Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2013, 15:46 (GMT+7)
Một sự so sánh khập khiễng nhằm dụng ý xấu

Như đã thành thói quen, cứ vào dịp đất nước ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là trên một số trang mạng và cơ quan truyền thông ở nước ngoài lại tung ra những thông tin xuyên tạc sự thật, bóp méo lịch sử, bôi nhọ thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam. Gần đây nhất, trong một số bài viết, có người còn so sánh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam với cuộc chính biến tháng 8-1991 ở Liên Xô (trước đây).

Đọc những bài viết ấy, những người Việt Nam yêu nước và có lòng tự trọng không khỏi bức xúc, bất bình trước sự so sánh khập khiễng với dụng ý xuyên tạc sự thật và những ý kiến cá nhân mang tính tư biện, suy diễn một cách chủ quan, phiến diện của một số người. Khi được hỏi cảm nhận về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, trên Đài BBC, một nhân vật “trở cờ” lưu vong tự xưng là tham gia vào cả hai sự kiện đã nói rằng: “Chúng tôi tham gia Cách mạng Tháng Tám với ý nghĩ chân thành, đất nước được tự do, độc lập, với những lời hứa hẹn của Việt Minh lúc bấy giờ là mở rộng dân chủ, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, hội họp, ngôn luận… Đáng tiếc là, khi Đảng Cộng sản Việt Nam lên cầm quyền những điều đó đã không được thực hiện”. Người này càng tỏ rõ sự hồ đồ khi cho rằng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam và "cách mạng dân chủ" (theo cách nghĩ của họ) ở Nga năm 1991, đều thất bại (!), vì đã "không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân...". Không hiểu họ lấy tư cách gì mà phán xét như vậy?

Điều dễ nhận thấy ở đây là, họ đã cố tình bóp méo lịch sử, ngoảnh mặt, quay lưng lại với đất nước, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau đó, bằng cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 06-01-1946, nhân dân ta đã lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) - một nhà nước với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Cách mạng vừa thành công, thể chế dân chủ cộng hoà vừa mới ra đời, đã phải đương đầu với những khó khăn từ mọi phía, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù; đặc biệt là quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, tiêu điều bởi hậu quả nặng nề từ chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến… Có thể nói, đây là thời kỳ vận mệnh dân tộc Việt Nam ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Thế nhưng, với sức mạnh và ưu thế của chế độ dân chủ mới, khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau chín năm trường kỳ kháng chiến kiên cường và anh dũng, chúng ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng đó đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam kết thúc. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau 2 năm Việt Nam sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đế quốc Mỹ đã lợi dụng cơ hội thực dân Pháp rút quân khỏi nước ta, nhảy vào dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, viện trợ kinh tế, quân sự, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Một lần nữa, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đoàn kết triệu người như một, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Với chiến thắng đó, nhân dân Việt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước; bảo vệ và phát huy những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thành tựu bước đầu của cách mạng XHCN ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và đi lên CNXH.

Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, dân tộc ta tiếp tục vượt qua ảnh hưởng của “cơn lốc lớn” từng làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, giữ vững chế độ XHCN ở Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phát huy dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hơn 25 năm qua, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo được thế và lực mới để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét của con người và xã hội Việt Nam, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”1. Đồng thời, nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.”2; “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm…”3. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có những cố gắng rất lớn trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành sớm một số mục tiêu, như: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; phổ cập giáo dục tiểu học; cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em… Mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, năm 2012, nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra; đặc biệt, đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (5,3%); các chính sách an sinh xã hội được quan tâm (tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,76%)… Trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tăng trưởng, nhất là khu vực dịch vụ giữ ổn định ở mức khá; lạm phát được kiềm chế; tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,90%, số hộ thiếu đói giảm 10% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 6 năm 2013, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi…; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, môi trường hòa bình được giữ vững, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được nâng cao.

Dù còn không ít khó khăn và hạn chế, song những thành tựu của Việt Nam về phát triển con người, thực thi dân chủ đã và đang được thực tiễn chứng minh và khẳng định, không thể phủ nhận. Không phải ngẫu nhiên, ngày 28-5-2012, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John McCain (người từng là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa) đã đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, nhất là những tiến bộ đáng kể trong đời sống của nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Với những bước tiến đó đã tạo nên hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Việt Nam không chỉ trong khu vực ASEAN, mà còn ở các tổ chức quốc tế khác”. Rồi nữa, ngay tướng Nguyễn Cao Kỳ (người từng được coi là có tư tưởng chống Cộng cực đoan) đã xúc động không cầm nổi nước mắt khi lần đầu tiên được trở về cội nguồn (tháng 01-2004), sau 30 năm ở nơi đất khách quê người. Từ đó, sau nhiều lần về thăm quê hương, cảm nhận trực tiếp những phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân, Nguyễn Cao Kỳ bày tỏ niềm tin tưởng: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ trí tuệ để chèo chống và đưa đất nước tiến lên” và nguyện vọng của ông ta là sau khi nhắm mắt, xuôi tay được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ. Đặc biệt gần đây nhất, trong bản Báo cáo Phát triển con người năm 2013 có tựa đề: “Sự trỗi dậy của các nước Nam bán cầu: tiến bộ về con người trong một thế giới đa dạng”, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã xếp Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ vượt xa dự kiến về phát triển con người trong giai đoạn 1990 đến 2012. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, đánh giá: “Việt Nam là một trong những nước rất năng động và đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh”… Có thể nói, ngoài mục đích trực tiếp là giành độc lập, tự do cho dân tộc, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn mở đường để Việt Nam đi lên CNXH từng bước vững chắc.

Nếu thực sự còn tỉnh táo thì tại sao họ lại có thể đánh đồng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (một sự kiện lịch sử hào hùng, thiêng liêng của dân tộc và có ý nghĩa thời đại sâu sắc) với cuộc chính biến tháng 8-1991 ở Liên Xô - một trang sử đau buồn của nhân dân Xô-viết và của nhân loại tiến bộ? Những nhận định hồ đồ của một số người về vấn đề này cho thấy, có thể họ từng là “nhân chứng” của sự kiện này nọ, nhưng không hơn những “kẻ qua đường” chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” đứng ngoài những sự kiện lịch sử trọng đại. Người ta có thể đặt câu hỏi: những nhận định đó là cảm tính, ngộ nhận, hay là sự cố tình “tráo trở”, rắp tâm lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong quá trình đi lên của đất nước để phủ nhận sạch trơn những thành quả mà cách mạng đã mang lại cho đất nước và dân tộc?

Những tiếng nói lạc điệu trên, có thể ít nhiều tác động đến số ít người nhẹ dạ, cả tin. Song sự “trở cờ”, “quay lưng” của một số nhân vật càng cho chúng ta cảm nhận sâu sắc thêm về cuộc đấu tranh chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đặc biệt, là cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không chỉ mang tính cấp thiết, mà còn rất gay go, quyết liệt và lâu dài.

Đại tá PHÙNG KIM LÂN
_____________

1, 2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70, tr. 76, tr. 84 - 85.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.