Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:14 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ và gây nhiễu loạn về lý luận, tư tưởng. Trong đó, họ đòi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin; thực chất là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là mục tiêu xuyên suốt, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của họ, nhưng rốt cuộc chỉ là ảo tưởng, không thể thành hiện thực.
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng quyết liệt hơn, âm mưu, thủ đoạn cũng tinh vi, xảo quyệt hơn. Trong đó, họ tập trung phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Từ đó luận giải đòi thay bằng hệ tư tưởng tư sản, xóa bỏ vị trí thống trị của hệ tư tưởng vô sản trong Đảng và trong xã hội. Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch tung ra, nhìn chung có sự thống nhất căn bản về bản chất và mục đích, hình thức thể hiện khá đa dạng, đan xen, nhằm thích ứng với tình hình tư tưởng, lý luận và dư luận xã hội. Trong đó, có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời sự của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Và cũng có quan điểm đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cùng với đó phủ nhận học thuyết Mác – Lê-nin, với biện giải học thuyết này đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá”, và rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, bởi trong đó đã bao hàm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thậm chí còn cao hơn chủ nghĩa Mác – Lê-nin! Các quan điểm sai trái trên đều nguy hiểm, nhưng nguy hiểm nhất, thâm độc nhất là quan điểm về tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bởi, quan điểm này thể hiện tính ngụy biện, không phủ nhận sạch trơn nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng tầm một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh dễ làm cho một số người cả tin, ngộ nhận.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có những bài nói, bài viết, công trình khoa học nghiên cứu khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong thời đại ngày nay. Ngay một số học giả tư sản cũng thừa nhận, tinh thần của học thuyết Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào đó mới phân tích đúng CNTB đương đại và CNXH, bất chấp sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”1. Theo Người, chủ nghĩa Mác – Lê-nin không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng - CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô, ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “…chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lê-nin”2. Điều đó, được các học giả quốc tế ngày nay tiếp tục ghi nhận. Thật vậy, hai học giả Sa-mi A-min và Phrăng-xoa U-ta (nước Bỉ) khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp hai ông đến Hà Nội dự hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa” (tháng 8-2014) đã khẳng định: “Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam là một trong số những ĐCS thành công nhất trong lịch sử hiện đại khi đã lãnh đạo nhân dân giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Câu chuyện lãnh đạo nhân dân thu non sông về một mối của ĐCS Việt Nam thực sự là một câu chuyện lịch sử tuyệt vời”3. Và rằng “…thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do ĐCS lãnh đạo lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, như: Đổi Mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cu-ba,… đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, đã là những bằng chứng rõ ràng về sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin”4.
Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Người có nguồn gốc từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roayan Môngxô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”5. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin để đưa ra các quan điểm riêng, mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Nếu không có chủ nghĩa Mác – Lê-nin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển.
Trong bài “con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh đã nói: trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”6, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, CNXH và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”7. Thế rồi, “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”8.
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nguồn gốc lý luận chủ yếu của sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về phương pháp chỉ đạo cách mạng. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây để hình thành tư tưởng của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác – Lê-nin là phép biện chứng duy vật.
Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là “đơn thuốc vạn năng”, mà như Người nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”9. Trong bài “V.I. Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” đăng trên báo Sự thật (Liên Xô), Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin”10.
Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin và ngược lại. Cũng không thể đề cao được tư tưởng Hồ Chí Minh, khi mà bằng cách này hay cách khác lại phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta,…”11. Vì thế, những quan điểm tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin đều sai trái, thậm chí thù địch, với dụng ý xấu. Như thế, không phải là ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, người ta muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguy hiểm của luận điểm sai trái đó là cùng một lúc nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xấu độc đó để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của ĐCS Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đại hội XI của Đảng đề ra.
ĐẶNG CÔNG THÀNH, Học viện Chính trị _______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
2 - Sđd - Tập 12, tr. 589-590.
3, 4 - Càng bị bài bác, chủ nghĩa Mác – Lê-nin càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt, Báo QĐND, ngày 18-8-2014.
5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 315.
6, 7, 8 - Sđd - Tập 12, tr. 561, 561, 563.
9 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 509 - 510.
10 - Sđd - Tập 13, tr. 381.
11 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 88.
Chủ nghĩa Mác-Lê-nin,Hồ Chí Minh
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm