Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:41 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 87 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hành nêu gương ở mọi lúc mọi nơi, tạo sự lan tỏa sâu rộng, trở thành mệnh lệnh không lời, thuyết phục cán bộ, chiến sĩ noi theo.
Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học) là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm hóa học trong chiến đấu binh chủng hợp thành; tham gia phòng, chống khủng bố, bạo loạn; khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, ô nhiễm môi trường, xử lý chất độc tồn lưu do chiến tranh để lại trên địa bàn các tỉnh miền Nam; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn, nhất là yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao; đội ngũ cán bộ có trên 90% gia đình ở xa (chủ yếu là phía Bắc), chiến sĩ ở nhiều miền quê khác nhau, có sự khác biệt về văn hóa, vùng miền; sự chống phá của các thế lực thù địch; tác động của mặt trái kinh tế thị trường, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp; trong đó, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đột phá “đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” là giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến tích cực, vững chắc trên các mặt công tác, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Trước hết, Lữ đoàn thường xuyên quán triệt, giáo dục những vấn đề cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết luận của Bộ Chính trị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết của Quân ủy Trung ương về nêu gương2. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch quán triệt, giáo dục thông qua các hình thức phong phú, thiết thực, như: học tập, quán triệt nghị quyết; sinh hoạt Đảng; giáo dục chính trị; tập huấn cán bộ; hệ thống truyền thanh nội bộ và thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Đảng ủy Binh chủng về nêu gương. Đó là một phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ và nhân văn để Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi; thông qua hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên để thuyết phục quần chúng tin Đảng, theo Đảng; là mệnh lệnh không lời đối với bộ đội. Đồng thời, thông qua nêu gương chính là quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân về mọi mặt, trở thành người cán bộ, đảng viên ưu tú, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực tự học, tự rèn, không ngại khó khăn gian khổ, chủ động, sáng tạo; phát huy cao độ trách nhiệm, gương mẫu trong cuộc sống và công tác, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Trước sự tác động nhiều chiều từ đời sống xã hội, nhất là từ mặt trái nền kinh tế thị trường hiện nay, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng đề cao trách nhiệm nêu gương về “đạo đức” của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo lời căn dặn của Bác: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”3 để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới noi theo. Thấm nhuần lời dạy đó, Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy các cơ quan, đơn vị hằng tháng phải dự báo, đánh giá chính xác, kịp thời những tác động tiêu cực để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tấm gương điển hình nhằm khơi dậy tinh thần tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn Đảng bộ. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Lữ đoàn yêu cầu phải xây dựng kế hoạch phấn đấu cụ thể, thiết thực và phải ra sức phấn đấu thực hiện, tránh bệnh hình thức, thành tích, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng và hành động thông qua các bản cam kết, đăng ký thực hiện chức trách, nhiệm vụ, để không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng. Trong thực hiện, phải nghiêm túc, tự giác, không phụ thuộc vào các chế tài, quy định mà phải coi tự tu dưỡng, rèn luyện như “rửa mặt hàng ngày” theo lời Bác dạy: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”, để trau dồi tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thực sự giữ gìn và thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày, xây dựng hình ảnh, uy tín của người cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, 100% cán bộ, đảng viên của Lữ đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn phát huy, lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Cùng với đó, Lữ đoàn tập trung đề cao trách nhiệm trong sinh hoạt, công tác của mỗi cán bộ, đảng viên theo lời Bác dạy: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”4. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn chủ trương thực hiện “4 cùng”; “3 trước, 2 sau” đối với bộ đội và quy trình “4 rõ” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Trong thực hiện “4 cùng”5, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ chủ trì, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tận tâm, tận tụy với công việc, gắn bó với cơ quan, đơn vị, sâu sát đến hoạt động của bộ đội trong mọi công việc, điều kiện, hoàn cảnh; ở đâu có bộ đội ở đó có cán bộ kiểm tra, hướng dẫn, cùng làm với bộ đội; cán bộ các cấp, nhất là cấp trung đội, đại đội hết mực yêu thương đồng chí, đồng đội, luôn động viên, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hằng ngày; tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập công tác, nhất là trong những lúc khó khăn, gian khổ, thực sự trở thành những người anh, người chị, người bạn đối với bộ đội, tạo môi trường đoàn kết, cởi mở, gần gũi, tình cảm, trách nhiệm; xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, thực sự là ngôi nhà thứ hai của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Trong thực hiện “3 trước, 2 sau”6 đối với bộ đội, Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc việc làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt, công tác. Cán bộ, đảng viên phải luôn đi trước trong thực hiện nhiệm vụ, luôn đi sau trong sinh hoạt thường ngày; lo cho tập thể, lo cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền trước, sau đó đến cá nhân mình và luôn đặt lợi ích của tập thể lên trước lợi ích bản thân. Để nâng cao chất lượng thực hiện quy trình “4 rõ”7, Lữ đoàn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hình thành phương pháp, tác phong làm việc khoa học, cụ thể, tỉ mỉ. Mỗi một công việc phải xác định rõ công việc đó thuộc về ai, năng lực, trình độ, khả năng phương pháp, tác phong công tác, sở trường của cán bộ đó như thế nào, thực hiện nhiệm vụ gì, tiến hành ra sao, trách nhiệm như thế nào. Mỗi một nhiệm vụ được triển khai, thực hiện rõ ràng, cụ thể, minh bạch, dễ làm, dễ thực hiện, phát huy được sự sáng tạo, tự chủ, tích cực nghiên cứu, tìm tòi của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự đồng thuận, thống nhất từ triển khai đến tổ chức thực hiện, phân công phụ trách thực hiện chặt chẽ, đúng người, đúng việc. Nhờ đó, những năm qua, chất lượng thực hiện nhiệm vụ trong toàn Đơn vị ngày càng được nâng cao, 100% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Đề cao nêu gương về tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên được Lữ đoàn hết sức coi trọng và luôn xem đó là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, quần chúng. Đây cũng là việc làm thiết thực theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”8. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ, sáng tạo trong tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ. Trong thực hành nêu gương, phải phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình với động cơ trong sáng, thái độ chân thành, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, bao che khuyết điểm; thực hiện tốt phương châm cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình cho cấp dưới noi theo. Nhờ đó, tính đấu tranh, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, quần chúng được phát huy rộng rãi, ngăn chặn hiệu quả biểu hiện suy thoái phẩm chất, đạo đức lối sống; khắc phục nhận thức sai trái, lệnh lạc trong mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Hiệu quả từ việc học tập, làm theo lời Bác Hồ dạy ở Lữ đoàn 87 là cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xứng đáng là tấm gương để quần chúng noi theo, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGUYỄN ANH TẤN, Chính ủy Lữ đoàn ________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.
2 - Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”; Quy định số 55/QĐ-TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, v.v.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 601.
4 - Sđd, Tập 15, tr. 546.
5 - 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng chia sẻ.
6 - 3 trước: dậy trước, làm trước, nêu gương trước; 2 sau: ăn sau, ngủ sau.
7 - 4 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm.
8 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 611.
Chủ tịch Hồ Chí Minh,Lữ đoàn 87,trách nhiệm nêu gương,tự phê bình và phê bình,tập trung dân chủ
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi xây dựng “Chi bộ bốn tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh 16/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm