QPTD -Thứ Hai, 27/03/2017, 08:31 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 299 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cùng với các đơn vị trong toàn quân, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) bằng những việc làm thiết thực. Mục đích chính của việc thực hiện Chỉ thị là nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nằm trong đội hình quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn Công binh 299 có nhiệm vụ bảo đảm công binh: xây dựng công trình chiến đấu, làm đường tuần tra biên giới, dò tìm xử lý bom mìn vật nổ, sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Phần lớn lực lượng của Đơn vị thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, dễ mất an toàn, v.v. Với tinh thần tự lực, tự cường, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua của Quân đoàn.

Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Lữ đoàn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những giải pháp, chỉ tiêu cụ thể, sát đặc điểm, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng của Lữ đoàn đã nhận thức được ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc học tập và làm theo Bác đối với rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ vững vai trò người đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Mỗi quân nhân nhận thấy việc học tập và làm theo Bác vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của mình, từng bước hình thành thói quen phấn đấu, rèn luyện từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, công tác hằng ngày cho tới thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao với tinh thần tự giác cao. Đồng thời, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo các biện pháp, cách làm hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn rèn luyện đạo đức, lối sống với chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Đơn vị. Hiện nay, đa số cán bộ, đảng viên của Lữ đoàn có phẩm chất chính trị tốt; đạo đức lối sống trong sạch, trung thực, thẳng thắn; không có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực; năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở Lữ đoàn vẫn còn những hạn chế nhất định, như: số ít cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của việc học tập và làm theo; xác định mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện còn thiếu cụ thể, chưa sát với chức trách, nhiệm vụ, chưa tự giác, tích cực, chủ động học tập và làm theo; hiệu quả của việc học tập, làm theo Bác của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự rõ nét, v.v.

Từ kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị 03, Lữ đoàn đã và đang triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sát với tình hình, tính chất hoạt động, yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, gắn thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); trọng tâm là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Đảng ủy Lữ đoàn xác định đây là yêu cầu và cũng là khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tự phê bình và phê bình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang, né tránh, không bao che, giấu giếm; trên làm trước, dưới làm sau, trong trước, ngoài sau, Lữ đoàn tổ chức nghiêm túc, quyết liệt đợt sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa theo nội dung 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở tất cả các cấp. Đối với những lực lượng, bộ phận nhỏ lẻ, thực hiện nhiệm vụ phân tán, xa đơn vị, Đảng ủy Lữ đoàn cử đảng ủy viên trực tiếp tới dự sinh hoạt để bảo đảm dân chủ, nghiêm túc và hiệu quả. Qua đó, không khí dân chủ, cởi mở, tinh thần tự giác, trung thực, thẳng thắn được phát huy, đoàn kết nội bộ được củng cố, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên, quần chúng tiếp tục thực hiện tốt nền nếp tự phê bình và phê bình trong những giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhằm giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng phát huy dân chủ, không “sợ”, không “ngại” khi thực hiện tự phê bình và phê bình, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, duy trì có hiệu quả Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, tiến hành đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chủ trì với cán bộ, chiến sĩ. Thông qua đó, nắm bắt tình hình tư tưởng của bộ đội, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh; xây dựng mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới cởi mở, chân tình, thẳng thắn trong đơn vị. Theo tinh thần Chỉ thị 05, việc phê bình cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ phải trên tinh thần xây dựng, tạo điều kiện cho họ có cơ hội để nhìn nhận đúng về mình và có biện pháp khắc phục. Khi nhìn nhận khuyết điểm, chỉ huy cấp trên không được quy chụp, chỉ trích, chì chiết, nhất là trong nhận xét, đánh giá trình độ, năng lực, các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên. Phải ân cần, thân thiết, động viên, phân tích, chỉ bảo, không nên “đao to, búa lớn” với cán bộ cấp dưới trước tập thể, nơi đông người; phê bình phải gắn liền với tự phê bình, nêu khuyết điểm của người khác nhưng bản thân cũng phải tự nhận ra khuyết điểm của mình. Khắc phục mọi biểu hiện cho rằng, những dấu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ở chỗ khác, đơn vị khác, người khác, chứ không có trong đơn vị mình, bản thân mình.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng”1, được Đảng ủy Lữ đoàn xác định là vấn đề mấu chốt, chìa khóa để tạo sự lan tỏa trong toàn Đơn vị, bảo đảm cho Lữ đoàn thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục tiêu là từng cán bộ, trong phạm vi chức trách của mình, quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét để mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thấy và noi theo.

Để cán bộ chủ trì phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, Lữ đoàn yêu cầu, từng cán bộ phải xây dựng kế hoạch, bổ sung các tiêu chí phấn đấu thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương mội cách nghiêm túc, cụ thể và được thông qua trước tập thể cấp ủy, chi bộ nơi sinh hoạt. Theo đó, trên từng cương vị công tác, cán bộ chủ trì phải tích cực, tự giác, gương mẫu phấn đấu, rèn luyện theo tiêu chí đã xác định; nghiêm khắc với bản thân về những điều đảng viên không được làm, không để các yếu tố và mối quan hệ khác chi phối đến cương vị, chức trách được giao. Nội dung trọng tâm hướng vào việc đổi mới phương pháp, tác phong công tác, lề lối làm việc, sâu sát quần chúng, cấp dưới; đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; kiên quyết khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong quản lý, chỉ huy đơn vị,... thực sự là tấm gương sáng cho cấp dưới noi theo. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, động cơ, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cho mọi quân nhân.

Ba là, xây dựng phong cách “nói đi đôi với làm” cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đơn vị. Đây là nét nổi bật trong tấm gương đạo đức trong sáng, “điểm nhấn” trong phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là điểm mới được xác định trong Chỉ thị 05. Đột phá vào nội dung này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trước hết là nghị quyết của cấp ủy, chi bộ; làm đúng những gì đã nói, làm tốt những việc cần làm, đáng làm; đề cao tinh thần đấu tranh với những biểu hiện nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, nói sai sự thật, trung bình chủ nghĩa, thiếu gương mẫu trước tập thể, cấp dưới. Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần quyết tâm hoàn thành những nội dung, mục tiêu trong kế hoạch của tập thể và bản đăng ký của từng cá nhân phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập phong cách tư duy của Bác, vận dụng tốt giữa lý luận với thực tiễn, nắm chắc lý thuyết, thành thạo thực hành. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Công binh với tính đặc thù yêu cầu cao.

Vì vậy, cùng với sự trung thực, “nói đi đôi với làm” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Lữ đoàn phải có một nghị lực, ý chí phấn đấu rất cao, đúng như Bác Hồ dạy: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20” mới xây dựng được phong cách này. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định đây là biện pháp lâu dài, cần phải kiên trì thực hiện từng bước, từ thấp tới cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục trong mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên.

Những kết quả đã đạt được bước đầu trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở, động lực mạnh mẽ để Lữ đoàn Công binh 299 khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Mở đường thắng lợi” mà Bác Hồ đã tặng Bộ đội Công binh.

Đại tá HOÀNG XUÂN NAM, Chính ủy Lữ đoàn  

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 223.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.