Thứ Hai, 25/11/2024, 10:40 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Để đề nghị xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người tin vào luận điểm “Chế độ độc đảng làm tăng tham nhũng, cản trở dân chủ và sự phát triển”; từ đó, đề xuất việc duy trì chế độ đa đảng. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới và ở nước ta trong thời cận, hiện đại đều cho thấy: những nội dung nói trên không phụ thuộc vào việc quốc gia đó thực hiện chế độ một đảng hay đa đảng.
Nói về nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, thử nhìn vào các nước duy trì thể chế chính trị tư sản và thực hiện chế độ đa đảng cũng thấy rõ: tình trạng tham nhũng ở nhiều nước vẫn rất nghiêm trọng. Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Internation) vào năm 2011, trong các nước đứng cuối bảng xếp hạng thì chủ yếu vẫn là các nước duy trì chế độ đa đảng, như: Băng-la-đet: 2,7 điểm; Phi-lip-pin: 2,6 điểm; Pa-ki-xtan: 2,5 điểm; Pa-pua Niu-ghi-nê: 2,2 điểm, Ap-ga-ni-xtan: 1,5 điểm (xếp thứ 180/183 nước); trong khi đó, Việt Nam có số điểm 2,9 đứng thứ 112/183 nước. Cũng theo cách phân loại của Tổ chức Minh bạch Quốc tế thể hiện trong Bản tổng kết mang tên Barometer 2010/2011 (tức phong vũ biểu) nhằm xác định loại hình tổ chức, cơ quan dính nhiều đến tham nhũng nhất, thì các nước duy trì chế độ đa đảng, như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ca-na-đa, Ác-hen-ti-na, Úc, Nhật, Ý, Hàn Quốc, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Séc, Phần Lan, Ấn Độ, I-rắc, Lat-vi-a, Li Băng, Niu-di-lân, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... được xếp vào nhóm “tham nhũng nghiêm trọng ở các đảng phái chính trị”; trong khi đó, Việt Nam và các nước XHCN hiện nay không có tên trong nhóm này. Điều đó chứng tỏ rằng, nguyên nhân của tham nhũng nghiêm trọng không do chế độ một đảng hay đa đảng.
Nghiên cứu kỹ chế độ đa đảng ở phương Tây để tìm hiểu mối quan hệ giữa chế độ đa đảng và tình trạng dân chủ cũng thấy, về hình thức thì các đảng chính trị đều có thể “tự do”, “bình đẳng” để trở thành đảng cầm quyền thông qua đấu tranh nghị trường; nhưng trong thực tế, chỉ có các đảng lớn, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chấp chính. Hơn nữa, chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản thực ra đều dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, vì đó chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các phe cánh của các tập đoàn tư bản lớn; và trong những thời điểm nhất định, thực chất vẫn chỉ có một đảng cầm quyền, nhất là khi đảng đó chiếm đa số trong quốc hội. Nhìn vào nước Mỹ, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, chỉ có Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, mà 2 đảng này chỉ khác nhau về tên gọi và một số chính sách, chứ khó tìm thấy sự khác nhau về bản chất và lập trường giai cấp cùng hệ tư tưởng; còn Đảng Cộng sản Mỹ, có thời kỳ còn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và ngày nay, luật pháp Mỹ giới hạn hoạt động của Đảng này trong một không gian chính trị nhỏ bé, nên không bao giờ có sự “bình đẳng” để dân chủ đấu tranh giành vị trí cầm quyền. Mặt khác, do những rối loạn của hệ thống chính trị đa nguyên mà trong những giai đoạn lịch sử nhất định, ở một số nước duy trì chế độ đa đảng vẫn xuất hiện các nhà “độc tài” và chính quyền quân sự, như trước thế chiến thứ hai, chế độ chính trị đa nguyên tư sản đã đẻ ra trùm phát xít Hitle của nước Đức và Mussolini của nước Ý. Trong thế kỷ XX, ở những bối cảnh lịch sử nhất định, người ta còn được chứng kiến các chế độ độc tài ở nhiều nước đi theo thể chế chính trị đa đảng, như: ở Hàn Quốc với chính quyền Păc-chung-hy, In-đô-nê-xia với chính quyền Xu-hac-tô, Phi-lip-pin với chính quyền Ferdinan Marcos, Pa-ki-xtan với 2 nhà độc tài quân sự: Ayub Khan và Zia Ul Haq, Chi-lê với chính quyền Pi-nô-chê, I-rắc với chính quyền X.Hut-xen, Li-bi với chính quyền Ca-đa-phi, Ai cập với chính quyền Mu-ba-rắc... Ngay ở miền Nam Việt Nam trước đây, chế độ ngụy cũng áp dụng thể chế chính trị kiểu Mỹ, nhưng lịch sử vẫn phải chứng kiến giai đoạn khát máu của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm; và sau này, như James Du viết trong bài “Dân chủ đa nguyên của những kẻ mắc bệnh tâm thần” đăng trên Treonline (báo điện tử của người Việt ở Mỹ) rằng: chính Nguyễn Văn Thiệu cũng duy trì “chế độ Diệm mà không có Diệm” cho mãi đến cuối tháng 4-1975... Điều đó cho thấy, chế độ đa đảng không phải là một bảo đảm để có dân chủ; bởi trong nhiều trường hợp, chính chế độ đó lại làm nảy sinh tình trạng “độc tài”.
Còn nguyên nhân những bất ổn về kinh tế - xã hội và của những cuộc khủng hoảng chính trị, thì nhìn ngay vào nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đứng trước nguy cơ tuyên bố phá sản quốc gia do bế tắc trong việc giải quyết tình trạng nợ công trầm trọng để thấy rằng, tình trạng đó không có mối liên hệ gì với việc duy trì chế độ độc đảng cả, vì các nước này đều là các nước tư bản gắn với chế độ đa đảng đã có từ lâu. Hiện nay, để được nhận các gói cứu trợ từ IMF và Ngân hàng châu Âu, các nước này phải thực hiện các chính sách khắc khổ; mà hậu quả là làm tăng số người thất nghiệp, đẩy người lao động vào cảnh bần cùng. Theo công bố của cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu, trong tháng 10 năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone đã tăng đến mức kỷ lục: 12%; riêng ở Tây Ban Nha, Hy Lạp lên tới trên 25%, tức là cứ 4 người lao động có 1 người thất nghiệp. Tình cảnh ảm đạm đó khiến người dân các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ… tiến hành nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ; trong đó, có những cuộc biểu tình nhuốm màu bạo lực ở Hy Lạp làm chết và bị thương nhiều người.
Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thấy rõ, các nước: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin đều duy trì chế độ đa đảng, nhưng vẫn phải thường xuyên đối mặt với các cuộc khủng hoảng chính trị, rối loạn xã hội do đảo chính, bạo lực, chia rẽ… Ở Thái Lan, cứ mấy năm lại có một cuộc đảo chính quân sự; những năm gần đây, sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thặc-xỉn, các chính đảng với các phe phái đủ “sắc màu” cũng đấu đá với nhau liên miên làm cho chính trị và kinh tế của nước này nhiều năm lâm vào khủng hoảng. Ở In-đô-nê-xi-a, khủng hoảng chính trị và tình trạng bạo lực đã dẫn đến việc Đông Ti-mo tách ra thành quốc gia độc lập Ti-mo Lex-te cách đây ít năm và hiện nay, họ vẫn đang phải đối mặt với việc đòi độc lập của Acer.
Vậy là, việc duy trì chế độ độc đảng hay đa đảng không phải là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, độc tài hay cản trở sự phát triển như luận điệu của các thế lực thù địch thường rêu rao. Việc duy trì chế độ độc đảng hay đa đảng phụ thuộc vào những điều kiện chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo… cụ thể của mỗi dân tộc; và mỗi quốc gia, dân tộc lựa chọn thể chế chính trị nào, đa đảng hay một đảng là quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với Điều 1 của cả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, lẫn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà Liên hợp quốc đã thông qua.
Ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, sự lãnh đạo độc tôn của Đảng luôn là nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn khách quan của lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước trong hòa bình, chứ không phải là ý muốn chủ quan của những người cộng sản. Do vậy, nói “Chế độ độc đảng làm tăng tham nhũng, cản trở dân chủ và sự phát triển” là bịa đặt, coi thường tính khách quan của lịch sử. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không một lực lượng chính trị nào ở Việt Nam có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn để tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Lịch sử đã ghi nhận rằng, trong mấy chục năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân ta đã liên tục vùng lên dưới ngọn cờ lãnh đạo của các giai cấp: phong kiến, tiểu tư sản và tư sản dân tộc để đấu tranh chống thực dân Pháp, nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, nhưng không có lấy một thành công; bởi các ngọn cờ đó không phù hợp với xu thế của thời đại, không đưa ra được đường lối đúng đắn cho phép giải quyết các mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, không thỏa mãn được lợi ích và nguyện vọng chính đáng của cả dân tộc, nên không tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc. Chính sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò kiệt xuất của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước của dân tộc ta lúc đó; đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945; tiếp đó là giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mở đầu thời kỳ tan rã hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa thực dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng chính Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục độc tôn lãnh đạo nhân dân cả nước đánh bại mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH.
Có một thực tế là, trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, cũng có lúc, trên đất nước ta có nhiều đảng. Thế nhưng, có những đảng đi ngược chiều với lợi ích của dân tộc, không vượt qua được những khắc nghiệt của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp, nên bị lịch sử đào thải, tan rã cùng với những lực lượng phản cách mạng. Bên cạnh đó, có những đảng đi cùng chiều với lợi ích của dân tộc, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, đã tự nguyện tuyên bố kết thúc sứ mệnh. Ngày nay, cũng chính Đảng Cộng sản Việt Nam là người khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới 27 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn, rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, nên không thể coi một đảng lãnh đạo là cản trở sự phát triển. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá (kể cả trong giai đoạn 2007 - 2009, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng) đã đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước kém phát triển để bước vào nhóm nước đang phát triển; công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả ngoạn mục, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, nước ta được xem là một trong những nơi an toàn nhất thế giới, là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài. Việc nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO; được 183/190 nước thành viên Liên hợp quốc bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009; được các nước ASEAN bầu giữ chức Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 – 2017; và đầu năm nay, Tổng Bí thư Đảng ta được nguyên thủ một số nước Tây Âu mời sang thăm với những nghi thức chào đón trọng thị... đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Từ chỗ là một thuộc địa của thực dân Pháp, không có tên trên bản đồ thế giới; ngày nay, nước ta đã là một quốc gia có chủ quyền cả trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ (với việc sở hữu 2 vệ tinh: VINASAT - 1 và VINASAT - 2); đồng thời, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và có uy tín trong Liên hợp quốc (từng làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong 2 tháng). Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Những thành tựu to lớn đó luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, ở Việt Nam trong mấy chục năm qua, các tầng lớp nhân dân đều thừa nhận sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại đa số nhân dân thực sự coi Đảng là lực lượng lãnh đạo, là người đại biểu trung thành cho lợi ích của mình, bởi họ hiểu rõ rằng: ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác. Thực tế đó đã được các nhà nghiên cứu của Viện Phát triển quốc tế thuộc trường Đại học Ha - vớt (Hoa Kỳ) nhận xét trong một công trình nghiên cứu cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA): “Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, đó là một Đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng và Đảng đã có được sự chấp nhận rộng rãi của quần chúng. Ở Việt Nam, trong tương lai, khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Cũng cần khách quan khẳng định rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm; nhưng với bản chất của một đảng cách mạng, Đảng đã sớm nhận ra khuyết điểm, dũng cảm nhận thiếu sót và chủ động đưa ra các chủ trương, giải pháp khắc phục có hiệu quả để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu những khuyết điểm, hạn chế của Đảng. Đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt ở tất cả các cấp bộ đảng1 thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và bước đầu đáp ứng lòng mong mỏi của đại đa số nhân dân. Nhiều hành động quyết liệt, công khai, minh bạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thời gian qua trong việc đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, cải cách bộ máy hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường hiệu quả chống tiêu cực, tham nhũng và chăm lo an sinh xã hội… là những thông điệp chứng tỏ: Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cách mạng, chân chính và mạnh mẽ, đủ sức hiện thực hóa mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà nhân dân giao phó. Điều đó cho thấy, Việt Nam hiện nay không có nhu cầu và không có cơ sở xã hội cho việc thực hiện chế độ đa đảng và việc khẳng định Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này là hoàn toàn có cơ sở. Luận điểm cho rằng “Chế độ độc đảng làm tăng tham nhũng, cản trở dân chủ và sự phát triển” chỉ là thủ đoạn lừa bịp nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng được xây đắp bằng xương máu của bao thế hệ người Việt Nam. Thủ đoạn đó cần phải lên án mạnh mẽ.
NGUYỄN NGỌC
___________
1 - Năm 2012, kỷ luật 15.913 đảng viên, trong đó khai trừ 1.687.
dân chủ và phát triển
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm