QPTD -Thứ Tư, 23/10/2019, 07:46 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Học viện Chính trị đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng

Nhận thức rõ ý nghĩa của thi đua, những năm qua, Học viện Chính trị luôn thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng bằng nhiều giải pháp, hình thức sáng tạo, thiết thực. Qua đó, tạo động lực góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc và quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác thi đua - khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quan trọng này. Theo đó, mọi hoạt động của Học viện đều đẩy mạnh phong trào thi đua, đột phá vào nhiệm vụ trọng yếu, khó khăn, phức tạp, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Thực hiện lời Bác dạy: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”1, bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tính chất đặc thù từng cơ quan, đơn vị, nên phong trào thi đua đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các mặt công tác, tạo sức mạnh tổng hợp để Học viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, Học viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất và 05 năm liên tục (2014 - 2018) được Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của toàn quân.

Học viên Hệ Đào tạo cán bộ cấp trung, sư đoàn thực hành diễn tập cuối khóa

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình biển, đảo hiện nay, Học viện đã hướng phong trào thi đua vào nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; hoàn thành tốt chương trình, nội dung giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; giữ vững định hướng chính trị trong mọi hoạt động của Học viện, nhất là xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định trên các lĩnh vực, các mặt công tác. Đồng thời, chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phòng ngừa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm cao cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị của Học viện vững mạnh về chính trị, 100% cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nội bộ đoàn kết, thống nhất, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa người dạy và người học, tạo động lực tinh thần to lớn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phong trào thi đua đã hướng vào xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; trực tiếp động viên, khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; kết hợp chặt chẽ xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì, xây dựng đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ khoa học, tích cực chuẩn hóa cán bộ. Mọi hoạt động này đều được Học viện kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, các tổ chức: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn luôn đề cao vai trò, trách nhiệm, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ2, góp phần xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, 100% cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ còn tích cực hưởng ứng và tham gia tốt phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dân vận khéo”, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể3. Qua đó, củng cố và vun đắp mối quan hệ giữa Học viện và địa phương ngày càng gắn bó bền chặt.

Văn nghệ chào mừng Hội nghị Sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 05 năm thực hiện Chỉ thị 788 của Thường vụ Quân ủy Trung ương

Điểm nổi bật là, phong trào Thi đua Quyết thắng đã góp phần tạo động lực thúc đẩy mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm. Công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng đã trực tiếp tạo khí thế thi đua sôi nổi, nỗ lực thực hiện phong trào “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt, công tác tốt và phục vụ tốt”; thực hiện tốt hai khâu đột phá trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học: “chuyển mạnh từ giảng dạy chủ đề sang chuyên đề, nâng cao chất lượng bài giảng” và “đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nâng cao chất lượng các đề tài khoa học cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo”. Nội dung tập trung hướng vào xây dựng và thực hiện mô hình, mục tiêu, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự là người chủ trì về chính trị ở các cấp trong Quân đội. Đặc biệt, trong điều kiện một số lượng lớn cán bộ, giáo viên đi thực tế, đi giảng tập ở các đơn vị, song với tinh thần “một người làm việc bằng hai”, các cơ quan chức năng, khoa giáo viên đã có nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm sáng tạo, phát huy cao độ tinh thần chủ động của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, vừa đáp ứng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa là những tổ chức mẫu mực, mô phạm, tạo nên môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh ở từng đơn vị và toàn Học viện. Phong trào thi đua “Học tốt, rèn tốt” ở các đơn vị học viên được triển khai tích cực, chú trọng xây dựng động cơ, thái độ trách nhiệm trong học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất nhân cách của người cán bộ chính trị theo phương châm: “Học để làm người, làm việc, làm cán bộ; học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” như Bác Hồ căn dặn. Nhờ vậy, chất lượng tự học, tự nghiên cứu được nâng cao; Quy chế giáo dục, đào tạo được quán triệt và chấp hành nghiêm túc; kết quả học tập, rèn luyện của học viên đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Phong trào thi đua “Nghiên cứu khoa học tốt” hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo ở Học viện; tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện, Học viện luôn kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; tập trung đột phá “đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nâng cao chất lượng các đề tài khoa học cấp cơ sở’’ (năm 2018) và “tăng cường nghiên cứu cơ bản, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học” (năm 2019). Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức hoạt động khoa học, như: nghiên cứu đề tài; hội thảo khoa học; nghiên cứu biên soạn sách lịch sử, giáo trình, nhất là sách chuyên khảo về đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận4, v.v. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của Học viện không ngừng được nâng cao, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Để đẩy mạnh toàn diện các mục tiêu thi đua, Học viện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung đột phá trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ, quy định của Học viện. Các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý con người, quản lý vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất và chấp hành các quy chế, quy định, góp phần tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện trong các hoạt động. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện cải cách hành chính, nhất là việc hoàn thiện, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, giảng viên được đổi mới theo hướng tăng cường bám sát cơ sở, dân chủ và khoa học; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Cùng với đó, các phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, xây dựng đơn vị”; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”,... với các mô hình “Nhà xe thanh niên”, “Nhà kho kiểu mẫu”, “Đơn vị quân y 5 tốt”,... được các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, động viên ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng đảm bảo tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Học viện.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, phát huy kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, Học viện Chính trị tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, đảm bảo cho phong trào này thực sự là động lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, luôn xứng đáng là trung tâm hàng đầu về đào tạo cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự của Quân đội và Quốc gia.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĂN BẠO, Giám đốc Học viện
____
___________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 410.

2 - 100% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó trên 85% (riêng cán bộ chủ trì đạt 95%) hoàn thành tốt nhiệm vụ. 100% tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ, trong đó trên 95% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 98,5% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% tổ chức quần chúng đạt vững mạnh.

3 - Tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương 08 xã; sửa chữa, làm mới 03 nhà; tặng vở, dụng cụ học tập trị giá 125 triệu đồng; tặng 10 bộ ghế đá cho Trường Tiểu học Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên; sửa chữa, nâng cấp 01 trường tiểu học; khám, chữa bệnh 896 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá 260 triệu đồng, tặng dụng cụ y tế cho Trạm xá xã Phượng Tiến, trị giá 32 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà trị giá 450 triệu đồng, xây 04 Nhà tình nghĩa, 06 Nhà đồng đội, hỗ trợ quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trị giá 125 triệu đồng, v.v.

4 - 5 năm qua, Học viện đã nghiên cứu 04 đề tài cấp Nhà nước (đã nghiệm thu 03 đề tài, đạt xuất sắc); 13 đề tài cấp Bộ Quốc phòng (đã nghiệm thu 08 đề tài, trong đó có 07 đề tài đạt xuất sắc); 133 đề tài cấp Học viện; 124 đề tài cấp phòng, khoa, hệ; riêng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự triển khai 01 đề tài cấp Nhà nước, 05 đề tài cấp Bộ Quốc phòng. Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 53 bộ giáo trình, 188 tài liệu dạy học, 44 sách chuyên khảo, tham khảo; xuất bản được gần 269 đầu sách. Tổ chức 14 cuộc hội thảo khoa học cấp Học viện, 13 cuộc hội thảo cấp cơ sở, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.