vụ của CB,ĐV, công chức, viên chức nhà nước là phải triệt để loại bỏ những căn bệnh đó, tăng cường THTK,CLP trong mọi hoạt động. Có như vậy, mới tôi luyện được phẩm chất đạo đức mới - đạo đức cách mạng; mới làm cho dân cường, nước thịnh.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng luôn gắn liền với hành động; lời nói đi đôi với việc làm; luôn là tấm gương mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Bác thường căn dặn CB,ĐV phải đẩy mạnh THTK,CLP, và bản thân Người cũng sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị từ ăn, ở, sinh hoạt đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày. Điều đó đã trở thành nếp sống của Bác khi còn hoạt động ở nước ngoài, ở căn cứ địa Việt Bắc cũng như lúc về Thủ đô Hà Nội. Khi kháng chiến thắng lợi, Trung ương có ý định mời Bác về ở trong ngôi nhà Toàn quyền cũ, vì ở đấy có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, bảo đảm cho sức khỏe, tiện cho việc tiếp khách và mọi công việc của một vị lãnh tụ. Nhưng, Bác không chịu và cho rằng, Chủ tịch một nước nghèo chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân. Hằng năm, đến ngày sinh nhật, nhiều đoàn thể, nhân dân đến chúc mừng Bác, Người vui nhưng bảo đừng vì việc riêng cá nhân Bác mà làm ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc của tập thể. Vì vậy, Bác đề nghị làm một ngôi nhà trên núi Ba Vì, đến ngày sinh nhật, Bác lên đó làm việc và dặn bộ phận giúp việc, nếu có ai hỏi thì trả lời rằng: Bác đi công tác xa. Một đồng chí ở Hội Luật gia Việt Nam kể lại: Đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc, năm 1950, Bác không cho Hội nghị làm cơm mời. Buổi trưa, Bác bày ra bãi cỏ nắm cơm, lọ cà, lọ thịt kho và gọi tôi cùng ăn. Trong các bữa ăn, không bao giờ Bác để rơi cơm, bởi Bác trọng công sức của người làm ra lúa gạo; khi dùng các món ăn, bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa, lãng phí. Để tiết kiệm thời gian, Người yêu cầu tổ chức các cuộc họp phải đúng giờ, giảm bớt họp hành không cần thiết; đồng thời, chủ động đến dự các lớp học, chúc Tết, thăm cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, thậm chí đội mưa đến dự Hội nghị đúng giờ để nhiều người không phải chờ đợi, tốn thời gian vô ích… Hồ Chí Minh là thế đấy! Mọi việc làm, hành động của Người trước hết đều hướng về nhân dân, nghĩ cho dân, cho nước, lo cho người nghèo, không đòi hỏi một ưu tiên, một vinh hoa cho riêng mình. Từ chuyện đôi dép cao su giản dị, bữa ăn với bát canh, quả cà, con cá kho, chiếc áo bông, bộ quần áo ka ki đã sờn, chiếc xe ô tô đã cũ đến những vật dụng nhỏ như chiếc khăn mặt, tờ giấy, chiếc phong bì đều toát lên một nhân cách Hồ Chí Minh về THTK,CLP. Theo Bác, giấy, bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân, cần phải tiết kiệm; làm được những việc nhỏ thì thành cái to: “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ các công sở tiết kiệm… mà lợi cho dân rất nhiều”4. Người chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”5.

Nhằm nâng cao ý thức THTK,CLP trong đội ngũ CB,ĐV, Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải tạo nhận thức chung và có quyết tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong các cấp lãnh đạo, quản lý; coi đó cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận. Theo Người, đây là cuộc cách mạng nội bộ; là cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” với kẻ địch là tệ tham ô, quan liêu, lãng phí. Cũng như các mặt trận khác, muốn giành thắng lợi, việc xây dựng ý thức tự giác trong THTK,CLP, chống các hành vi tiêu cực phải quyết liệt và có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức cụ thể, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và có tinh thần trung kiên, không khuất phục trước khó khăn, thử thách; phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó, “chống” là bảo đảm cho công việc “xây” thành công, “xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống” sẽ được xóa bỏ tận gốc. Quá trình tiến hành phải đồng tâm, nhất trí, dựa vào sức mạnh của nhân dân, mạnh bạo xung phong, huy động được sự tham gia của các tổ chức, lực lượng; gắn giáo dục, phòng ngừa với đấu tranh khắc phục, lấy giáo dục làm chính.

Bác cho rằng, phải phát huy vai trò của nhân dân và báo chí trong nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc THTK,CLP. Báo chí phải nêu được những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng; làm cho mọi người thấy rõ những hành vi lãng phí của công là tội ác. Và những ai, cơ quan nào được nhân dân và báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí. Các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra việc THTK,CLP ở các cơ quan công quyền; làm nghiêm chỉnh, kịp thời việc xem xét các vụ khiếu nại, tố giác; phải công khai, dân chủ, minh bạch trong mọi hoạt động, xử lý nghiêm minh những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây lãng phí tài sản của nhân dân. Bác yêu cầu, trong kiểm thảo phải thực hiện nguyên tắc: CB,ĐV ở vị trí càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ, mạnh dạn, thật thà tự kiểm thảo; thật thà báo cáo tình hình của cơ quan, đơn vị mình cho mọi người trong toàn đơn vị, toàn ngành biết rõ. Quá trình làm, phải nắm vững trọng điểm, làm từng bước, từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. Trong phong trào THTK,CLP, phải lấy giáo dục là chính, trừng phạt là phụ; có khen thưởng, có kỷ luật - thưởng phạt phải nghiêm minh; coi trọng tự phê bình và phê bình, chống thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Các cấp cần phát huy vai trò của chi bộ, đề cao trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trong lãnh đạo đẩy mạnh THTK,CLP. Mặt khác, phải khắc phục những ý nghĩ sai lầm, như: tham ô là có tội, song “lãng phí chỉ là một khuyết điểm”, “những người có công với cách mạng nếu có tham ô, lãng phí chút đỉnh, cũng nên tha thứ cho họ”; nước ta nghèo, “không có gì mà tiết kiệm”, “cơ quan ta không có gì mà lãng phí”. Hoặc tư tưởng trung bình chủ nghĩa: “ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi”,v.v. 

Hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác về THTK,CLP là một nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời, là một trong những biện pháp thiết thực góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng; đòi hỏi mỗi CB,ĐV ở bất cứ cương vị nào cũng phải tự giác nhìn lại mình để phấn đấu.

(II- Thực trạng và những vấn đề đặt ra)

 

HỒNG LÂM - MINH SƠN

 

_____________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6. Nxb CTQG, H. 2002, tr. 485.

2 - Sđd, Tập 5, H.1995, tr. 637.

3 - Sđd, Tập 5, H.1995, tr. 104.

4 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5. Nxb CTQG, H. 2002, tr. 104-105.

5 - Sđd, Tập 5, H. 2002, tr. 642.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.