Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 01/09/2014, 21:38 (GMT+7)
Tuyên ngôn Độc lập - bản tuyên bố về nhân quyền ở Việt Nam

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) là một kiệt tác, một áng văn lập quốc vĩ đại. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH, bản Tuyên ngôn độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh cho quyền con người (QCN)

Độc lập, tự do của mỗi dân tộc cũng như QCN, trong đó quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mà tạo hóa đã ban cho con người. Lịch sử nhân loại ken dày những cuộc đấu tranh cho những giá trị đó. Nhiều tư tưởng tiến bộ trên thế giới đã sản sinh ra những tuyên ngôn bất hủ về QCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) và đặt cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, QCN ở Việt Nam vào dòng chảy của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới.

Quan điểm độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập là ở chỗ, Người đã gắn QCN vào quyền của dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai cũng là cuộc đấu tranh vì nhân quyền - quyền độc lập tự do của mỗi dân tộc . Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng trích đoạn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nhưng khái quát cao hơn, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”1. Theo đó, điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa ở đây là cụm từ: “Tất cả mọi người…” được nâng tầm thành “Tất cả các dân tộc…”. Sự phát triển này là chính xác, bởi lẽ, nước mất độc lập thì tất yếu người dân mất tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì bảo đảm cho nhân quyền. Do đó, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy QCN trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nước ta. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng của các thành tố làm nên một thể thống nhất: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giai cấp và giải phóng con người.

Cuộc sống của con người luôn phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, quyền đó của mọi người dân đều bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đế quốc, phong kiến tay sai trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ; thi hành những luật dã man; lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất đất nước và sự đoàn kết của toàn dân tộc. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi; tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu; thực hiện chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy, cướp ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu, độc quyền in giấy bạc, xuất - nhập cảng, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân bần cùng; tìm mọi cách không cho các nhà tư sản Việt Nam giàu lên, v.v.

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi bọn thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tư do và QCN. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam nhất quyết không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam. Thành quả QCN ở Việt Nam có cơ sở từ cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chứ không phải tự nhiên từ đâu đến. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”2.

Cuộc đấu tranh không ngừng để bảo đảm và phát huy QCN

Độc lập dân tộc là yếu tố khởi đầu nhưng không phải là yếu tố duy nhất bảo đảm cho QCN. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”3. Con người được sống trong đất nước độc lập nhưng phải được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó chính là chất lượng sống của nhân dân trong chế độ mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”4. Những giá trị về QCN do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho QCN và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.

Sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều này chứng tỏ, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với tư cách là nước ký Công ước quốc tế về QCN. Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. Mặc cho một số thế lực cố tình đả kích, phủ nhận, với cái nhìn phiến diện, sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhưng những thành tựu về bảo đảm và phát huy QCN ở Việt Nam là sự thật khách quan, không ai có thể cố tình chối cãi được. Hiện nay, với những thành tựu về việc bảo đảm QCN (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã dành hẳn một phần rất quan trọng quy định về QCN. Với quy định chung “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật” (Điều 14). Theo đó, nội dung về QCN ở Việt Nam đã được xác định một cách căn bản, hệ thống trong các văn bản pháp luật của Nhà nước; đồng thời, Việt Nam thừa nhận những giá trị chung của nhân loại về QCN. Cũng tại Hiến pháp nêu trên, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm, mở rộng và phát triển QCN được quy định rõ hơn. Đây là kết quả của một quá trình gian khổ qua gần 30 năm đổi mới đất nước. Trong tiến trình ấy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự tác động của tình hình quốc tế cũng như trong nước, nhưng vẫn có sự tăng trưởng với sự phát triển của các thành phần kinh tế. Việc làm và đời sống - những lĩnh vực đo chỉ số rõ nhất cho sự bảo đảm QCN, đã có sự tiến bộ mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế đã tạo điều kiện cho Nhà nước đầu tư ngày càng nhiều hơn cho giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn cũng như bảo đảm các chính sách an sinh xã hội khác. Việt Nam là một điểm sáng của Liên hợp quốc về việc phấn đấu cho các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Thu nhập bình quân đầu người năm 1990 đạt khoảng 200 USD, nhưng năm 2008 đã lên 1.024 USD và năm 2013 lên 1.960 USD. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) năm 1993 là 58,1% nhưng đến năm 2007 còn 14,82% và năm 2013 còn 7,8%. Các lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, tinh thần, sự bảo đảm dân chủ,… đều có tiến bộ. Tuy sự phát triển của đất nước so với yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội vẫn còn hạn chế, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trên lĩnh vực bảo đảm QCN.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục ra sức xuyên tạc, công kích, bóp méo về thực trạng QCN ở Việt Nam. Trên lĩnh vực bảo đảm dân chủ, quyền tự do của con người, họ cho rằng: Việt Nam chưa có dân chủ cho nên con người không được bảo đảm về quyền chính trị, kinh tế, văn hóa (!) Phải khẳng định ngay, đây là một nhận định hết sức phi lý! Trên thực tế, vấn đề dân chủ đã được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thường xuyên quan tâm. Đó là nền dân chủ thật sự, mà ở đó, quyền làm chủ của người dân được bảo đảm cả về mặt pháp lý và trên thực tế. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Dân chủ đúng đắn bao giờ cũng đã bao hàm cả kỷ cương và ngược lại, kỷ cương đúng đắn cũng đã bao hàm cả tính dân chủ thực sự. Những năm qua, một số cá nhân tự nhận mình là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh cho nhân quyền”,… vi phạm pháp luật đã được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”! Trong xã hội chắc chắn có nhiều tâm trạng và những ý kiến khác nhau, có khi chúng biểu hiện ra một cách bình thường, nhưng có khi chúng biểu hiện một cách gay gắt. Đó là điều dễ hiểu, nhất là trong một xã hội đang phát triển. Điều này hoàn toàn khác với việc một số người cố tình vi phạm pháp luật, có tư tưởng và hành động kích động bạo lực, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống đối Đảng và chính quyền nhà nước, đi ngược lại lợi ích của toàn dân. QCN ở đây là quyền được làm những điều phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, thuần phong mỹ tục và lợi ích chung của dân tộc mà trong đó mỗi cá nhân sống.

Về hệ thống chính trị, họ phủ nhận sạch trơn vai trò những tổ chức của hệ thống chính trị trong việc bảo đảm QCN. Đặc biệt, các thế lực hận thù với sự nghiệp cách mạng Việt Nam luôn tìm mọi cách phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Xét cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải vì mục đích tự thân mà là tất cả vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước và sự nghiệp giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, làm cho con người phát triển toàn diện. Tất cả vì con người - đó là mục tiêu và cũng là khẩu hiệu hành động xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải thế lực chính trị nào khác, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo đảm và phát huy QCN ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn lao trong lĩnh vực này khi thực thi đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong gần 30 năm đổi mới đất nước là nhân tố có tính chất quyết định làm thay đổi tích cực diện mạo, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về QCN. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là phủ nhận điều kiện, nguyên nhân chính cốt làm nên những thành tựu trong sự tiến bộ về QCN ở Việt Nam.

Gần đây, nhân sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng với những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta liên quan đến tái cấu trúc kinh tế và cải cách thể chế,… một số người tự xưng là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh cho nhân quyền” công khai đòi bỏ ý thức hệ, thay đổi thể chế chính trị để mong lái Việt Nam đi theo con đường khác. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, đi quá giới hạn của sự bày tỏ ý kiến một cách thông thường; là sự công khai tiến công trực diện vào chế độ XHCN của Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn cố gắng thông qua đường lối, chủ trương, pháp luật, chính sách và hành động thực tế để cải thiện nhiều hơn nữa vấn đề bảo đảm và phát huy QCN trong giai đoạn hiện nay. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam có những khó khăn, vướng mắc riêng của mình. Điều đó là do đặc điểm lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, nhưng Việt Nam đều có trách nhiệm chung cho vấn đề QCN theo Công ước về QCN của Liên hợp quốc mà mình đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, Việt Nam quyết không để cho bất kỳ thế lực nào lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước, càng không để bất cứ thế lực đen tối nào phá bỏ thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã giành được trên con đường quá độ lên CNXH.

Đã 69 năm trôi qua, lời thề lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn độc lập luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Thông điệp của Tuyên ngôn độc lập cho thế hệ người Việt Nam là: quyết giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như thế và trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân quyền mới được bảo đảm. Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam là nhân tố nền tảng cho sự tiến bộ không ngừng của QCN.

QUANG THẮNG

_______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 1.

2, 3 - Sđd - tr. 3.

4 - Sđd - tr. 64.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.