Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:43 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày 31-7, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng chính thức được công bố. Đã có nhiều luồng dư luận trái chiều trong và ngoài nước xung quanh một số điều khoản của nghị định. Có hay không một sự hiểu nhầm, một sự diễn giải chưa chính xác - vô tình hoặc cố ý - dẫn đến cái nhìn lệch lạc về chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam?
Nghị định 72: Những mối quan ngại xuất phát từ một sự hiểu nhầm?
Trên BBC, AFP, Huffington Post và một số nguồn khác đề cập việc Nghị định 72 cấm cá nhân sử dụng in-tơ-nét cung cấp thông tin tổng hợp. Cụ thể, Đài Tiếng nói quốc tế Pháp (RFI) diễn giải "nôm na" và "nói cho đơn giản" là "cấm chia sẻ trên trang mạng xã hội và blog các thông tin lấy từ trang tin tức, trang báo mạng hoặc blog đưa tin" (bài "Ở Việt Nam, chính phủ tiếp tục cuộc chiến chống lại in-tơ-nét và các mạng xã hội" đăng ngày 6-8 trên trang web chính thức của RFI). Bài báo này còn nhận xét một cách châm biếm rằng, Nghị định 72 sẽ giới hạn trang cá nhân vào những việc như đăng "ảnh con mèo của bạn" hoặc "video âm nhạc mới của một ca sĩ đang được yêu thích"-"trên lý thuyết là như vậy".
Chương 3, Điều 20: Phân loại trang thông tin điện tử (...) Khoản 4: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Về phía dư luận trong nước, một số blogger như Huỳnh Ngọc Chênh - tác giả bài viết "Bà Tưng và nghị định tưng tưng"-nhìn nhận Nghị định 72 như "nòng súng" chĩa thẳng vào giới blogger và tự do ngôn luận trên mạng in-tơ-nét. Vậy điều khoản gây tranh cãi có nội dung cụ thể là gì? Ngay tiêu đề của điều luật cũng đã nói rõ ràng mục đích của nó: Phân loại (chứ không phải là "cấm đoán"). Cụ thể, trong buổi họp báo ngày 31-7 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu: "Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Đấy là quy định chung về Luật Dân sự và quy định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ".
Như vậy, quy định của Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Trong Chương 1, Điều 3: Giải thích từ ngữ, khoản 19 viết "Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội". Cách hiểu đúng ở đây là thông tin trích dẫn nguyên văn từ các nguồn được cơ quan chức năng công nhận về quyền và chức năng tổng hợp, đưa tin tức. Quy định này nhằm kiểm soát 2 hiện tượng phổ biến trong cộng đồng mạng Việt Nam:
Thứ nhất, nhiều trang cá nhân sử dụng thông tin tổng hợp mà không xin phép hoặc ghi rõ nguồn, dẫn liên kết nguồn. Điều này vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ. Vấn đề về bản quyền thông tin nói riêng và bản quyền sở hữu trí tuệ nói chung không hề mới mẻ với cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Thậm chí các nước trên thế giới còn kiểm soát ráo riết hơn Việt Nam nhiều. Đơn cử như năm 2009, bà Jammie Thomas-Rasset (Minnesota, Mỹ) bị phạt tới 1,9 triệu USD chỉ vì tải bất hợp pháp 24 bài hát! (tin từ CNN).
Thứ hai, cung cấp thông tin không phải là chức năng và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng in-tơ-nét mà của các cơ quan ngôn luận, báo chí hoặc cơ quan, tổ chức được sự cho phép của luật pháp. Sự kiểm soát này là cần thiết để tránh tình trạng giả mạo trang thông tin, xuyên tạc sự thật nhằm mục đích "câu view" hay động cơ tư thù cá nhân, động cơ chính trị,...
Một số trang báo mạng đưa thông tin và nhận xét có phần phiến diện (thậm chí là lệch lạc) về Nghị định 72 có quá vội vàng khi đưa ra những khẳng định mang tính quy chụp thay vì đặt câu hỏi chất vấn? Hiển nhiên, một tổ chức, cơ quan báo chí chính thống sẽ phải chịu trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra và hiểu rõ hơn ai hết: Tự do ngôn luận nhưng phải khách quan, đúng sự thật!
Sự luồn lách luật pháp qua "biên giới ảo"?
Trong bài "CPJ: Nghị định 72 là "mối nguy mới" đăng ngày 23-7 trên trang web chính thức của BBC, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) đặt ở New York, Mỹ cho rằng: "Nghị định 72 nhằm vào tự do trên mạng", cụ thể là nhằm vào các công ty in-tơ-nét trên toàn cầu như Google, Facebook,... Những nội dung bị cấm đăng tải trên trang web và mạng xã hội có liên quan đến Việt Nam gồm: "Chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo" và "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
Trong bài "Hoa Kỳ quan ngại về Nghị định 72" đăng trên trang web của BBC ngày 06-8, tổ chức Liên minh In-tơ-nét châu Á (AIC) do eBay, Facebook, Google và Yahoo sáng lập bày tỏ sự thất vọng: "Chúng tôi tin rằng nghị định sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống in-tơ-nét của Việt Nam (...). Về lâu dài, nghị định sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo và không khuyến khích doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam".
Từ trước đến nay, khâu quản lý, kiểm soát của Việt Nam đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài còn lỏng lẻo. Đơn cử như Google và Facebook, hai dịch vụ in-tơ-nét thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ quảng cáo ở Việt Nam nhưng chưa từng phải đóng một đồng thuế nào. Sự bất công này rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, công ty trong nước vốn đã yếu thế hơn về sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Nếu luật pháp Việt Nam trước đây không đề cập đến việc kiểm soát các công ty nằm ngoài lãnh thổ (hoặc có nhưng chưa triệt để) thì ngày nay, khái niệm về "lãnh thổ trong tầm kiểm soát" đã được in-tơ-nét mở rộng hơn, trừu tượng hơn và tất nhiên là... khó kiểm soát hơn.
Chương 3, Điều 22: Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới Khoản 1: Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến Việt Nam.
Tuân thủ pháp luật trở thành câu hỏi gây tranh cãi khi mà những dịch vụ như Facebook đang được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới. Với danh nghĩa là một công ty của Mỹ, Facebook chịu sự kiểm soát và phải tuân thủ pháp luật Mỹ, nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc "qua mặt" hàng rào pháp lý của các quốc gia mà Facebook "vươn vòi bạch tuộc"?
Yêu cầu của quốc gia sở tại đối với các dịch vụ, công ty, doanh nghiệp nước ngoài như trên không phải là không có tiền lệ. Năm 2000, Tòa án Pháp yêu cầu Yahoo! phải bảo đảm những người dùng tại Pháp không thể truy cập vào đường dẫn trên trang web của Yahoo! cho phép mua cuốn sách viết về những hồi ức phát - xít. Trong khi đó, công ty con của Yahoo! tại Đức bị Cảnh sát Đức điều tra vì rao bán cuốn sách "Mein Kampf" của Adolf Hitler (tin từ CNN).
Việc một số người cho rằng: Nghị định 72 nhằm vào các mạng xã hội như Facebook chỉ là ngộ nhận, vì trong số các dịch vụ mạng được nói đến còn có cả Game Online. Có hay không yếu tố quy chụp, thổi phồng, xuyên tạc thì tạm thời chưa xét đến. Có điều, không thể không công nhận rằng, nội dung quy định về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng trong và ngoài nước thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Nhà nước nhằm tạo hành lang pháp luật một cách công khai, minh bạch. So với Nghị định 97, nghị định quản lý cũ về cung cấp dịch vụ in-tơ-nét, Nghị định 72 cho thấy sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của luật pháp để thích nghi kịp thời với những thay đổi của xã hội. Đây chính là mấu chốt để thực hiện được quá trình hội nhập nhanh, sâu, rộng nhưng bài bản và có kiểm soát, tránh tình trạng xâm phạm "biên giới ảo".
Luật quốc tế và luật pháp quốc gia: Phép vua, lệ làng
Trên thế giới, hiện có 192 quốc gia thuộc Liên hợp quốc (chưa kể các quốc gia không được công nhận và các vùng lãnh thổ). Thống nhất luật pháp của tất cả các quốc gia thành một bộ luật duy nhất là một nhiệm vụ bất khả thi. Tất nhiên, khi thế giới đang tiến tới xu hướng "cộng sinh" thì việc đạt được thỏa thuận trong một số vấn đề là cần thiết. Luật quốc tế vì thế mà ra đời nhằm dung hòa quan hệ và tranh chấp quyền lợi giữa con người với con người. Đơn cử như vấn đề trên Biển Đông hiện đang được các bên liên quan căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để đàm phán.
Tuy nhiên, những điều luật quốc tế chỉ mang tính tương đối. Luật pháp do con người đặt ra để điều hòa, kiểm soát hành vi của mình. Mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng lại có lối sống, tập quán sinh hoạt riêng. Ví dụ, chế độ đa thê được luật pháp Hồi giáo công nhận thì lại bị cấm ở Việt Nam... Vậy có nên quy chụp cho một quốc gia là vi phạm nhân quyền, vi phạm luật quốc tế khi mà những luồng quan điểm du nhập từ bên ngoài chưa chắc đã giao thoa với phong tục tập quán và được quốc gia sở tại đón nhận? Ngay như ở Mỹ, đất nước nổi tiếng về sự tự do, 30 tiểu bang vẫn cấm hôn nhân đồng tính.
Nói như vậy để hiểu sự khác biệt trong luật pháp các quốc gia là tất yếu và là sự thật phải chấp nhận. Năm 2000, Tòa án dân sự tối cao Đức Bundesgerichtshof kết án Gerhard Lauck vì đã viết bài cho trang web của Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Đức tại Mỹ (theo chủ nghĩa phát-xít). Không vi phạm luật pháp Mỹ nhưng việc những người Đức nhận được email tuyên tuyền cho chủ nghĩa phát-xít từ trang web trên đã khiến Lauck bị kết án tù bởi Tòa án Đức. Đáp lại những cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận, người phát ngôn của Cơ quan điều tra hình sự liên bang Đức (Verfassungsschutz) Hans-Gertz Lange lập luận: "Khái niệm về tự do ngôn luận của họ (Mỹ và Ca-na-đa) gắn liền với lịch sử của họ; luật pháp bài xích tuyên truyền gây hận thù sắc tộc của chúng tôi gắn liền với lịch sử của chúng tôi" (tin từ CNN). Để thấy, sự khác biệt về khái niệm ở những quốc gia khác nhau phụ thuộc nhiều vào phông nền văn hóa - lịch sử.
Có nên nhìn nhận và đánh giá luật pháp Việt Nam bằng những hệ tiêu chuẩn nước ngoài, khi mà bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Việt Nam không hoàn toàn giống các nước? Chưa kể, Việt Nam đã chính thức tham gia vào Liên hợp quốc từ năm 1977, thiết lập quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới mà mới đây nhất là quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Điều này chứng tỏ, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được quốc tế công nhận. Nếu Việt Nam thực sự vi phạm các Công ước và Luật quốc tế đã ký kết, chức năng thẩm định thuộc về các cơ quan, tổ chức quốc tế có thẩm quyền. Thiết nghĩ, các tổ chức, cơ quan ngôn luận nên có sự khách quan và tôn trọng tối thiểu, không đưa thông tin mù mờ khiến người đọc hiểu sai về luật pháp Việt Nam.
HẢI TRIỀU
Nguồn: qdnd.vn
Nghị định 72
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm