Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:16 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động, mà còn là hình mẫu, tấm gương sáng ngời trong thực hành Thi đua yêu nước. Điều đó đã cổ vũ mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, đưa cách mạng đi tới thắng lợi.
Nói đến tấm gương mẫu mực của Hồ Chí Minh về thi đua và Thi đua ái quốc là nói đến những cống hiến vô giá của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trên tất cả các bình diện: tư tưởng, đạo đức và phong cách. Đó là một hệ thống chỉnh thể các giá trị văn hóa mà Người đã dày công gây dựng và thực hành, tạo nên hiệu ứng xã hội rộng lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sức sống bền bỉ trong lòng nhân dân, trong toàn Đảng và đời sống xã hội.
Tấm gương mẫu mực và sự cống hiến xuất sắc của Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc thể hiện tập trung, nổi bật trên ba mặt: (1). Lý luận về Thi đua ái quốc. (2). Tổ chức giáo dục, tuyên truyền, vận động không mệt mỏi để Thi đua ái quốc thành phong trào và lực lượng, phát triển rộng khắp, mạnh mẽ trong xã hội, được toàn dân ủng hộ, tham gia, có những đóng góp to lớn, góp thành thế và lực của cách mạng. Thực tiễn phát triển và thành công của phong trào Thi đua ái quốc đã minh chứng cho sự đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Thi đua ái quốc - một tư tưởng có tầm chiến lược của Người. (3). Tự mình thực hành Thi đua ái quốc, suốt đời rèn luyện, phấn đấu để nêu gương đạo đức, văn hóa, lối sống của Người. Từ tấm gương của Bác cũng như từ thực tiễn phong trào, tổng kết và khái quát thành lý luận, góp phần vào sự phát triển lý luận cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Với việc khởi xướng, phát động, bền bỉ giáo dục, tuyên truyền, vận động Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh đã phát hiện và chứng minh đó là một trong những quy luật phát triển của cách mạng nước ta; làm cho nó phát huy tác dụng trong thực tiễn kháng chiến, kiến quốc bằng sức mạnh của lòng yêu nước, của đạo đức cách mạng. Thúc đẩy, khích lệ, cổ vũ mọi người sáng tạo, tích cực hóa tư tưởng và xã hội hóa trong hoạt động của toàn dân để đồng tâm nhất trí, đoàn kết và tin tưởng, nhân lên sức mạnh của quân và dân ta trong chiến đấu, sản xuất và công tác nhằm đi tới thắng lợi. Người đề ra khẩu hiệu hành động, cũng là mục tiêu và phương châm: vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành. Đồng thời, nêu ra một nhận định tổng quát: Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền. Đó cũng là thái độ và phương pháp lựa chọn giá trị, đánh giá giá trị trên quan điểm thực tiễn, quan điểm nhân dân của Người.
Thông qua việc chỉ đạo thực hiện phong trào Thi đua ái quốc một cách cụ thể, thiết thực, hướng vào những mục đích trước mắt cũng như lâu dài, Hồ Chí Minh đã tỏ rõ phong cách và bản lĩnh của con người hành động với tài năng tổ chức và sự sâu sắc, tinh tế trong giáo dục, vận động, tuyên truyền Thi đua ái quốc. Hoạt động thực tiễn của Người trong thực hành Thi đua ái quốc là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật; giữa chính trị với đạo đức và văn hóa; hài hòa giữa cá nhân và tập thể, cộng đồng xã hội. Đó là nền tảng quan trọng để Thi đua ái quốc có sức sống và giá trị lâu dài. Với tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng sâu sắc và biết khơi dậy sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh đã làm cho Thi đua ái quốc từ tư tưởng dẫn đến hành động, từ khả năng trở thành hiện thực; nhen lửa cho đời sống mới, văn hóa mới của nhân dân ta; đào luyện nên những anh hùng, chiến sĩ thi đua trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước”, Người xác định mục đích trực tiếp và mục tiêu lâu dài của Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất1. Người viết: “Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi/ Kiến quốc nhất định thành công”2. Nhân ngày Quốc tế lao động (ngày 01-5-1948), Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi đồng bào lao động toàn quốc”; Người kêu gọi: “Hôm nay cả nước đang mở một phong trào Thi đua ái quốc. Mỗi một người và toàn thể công nhân ta, phải ra sức xung phong trong cuộc thi đua ấy”3. Người chỉ dẫn và khích lệ: Anh chị em lao động toàn quốc phải gắng làm kiểu mẫu trong sự tăng gia sản xuất về mọi ngành. Anh chị em công nhân ở vùng tạm bị địch chiếm phải gắng làm cho tê liệt nền kinh tế của quân địch. Bên này thi đua kiến thiết. Bên kia thi đua phá hoại. Hai bên lại lấy thành tích mà thi đua với nhau. Người kết luận: tham gia kháng chiến, tham gia Thi đua ái quốc đều có công với nước nhà. Như vậy, kháng chiến sẽ chóng thắng lợi. Thống nhất, độc lập sẽ chóng thành công. Toàn thể đồng bào lao động sẽ chóng được giải phóng.
Những chỉ dẫn của Người đã làm nổi bật tư tưởng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”4. Thi đua mang nội dung cụ thể, trực tiếp là tăng gia sản xuất, là kinh tế; đồng thời, thi đua còn có ý nghĩa chính trị quan trọng, bởi nó thể hiện lòng yêu nước, xây dựng chế độ, sự tham gia hành động của mọi người, làm đất nước mạnh lên, con người tiến bộ hơn, phát huy sáng kiến, sáng tạo của nhân dân, đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc tới thành công.
Báo cáo tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ trong hoàn cảnh kháng chiến (ngày 27-5-1948), Người đã nhấn mạnh những điều cốt yếu, quan trọng để thúc đẩy phong trào Thi đua ái quốc: “Nước ta chỉ có một lực lượng: Toàn dân đoàn kết. Chỉ có một mục đích: Tranh thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc. Chỉ có một cách để đạt mục đích ấy: Trường kỳ kháng chiến. Chỉ có một Chính phủ đủ sức lãnh đạo kháng chiến: Chính phủ Dân chủ Cộng hòa ta. Chỉ có một cách ủng hộ Chính phủ ta: Mọi người đều gắng sức làm kiểu mẫu trong cuộc Thi đua ái quốc”5. Như vậy, Người không chỉ đề cập tới quan điểm và phương châm thuộc về đường lối, chủ trương mà còn làm rõ cả lực lượng, nội dung và phương pháp, đoàn kết toàn dân theo sự lãnh đạo của Chính phủ.
Trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” (ngày 11-6-1948) - văn kiện chính trị nổi bật, có ý nghĩa của một Cương lĩnh, một kế hoạch hành động chỉ đạo phong trào Thi đua yêu nước toàn quốc và toàn dân, Hồ Chí Minh xác định mục đích của Thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Để đạt tới mục đích đó, cần phải có cách làm. Đó chính là phương pháp khoa học sao cho thiết thực, hiệu quả. Người nêu rõ cách làm ấy, dựa vào dân, lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân. Theo đó, “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến…”6.
Hồ Chí Minh xác định và tin tưởng kết quả đầu tiên của thi đua sẽ là: toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập, hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người kêu gọi các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Như thế, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc, phong trào sẽ sôi nổi. Phong trào Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp nơi,… thi đua giúp chúng ta dẹp tan mọi khó khăn và mọi âm mưu của địch, để đi đến thắng lợi cuối cùng. Kết thúc Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”7.
“Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” đã thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân dân, tư tưởng đoàn kết - dân chủ - sáng tạo của Hồ Chí Minh, niềm tin mãnh liệt của Người vào vai trò và sức mạnh của nhân dân; đồng thời, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Người vào xu thế, triển vọng của phong trào Thi đua yêu nước, vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong Lời kêu gọi của Người, những giá trị và ý nghĩa về tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào Thi đua yêu nước vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật của lãnh đạo chính trị mà Người đã chỉ dẫn cho chúng ta, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” đã kết tinh trong đó cả trí tuệ, tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm cao cả của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây đắp nền tảng cho chế độ dân chủ cộng hòa, phấn đấu hy sinh cho độc lập - tự do - hạnh phúc của nhân dân. Người đã nêu gương thực hành Thi đua ái quốc - một tấm gương điển hình, mẫu mực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo. Từ hoài bão, khát vọng, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là độc lập - tự do của Tổ quốc và dân tộc, hạnh phúc của nhân dân; ý thức thực hành cần, kiệm, liêm, chính, nêu cao đạo đức cách mạng, suốt đời không màng danh lợi, chỉ sống và làm việc vì dân vì nước. Cho đến trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người cũng chỉ nuối tiếc một điều “không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”8. Đó là sự cao thượng trong lẽ sống, trong nhân cách của Hồ Chí Minh.
Không chỉ là người khởi xướng, tuyên truyền, Hồ Chí Minh còn luôn là người đi đầu trong thực hành thi đua. Cả cuộc đời, Người luôn sống một cuộc sống giản dị, mẫu mực và là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm. Trên cương vị Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến người nghèo: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”9. Một hôm, Người đi họp về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm, nhưng Bác kiên quyết từ chối không ăn, mặc dù Bác chưa ăn cơm. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm!
Suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân như chống một kẻ thù nguy hiểm nhất, để toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người từ chối mọi danh hiệu, mọi phần thưởng, mọi huân chương dành cho mình với một đức hy sinh và khiêm nhường vô hạn. Người nâng niu giá trị con người, chăm lo cho sự phát triển của mỗi cá nhân, cho toàn dân mà Người hết lòng thương yêu và tin cậy, bởi như Người nói: Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp.
Tấm gương mẫu mực của Hồ Chí Minh trong thực hiện Thi đua ái quốc cho thấy vai trò và những cống hiến đặc sắc của Người trong lãnh đạo và quản lý, trong tổ chức và giáo dục, trong gây dựng và phát triển lực lượng lớn mạnh của toàn dân nhằm đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc tới thắng lợi. Tư tưởng và tấm gương đó mãi mãi thắp sáng ngọn lửa của niềm tin và hy vọng cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới và phát triển vì một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
GS,TS. HOÀNG CHÍ BẢO, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - Trung tá LÊ CÔNG THUYẾT, Học viện Phòng không - Không quân ____________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 513.
2, 3 - Sđd, tr. 513, 514.
4 - Sđd, Tập 7, tr. 407.
5, 6, 7 - Sđd, Tập 5, tr. 535, 556, 558.
8 - Sđd, Tập15, tr. 615.
9 - Sđd, Tập 4, tr. 33.
Hồ Chí Minh,Thi đua ái quốc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam