Thứ Tư, 27/11/2024, 10:21 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120. Là bài báo, nhưng nó xứng đáng được coi là tác phẩm lớn, bởi tầm trí tuệ uyên bác và giá trị lý luận - thực tiễn rõ ràng. Tác phẩm này vượt thời gian và hàm chứa sự chỉ dẫn cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác dân vận nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Dân vận là vấn đề lớn trong quá trình hoạt động của bất kỳ chính đảng nào, nó càng cực kỳ quan trọng đối với Đảng ta. Việc giải quyết tốt vấn đề này có tính chất quyết định đến thành công và sự tồn tại, phát triển của Đảng với tư cách là một tổ chức được nhân dân, dân tộc giao trọng trách lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh cho thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1.
Toàn bộ tác phẩm Dân vận của Hồ Chí Minh chỉ khoảng hơn 600 chữ, tương ứng với 2 trang in, 4 mục gọn, chặt chẽ. Tuy ngắn, song tác phẩm toát lên văn phong theo phong cách Hồ Chí Minh, nghĩa là không cầu kỳ, mà giản dị, dễ hiểu, đi thẳng vào những nội dung chính yếu nhất của chủ đề; toát lên quan điểm toàn diện, có tính chất rất cơ bản, có ý nghĩa chỉ đạo cho công tác dân vận của Đảng, chính quyền, đoàn thể,… ở nước ta, đến nay còn nguyên giá trị; thể hiện sức sống trường tồn của tác phẩm này.
Hồ Chí Minh chỉ rõ nền tảng của công tác dân vận bằng quan điểm: “Nước ta là nước dân chủ”, và nêu cụ thể như sau: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2. Theo đó, có thể rút ra một số quan niệm về nền tảng của công tác dân vận như sau:
Thứ nhất, nhân dân có vai trò to lớn trong đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam. Có thể nói rằng, nhân dân đứng ở vị trí tối thượng trong hệ thống quyền lực của đất nước. Trong cấu trúc quyền lực Nhà nước mới ở Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 đến nay đã được ghi vào bốn bản Hiến pháp là: mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Tất cả điều đó đều thể hiện và đều xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân dân. Hồ Chí Minh thường nêu rằng, nhân dân lao động là người làm chủ, còn Đảng, Chính phủ cũng như cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc, là đầy tớ của nhân dân.
Thứ hai, nhân dân có lợi ích, đồng thời phải có trách nhiệm (tức là quyền lợi và nghĩa vụ đi đôi với nhau). Tất cả mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều phải nhằm vào lợi ích của dân. Nhưng quyền lợi phải luôn đi đôi với nghĩa vụ, mà trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng những từ “trách nhiệm của dân”. Đây là vấn đề xuất phát từ quan điểm của Người về dân chủ ở các giai đoạn của cách mạng: dân là chủ và dân làm chủ, cả hai vế này đều quan trọng như nhau, làm thành một thể thống nhất. Dân là chủ là nói về vị thế của dân, còn dân làm chủ là nói về trách nhiệm của dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan niệm về dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”3. Quan niệm như vậy, đã phản ánh tính chất nhân dân trong hành động cách mạng mà Người đã sử dụng ở tất cả các lời hiệu triệu toàn dân trước những nhiệm vụ trọng đại của dân tộc. Đồng thời, xác định cán bộ phụ trách dân vận là cán bộ chính quyền, cán bộ Đảng, các hội viên của tổ chức nhân dân và nhấn mạnh những yêu cầu của công tác dân vận, bao gồm:
Phải chống quan liêu. Hồ Chí Minh viết: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”4. Chúng ta thấy rằng, trên thực tế, làm công tác dân vận hoàn toàn khác với những công tác sự vụ trong công tác Đảng, chính quyền, bởi vì đối tượng vận động là mọi người dân. Ở đây, không thể chấp nhận lối làm việc “chỉ tay năm ngón” (từ mà Hồ Chí Minh hay dùng), do vậy làm công tác dân vận phải sâu sát, “nhúng tay vào việc”. Bệnh quan liêu là bệnh thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền, nếu cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện phong cách công tác cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm. Chính bệnh quan liêu cộng với bệnh tham ô, lãng phí đã bị Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, “thứ giặc ở trong lòng”, nó “nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám”.
Phải sâu sát, tỉ mỉ, có phương pháp tốt. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”5.
Phải lưu ý những điều cần tránh. Hồ Chí Minh lưu ý trước hết là tránh mắc khuyết điểm xem khinh công tác dân vận. Vì có tư tưởng coi khinh công tác dân vận cho nên “thường cử những cán bộ kém” phụ trách công tác dân vận. Người cũng lưu ý chống căn bệnh khoán trắng công tác dân vận cho một ban và cho một vài người. Người cho rằng: “Đó là sai lầm rất to, rất có hại”6. Khi đã khoán trắng thì “Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”7.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn, mà một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa Đảng với dân chỗ này, lúc nọ bị giảm sút sự bền chặt đến mức đáng lo ngại: vừa có tình trạng một số nơi nhân dân giảm sút lòng tin đối với Đảng, vừa có tình trạng một số tổ chức đảng xa rời dân. Hai tình trạng này đang song hành và có tác hại xấu như nhau đến sự nghiệp đổi mới. Chính vì vậy, vai trò của công tác dân vận càng trở nên quan trọng. Phát huy giá trị thực tiễn của tác phẩm Dân vận, hiện nay, cần nhấn thêm một số điểm chủ yếu sau đây:
Một là, cần nhận thức rõ thêm tính biện chứng mối quan hệ Đảng - Dân ở nước ta. Mối quan hệ này, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng từ trong xã hội mà ra, nghĩa là dân lập ra Đảng, Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Vậy là, quan hệ Đảng - Dân chính là quan hệ huyết thống, Đảng là con của dân; dân là cha mẹ của Đảng. Đó là quan hệ máu thịt, bền chặt. Nếu Đảng xa dân, không tin dân; dân xa Đảng và không tin Đảng thì điều tất yếu sẽ dẫn đến sự suy yếu của Đảng và suy yếu cả hệ thống chính trị. Hệ quả của vị trí và vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là tuyệt đại đa số những người có chức, có quyền là đảng viên Cộng sản, do đó, dễ dẫn đến một căn bệnh: xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Trên thực tế, khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực xã hội trong vai trò cầm quyền, nhiều tổ chức đảng và đảng viên lại không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân. Sự cầm quyền của Đảng ta lẽ ra phải được nhận thức và được thực thi là cái quyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam cầm là quyền từ dân giao cho, ủy thác cho Đảng, nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng được nhận thức và thực thi theo nghĩa như vậy.
Hai là, Đảng phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân, hiếu với dân với tư cách là hiếu với cha mẹ. Đảng muốn làm tốt công tác dân vận thì trước hết Đảng phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa lại lợi ích cho nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo đảm dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tích cực xây dựng để Quốc hội thông qua luật về bảo đảm và phát huy dân chủ cơ sở thay cho pháp lệnh đã có và đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì việc có một luật về bảo đảm và phát huy dân chủ cơ sở là việc rất cấp thiết.
Ba là, Đảng phải vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Dân, trong đó công - nông - trí, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Dân phải có trách nhiệm xây dựng Đảng. Vì thế, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng Đảng bằng cách: tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, v.v. Để làm được điều đó, phải chú trọng nâng cao dân trí. Bởi, trình độ dân trí càng cao thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dân vận. Quan điểm của Hồ Chí Minh là phải thường xuyên nâng cao dân chúng, phải làm cho dân giác ngộ chính trị, giác ngộ về quyền làm chủ và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, thường xuyên chăm lo đến sự nghiệp giáo dục.
Bốn là, cần tiếp tục chú trọng hơn nữa xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận. Đành rằng, tiến hành công tác dân vận là trách nhiệm của mọi người trong bộ máy hệ thống chính trị; song, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận có vai trò đặc biệt quan trọng. Phải khắc phục những căn bệnh như Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Dân vận, trong đó có bệnh coi khinh công tác dân vận, cử cán bộ kém phụ trách công tác này.
Năm là, nói đến công tác dân vận là nói đến chủ thể của nó là toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là Đảng cầm quyền. Cần học tập phong cách Hồ Chí Minh: gần dân, hiểu dân, vì dân, khắc phục hiện tượng như Người phê bình: nhiều tổ chức đảng, chính quyền đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo. Cán bộ, đảng viên phải làm gương sáng cho dân theo. Khi cầm quyền, cán bộ càng đứng ở vị trí cao của quyền lực càng có nguy cơ dễ xa dân, vì bị “cơ chế” trói buộc. Đi thăm các địa phương, ngành chẳng hạn, tất nhiên phải bố trí lộ trình, phải định kế hoạch, nói chung là phải được sắp đặt, v.v. Và như thế, với chương trình lập sẵn, được bố trí, dễ bị loè, dễ bị dối, thật khó mà gần dân. Ấy vậy mà Hồ Chí Minh nhiều khi thoát được cơ chế đó. Nhiều lúc Người đến không báo trước, không theo lộ trình định sẵn, hòa đồng vào dân chúng, tìm hiểu cặn kẽ cuộc sống của nhân dân, nói tiếng nói cùng nhân dân. Người không muốn đến với dân chúng khi người ta tiền hô hậu ủng, băng cờ khẩu hiệu, đón rước linh đình. Bác nhấn mạnh rằng, nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng thì cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại; phải tin dân, trọng dân.
Toàn Đảng đang chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Cuộc sinh hoạt rất lớn của Đảng sắp tới cũng là sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Làm cho dân tin vào Đảng, đó chính là yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; trong đó, đặc biệt là công tác dân vận. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, công tác dân vận sẽ đạt được kết quả mới theo sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG _____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.
2, 3, 4, 5, 6, 7 - Sđd, Tập 6, tr. 232, 232, 234, 233, 234, 234.
tác phẩm Dân vận,giá trị lý luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam