QPTD -Thứ Hai, 28/04/2014, 11:39 (GMT+7)
Mô hình “dân vận khéo” ở Binh đoàn 15 (phần I)

LTS: Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về công tác dân vận. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 06-CT/TW và tiếp theo là Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì công tác dân vận của Binh đoàn có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong Binh đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình “dân vận khéo”, góp phần giữ vững ổn định và xây dựng vùng đất Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Để làm rõ thành tựu và những biện pháp, cách làm sáng tạo của Binh đoàn 15, giúp bạn đọc tham khảo, nghiên cứu về chủ đề trên, Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 4,5,6 - 2014 đăng bài của các tác giả Mạnh Dũng - Thanh Phúc.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác dân vận của Công ty 75, Binh đoàn 15. (Nguồn: gialaitv.vn)

I

Thấu suốt quan điểm, tư tưởng, tích cực triển khai

Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế - quốc phòng, ra đời trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, có nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất, kinh doanh (SX,KD) và tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) tại các khu vực đứng chân. Hiện nay, hoạt động sản xuất của Binh đoàn nằm trên địa bàn 266 thôn, làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định và hợp tác trồng mới cây công nghiệp tại các nước bạn. Đó là những vùng đất hoang hóa, còn nhiều tàn tích của chiến tranh, nằm ở vùng sâu, biên giới, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch thường xuyên tập trung chống phá, gây rối, nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đáng chú ý là, các hoạt động đó diễn ra chủ yếu ở cơ sở, tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Nhận thức rõ tình hình đó, ngay từ khi thành lập (20-02-1985), Đảng ủy Binh đoàn 15 đã xác định chủ trương: “Thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả SX,KD; đồng thời, làm tốt công tác dân vận (CTDV), xác định đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân”. Để thực hiện tốt chủ trương đó, cùng với các giải pháp nâng cao hiệu quả SX,KD, xây dựng đơn vị vững mạnh, Binh đoàn luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CTDV; trong đó, tập trung vào Nghị quyết 8B-NQ/TW, ngày 27-3-1990, về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”; Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Hướng dẫn 842-HD/CT của Tổng cục Chính trị về CTDV, Đảng ủy Binh đoàn đã ra Nghị quyết 274-NQ/ĐU về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường CTDV trong tình hình mới”; đồng thời, chỉ đạo các cấp ra nghị quyết chuyên đề và xây dựng quy chế, kế hoạch CTDV sát với đặc điểm của từng công ty, đơn vị và địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động về quan điểm của Đảng và vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của CTDV. Trong đó, Binh đoàn tập trung làm rõ quan điểm của Đảng về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và tư tưởng “dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Từ đó, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quá trình tiến hành CTDV phải luôn coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trên địa bàn SX,KD theo tư tưởng của Bác: “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đồng thời, Binh đoàn thường xuyên tổ chức giáo dục, học tập về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Bác về CTDV. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực về phương pháp, tác phong công tác, lề lối làm việc và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với CTDV; phát huy được truyền thống, bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong việc phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, hộ gia đình tiêu biểu trong khu dân cư. Cùng với đó, Binh đoàn còn giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mang đậm đặc trưng “thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc”; trên cơ sở đó cùng với cấp ủy, chính quyền vận động đồng bào giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục.

Nhờ thấu suốt các quan điểm, tư tưởng đó nên trong quá trình tổ chức hoạt động SX,KD, các công ty, đơn vị của Binh đoàn luôn gắn với thực hiện CTDV bằng các biện pháp cụ thể, sát với đặc điểm nhiệm vụ và địa bàn. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn luôn phát huy truyền thống: “Kiên định mục tiêu, vượt mọi khó khăn, gắn bó với dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh đoàn lần thứ VI đã xác định: “Tăng cường quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đẩy mạnh CTDV bằng nhiều mô hình phong phú, sáng tạo, như: hoạt động kết nghĩa; tuyển dụng lao động là ĐBDTTS trên địa bàn vào làm việc tại Binh đoàn và đặc biệt là mô hình gắn kết giữa hộ công nhân với hộ ĐBDTTS”. Theo đó, CTDV của Binh đoàn luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Trong nghị quyết lãnh đạo (định kỳ) đều có nội dung về CTDV và được cấp ủy các cấp đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Các công ty, đơn vị đều xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch CTDV; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, thời gian, phương pháp tiến hành; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực sự là tấm gương trong việc thực hiện CTDV. Các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện CTDV còn được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, lồng ghép các chỉ tiêu, yêu cầu của CTDV với các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và Quân đội phát động, như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết”,... Vì thế, CTDV của Binh đoàn luôn được tiến hành đúng định hướng, chủ động, sáng tạo; trong đó, đã tập trung thực hiện tốt yêu cầu: gắn phát triển SX,KD với thực hiện CTDV, tích cực tham gia phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên địa bàn. Những năm qua, Binh đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa mới. Đặc biệt, năm 2013, Binh đoàn đã tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp Binh đoàn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.

Việc sơ kết, tổng kết CTDV được Binh đoàn thực hiện nghiêm túc, chỉ rõ những hạn chế, như: một số cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, yêu cầu của CTDV; có đơn vị chưa gắn thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với các chỉ tiêu, biện pháp tiến hành CTDV,... Từ đó, Binh đoàn chỉ đạo các công ty, đơn vị rà soát, bổ sung quy chế, biện pháp, nội dung hoạt động; thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTDV, phù hợp với quy định về tổ chức, biên chế và nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Binh đoàn tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, kỹ năng tiến hành CTDV cho đội ngũ cán bộ các cấp,... Nhờ đó, nội dung, phương pháp tiến hành CTDV của các cấp trong Binh đoàn có chuyển biến tích cực, toàn diện, phong phú, sáng tạo hơn.

 Binh đoàn còn giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH từ nguồn vốn của Nhà nước và nguồn trực tiếp đầu tư của Binh đoàn đạt hiệu quả cao. Đến nay, Binh đoàn đã tham gia đầu tư, phát triển 07 cụm dân cư tập trung, 150 điểm dân cư trên các địa bàn SX,KD ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; xây dựng và đưa vào hoạt động 09 bệnh xá quân - dân y kết hợp, 05 nhà máy chế biến mủ cao su, 01 nhà máy chế biến phân vi sinh; trồng và khai thác hơn 42.000 ha cây cao su, 500 ha cây cà phê, 90 ha lúa nước hai vụ,... Trên khu vực Tây Nguyên, các công ty của Binh đoàn đã tạo nên “vành đai xanh” dọc theo 215 km biên giới với các nước bạn Cam-pu-chia và Lào, mang lại cuộc sống ổn định, no ấm cho hàng chục nghìn người dân; trong đó, phần đông là ĐBDTTS. Thực tế đã chứng minh, sự có mặt của Binh đoàn, nhất là hoạt động dân vận đã mang lại hiệu quả toàn diện cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, QP-AN..., góp phần xây dựng mối quan hệ giữa các dân tộc trên địa bàn ngày càng đoàn kết, gắn bó, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau2.

Cùng với giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, CTDV của Binh đoàn còn tập trung giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,... Vì vậy, trên khu vực các đơn vị của Binh đoàn đứng chân và có dự án, nhiều năm qua không có “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhờ thấu suốt quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực triển khai tổ chức thực hiện CTDV bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, cách làm sáng tạo, nên trong Binh đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình “dân vận khéo”.

MẠNH DŨNG - THANH PHÚC
____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 234.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 249.

(Số tiếp theo: II. Mô hình sinh động, hiệu quả thiết thực).

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.